Ông Bùi Văn Ngôn, Chủ tịch HND huyện Kinh Môn không chỉ là một cán bộ hội năng nổ, nhiệt tình, tận tâm với công việc, mà còn là điển hình trong làm kinh tế ở địa phương.
Không chỉ là cán bộ hội tích cực, ông Ngôn còn hăng hái làm giàu cho gia đình
Với vai trò lãnh đạo Hội Nông dân huyện, ông Ngôn luôn quan tâm, giúp đỡ các hội viên trong lúc khó khăn và tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế gia đình. Trong công tác hội, ông chú ý đổi mới nội dung, cách vận động, tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt. Vì vậy, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt hội thường xuyên đạt trên 95%. Nhiều năm liền Hội Nông dân huyện Kinh Môn được Hội Nông dân tỉnh xếp loại xuất sắc, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để khuyến khích hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội Nông dân huyện Kinh Môn đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ vay vốn, mở các lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên. Ông Ngôn cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm nay, hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 3.447 hộ nông dân vay tổng số vốn trên 100 tỷ đồng. Tổ chức 56 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho gần 3.500 lượt hội viên. Hỗ trợ trả chậm 125 tấn phân bón và 1.650 tấn thức ăn chăn nuôi cho nông dân”.
Thời gian qua, hội viên nông dân ở Kinh Môn đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Được ông Ngôn tận tình hướng dẫn, tư vấn, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tập trung theo vùng. Nhiều mô hình tiêu biểu được duy trì và phát triển mạnh như cam (Thất Hùng), nếp cái hoa vàng (An Phụ, Phạm Mệnh), sắn dây (Thượng Quận), nuôi thủy sản (Minh Hòa)... Nhờ những chuyển biến tích cực đó nên năm 2017, huyện có 12.200 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2018, trên 17.000 hộ nông dân trong huyện đăng ký phấn đấu trở thành hội nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp.
Không chỉ tận tình với công tác hội, ông Ngôn còn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Năm 1994, sau khi đi tham quan mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Thanh Hà và tỉnh Hưng Yên, ông đã về áp dụng ngay những gì đã học vào thực tế. Với bản tính ham học hỏi và quyết tâm làm giàu, ông chuyển đổi hơn 3 sào đất để trồng vải, nhãn, đào ao thả cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng thương phẩm.
Không dừng lại ở đó, ông Ngôn còn chuyển đổi gần 4 sào gieo cấy lúa sang trồng hành. Ông Ngôn cho biết: “Những năm gần đây, hành, tỏi Kinh Môn ngày càng khẳng định được thương hiệu nên có nhiều thương lái đến thu mua. Hành khô hiện được bán với giá từ 30.000-40.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi từ 45-50 triệu đồng mỗi vụ”.
Để có thu nhập quanh năm, ông Ngôn còn trồng thêm gần 50 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn, na, mít Thái... Mỗi năm, gia đình ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp.
Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế và công tác hội, ông Ngôn đã nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp Hội Nông dân.
ĐỖ QUYẾT