Sau khi Chính phủ, Quốc hội thông qua nhiều chính sách mới nhằm gỡ khó cho hoạt động du lịch, địa phương được coi như "đầu tàu" kinh tế xanh cả nước là Đà Nẵng đã nhanh chóng lên kế hoạch chuyển mình.
"Anh cả” du lịch Việt sẽ chuyển mình mạnh mẽ với kế hoạch bài bản
Được đánh giá là một trong những địa phương luôn đi đầu trong hoạt động kinh tế xanh, ngay sau khi Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững vừa ban hành, cũng như Quốc hội thông qua chính sách visa mới, tháo gỡ nhiều “nút thắt,” Đà Nẵng đã gần như ngay lập tức cho thấy sức bật của “anh cả” du lịch Việt.
Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên về kế hoạch hành động của địa phương “đầu tàu” này.
Áp lực thay đổi từ chính sách mới
- Là địa phương luôn đi đầu trong các hoạt động du lịch của cả nước, xin ông cho biết Đà Nẵng đã có kế hoạch hành động ra sao để thực hiện Nghị quyết số 82 mà Chính phủ vừa ban hành?
Ông Cao Trí Dũng: Chúng tôi đã tuyên truyền Nghị quyết này đến cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương triển khai hàng loạt kế hoạch hành động bằng việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch địa phương; thiết kế, định hướng, hình thành hệ sinh thái sản phẩm mới phù hợp với cấu trúc ngành đã thay đổi cơ bản sau đại dịch, qua đó chuẩn bị dòng sản phẩm hướng đến các nhóm nhu cầu chuyên sâu, nhỏ lẻ, tăng trải nghiệm, tăng giá trị cho du khách.
Ngoài ra, chúng ta cần phải xác định các thị trường mới, thị trường tiềm năng để xúc tiến nhanh, mạnh và sâu rộng vào các thị trường đó đồng thời tăng năng lực phục hồi của hệ thống dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng chất lượng phục vụ du khách, tạo môi trường an ninh an toàn, thân thiện…
Mỳ Quảng, một trong những đặc sản ẩm thực nhất định không nên bỏ lỡ khi trải nghiệm Đà Nẵng
Với hàng loạt các giải pháp như vậy thì đến thời điểm này, có thể nói rằng Đà Nẵng là một trong những địa phương phục hồi tốt nhất. Chúng tôi đã đạt được lượng khách nội địa vượt cao điểm năm 2019, khách quốc tế đạt được khoảng 70%, riêng thị trường Trung Quốc vì một số lý do khách quan nên chưa phục hồi đầy đủ. Hy vọng trong năm 2024, cả lượng khách nội địa và quốc tế của chúng tôi sẽ vượt cao điểm nhất của 2019.
- Quốc hội vừa thông qua chính sách visa mới. Theo ông chính sách này sẽ góp phần thay đổi ra sao diện mạo thị trường khách quốc tế Việt Nam sau năm 2023 như thế nào?
Ông Cao Trí Dũng: Có thể nói, chính sách về thị thực xuất, nhập cảnh mới mà Quốc hội vừa thông qua sẽ làm thay đổi cơ bản về cấu trúc khách cũng như hệ thống dịch vụ phục vụ của chúng ta.
Khi Việt Nam đã bắt kịp xu hướng thay đổi nhu cầu của khách, cũng như thị hiếu tiêu dùng trong tiếp cận điểm đến, du khách đã tiếp cận gần hơn chuỗi dịch vụ trực tiếp… Tôi cho rằng chính sách thị thực mới sẽ mở đường cho rất nhiều luồng khách mới, đặc biệt là những luồng khách chủ động, luồng khách gia đình, những luồng khách nhỏ lẻ… Xu hướng này sẽ gây áp lực lên hệ thống dịch vụ, buộc các doanh nghiệp, địa phương phải thay đổi để phù hợp với chính sách mới.
Có thể nói chính sách này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho chúng ta nâng cao sức cạnh tranh điểm đến Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng trong việc tiếp cận các luồng khách du lịch quốc tế. Chắc chắn trong 6 tháng còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo chúng ta sẽ ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đáng kể, đặc biệt là nguồn khách đi lẻ và sử dụng visa.
Đà Nẵng là một trong những địa phương trong tổ chức các sự kiện văn hóa quy mô lớn
Xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên biệt
- Chính sách mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 15.8, vậy các doanh nghiệp ở Đà Nẵng - một trong những địa phương thu hút rất đông khách du lịch quốc tế hằng năm có sự chuẩn bị chuyển mình như thế nào, thưa ông?
