Còn chục ngày nữa là Tết, tôi vẫn chưa quyết định về quê hay ở lại, dù rất muốn về với gia đình nhưng lại sợ đi đâu cũng bị hỏi "khi nào lấy chồng" như mấy năm qua.
Mấy ngày qua, sáng - trưa - chiều - tối, bố mẹ tôi đều gọi điện hỏi bao giờ về, sao chưa gửi thông tin vé máy bay như mọi năm để sắp xếp đi đón. Tôi chỉ ậm ừ: "Công việc đang lu bu quá, con chưa chốt được!".
Tôi 28 tuổi, được mọi người nhận xét là thông minh, xinh đẹp. Nhiều người còn nói tôi là phụ nữ kiểu mẫu vì có công việc ổn định tại tập đoàn lớn, tự mua nhà, mua xe hơi riêng.
Việc thì nhiều thật, nhưng không lu bu đến nỗi chưa chốt được ngày về như cách tôi trả lời bố mẹ. Thực tình là tôi đang cân nhắc có nên về quê ăn Tết hay không vì rất mệt mỏi, đau đầu khi nghĩ đến cảnh bị mọi người dồn hỏi "khi nào lấy chồng".
Những năm qua, mỗi lần tôi về thì mười người như một, tất cả đều dồn hỏi có anh nào chưa, khi nào lập gia đình, khi nào sinh con... Nực cười là tôi bị hỏi như vậy từ hồi mới ra trường, chưa đầy 23 tuổi. Vài năm nay cường độ thăm hỏi lại càng kinh khủng hơn.
"Bao giờ lấy chồng?" là câu mà tôi được nghe nhiều nhất, đại trà nhất.
"Con Ánh, con Thắm học cùng lớp cấp 2 với mày, chúng nó 2 - 3 đứa con rồi kìa. Nhìn không thèm à?", vài bà hàng xóm hỏi khi qua nhà tôi.
"Chắc kén chọn quá. Có nhà, có xe rồi, chắc nghĩ không cần chồng con. Vài chục năm nữa có muốn, có hối hận cũng không kịp", mấy bác gái đằng nội soi xét tôi.
"Đàn bà phụ nữ phải lấy chồng đẻ con mới gọi là thành công, chứ nghĩ ta đây tự mua nhà mua xe là ngon rồi thì sai bét", vài người "dạy dỗ" làm tôi khó chịu ra mặt.
Bực mình hơn, sau khi dồn tôi mà chỉ nhận được cái cười trừ, họ quay sang "tấn công" bố mẹ tôi: "Anh chị không ép nó đi chứ để nó thích sao cũng được thế thì dở rồi. Ở thành phố không kiếm được chồng thì về quê, tui thấy thằng A. mới đi xuất khẩu lao động ở Nhật về coi bộ cũng có tiền, không thì thằng B., nó hơi xấu trai nhưng có vẻ tốt tính...".
Nhiều người còn vô duyên đến nỗi: "Nó thông minh xinh đẹp thế kia, đầy người thích mà không chịu ai, hay nó có vấn đề về giới tính?". Có hôm tôi ở trong nhà nghe tiếng bà hàng xóm nói thế, nhìn ra thấy mặt bố tôi đỏ bừng, đuổi bà ta về, giận hết sức.
Việc lấy chồng, tôi muốn chứ. Nhưng là chuyện cả đời mà.
Tôi cũng có vài ba mối tình, người nào cũng tính chuyện lâu dài, nhưng quen một thời gian thấy không phù hợp nên dừng lại. Tôi biết, những mối tình đó nếu đi đến hôn nhân sẽ rất dễ đổ vỡ. Lý do thì chính chúng tôi là người trong cuộc mới hiểu được.
Tôi nhận mình là người khá cầu toàn. Đến lúc này, khi cũng "trải" vừa đủ thì với tôi, một tình yêu chí ít phải thấy được sự bền vững, có thể đi đến hôn nhân thì mới mạnh dạn bước vào. Còn quan điểm mà đám bạn tôi vẫn đang theo, "quen thử, không vui thì chia tay", lại không hợp với tôi lắm.
Chẳng nhẽ khi về quê, cứ lúc nào bị hỏi tôi lại bê nguyên nội dung trên để giải trình với từng người? Giải trình với chính mình còn mệt, huống hồ giải trình với những người có khi vài ba năm tôi mới gặp một lần.
Thực tình, mỗi lần đối mặt với những câu hỏi “quan tâm” quá mức nhiệt tình này, đầu tôi muốn nổ tung vì nếu không trả lời thì bị coi là khiếm nhã, mà trả lời thì chẳng thoải mái gì.
Tôi đi làm và ở hẳn thành phố, năm về quê vài ba lần, nghe tra hỏi vậy còn mệt; huống chi bố mẹ tôi ở nhà, nghe mỗi ngày. Nghĩ cũng thương cho bố mẹ. Ở quê mà, con gái tầm 26 mà chưa có chồng đã bị cho là "ế', "quá lứa". Đằng này tôi 28 tuổi nên cũng phần nào hiểu được cảm giác của bố mẹ.
Tiêu chuẩn thành công và hạnh phúc ở quê tôi bắt buộc con gái trên 25 tuổi cứ phải có tấm chồng. Chồng mà có công việc ở cơ quan Nhà nước thì càng nở mày nở mặt, dù lương chỉ ba cọc ba đồng.
Những người như tôi tự thấy cuộc sống mình ổn, nhưng mọi người ở quê lại cho là bất ổn. Người ta nói tôi là đứa không tuân theo truyền thống, không giống ai.
Thú thật, Tết, không chỉ tôi mà chắc tất cả những người trẻ đều muốn về quê. Tết trở về đâu chỉ là để nghỉ ngơi, thưởng thức bữa cơm gia đình mà còn là tìm về nguồn cội, về với tuổi ấu thơ, với gốc rễ tâm hồn của mỗi người. Tết là tìm về nơi mình được bỏ xuống