Ông Cao Trí Dũng: Chúng tôi đã theo dõi và chuẩn bị kế hoạch sát với chủ trương của Chính phủ cũng như chính sách mới mà Quốc hội thông qua. Chúng tôi đã thông báo với các đối tác nước ngoài, các thị trường lớn, thị trường chính, các thị trường sẽ được Việt Nam “cởi nút thắt’ visa từ ngày 15.8.
Hiện một số thị trường đối tác có phản ứng nhanh với các chính sách mới của ta thì đã có khách như thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á. Một số thị trường xa cũng đã chuẩn bị cho mùa khách cuối năm và năm sau.
Chúng tôi cũng vừa truyền thông vừa xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với chính sách thị thực, vừa tổ chức xúc tiến quảng bá sâu vào các thị trường bằng cách mời đoàn khảo sát của các thị trường chính đến Việt Nam.
Thời gian này, cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng hết sức chủ động trong việc triển khai và thúc đẩy chính sách của Nhà nước, làm sao để có hiệu quả nhanh chóng sau chính sách mới trong việc tháo gỡ nút thắt thị thực xuất-nhập cảnh và bắt kịp xu hướng khách cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Xin ông cho biết các doanh nghiệp Đà Nẵng đã xây dựng những chương trình tour mới như thế nào để kéo dài thời gian lưu trú của khách nội địa cũng như quốc tế giai đoạn mới?
Ông Cao Trí Dũng: Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị trong thời gian rất dài, vừa tái cấu trúc nguồn khách để thị trường bền vững hơn vừa hạn chế tính thời vụ nhằm tăng thời gian lưu trú của khách, cũng là hướng tới hoàn chỉnh hệ sinh thái sản phẩm, tăng năng lực quản lý điểm đến, năng lực xúc tiến quảng bá…
Ông Cao Trí Dũng
Đà Nẵng hiện đang chuẩn bị các sản phẩm hết sức chuyên sâu, trong đó năm trụ cột sản phẩm được xác định là: Các sản phẩm nghỉ dưỡng biển trên cơ sở Đà Nẵng có một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh và hệ thống hạ tầng dịch vụ cao cấp chất lượng cao; Đà Nẵng là cửa ngõ của các di sản, gắn với Quảng Nam-Thừa Thiên Huế-Quảng Bình nên hình thành sản phẩm liên tuyến trải nghiệm di sản miền Trung; du lịch MICE trên cơ sở Đà Nẵng hai lần được công nhận là điểm đến lễ hội, sự kiện hàng đầu châu Á; phát triển sản phẩm du lịch đô thị với tư cách Đà Nẵng là đầu tàu kinh tế trọng điểm của miền Trung, nơi có hạ tầng rất tốt; cuối cùng là du lịch sinh thái gắn với xu hướng du lịch xanh.
Hiện Đà Nẵng đang phát triển xoay quanh 5 trục sản phẩm này đồng thời xây dựng hàng loạt sản phẩm mới là sản phẩm biển đặc sắc, sản phẩm gắn với văn hóa bản địa, các sản phẩm liên quan đến sự kiện, các sản phẩm sinh thái, sản phẩm đường sông…
Có thể nói, việc làm mới sản phẩm đã luôn tạo cho Đà Nẵng một tâm thế, vị thế là địa phương có sức hút với cộng đồng du lịch cũng như thị trường khách trong và ngoài nước.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Trong tổng doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2023 của cả nước ước đạt 14,5 nghìn tỷ đồng (tăng 65,9% so với cùng kỳ năm trước), Đà Nẵng có mức tăng cao nhất là 174%, tiếp theo là Hà Nội (106,9%), Hải Phòng (93,2%), TP Hồ Chí Minh (78,5%). Trong tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống du lịch cả nước 6 tháng đầu năm ước đạt 321,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước), Khánh Hòa có mức tăng cao nhất (51%), tiếp theo là Đà Nẵng (39,1%), Cần Thơ (37,5%), Quảng Ninh (36,9%). Trước đó, năm 2022, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch với 4,7 điểm, xếp sau là Quảng Ninh (4,68 điểm), Khánh Hòa (4,56 điểm), Quảng Nam (4,55 điểm) và Thừa Thiên-Huế (4,52 điểm). |
Theo Vietnam+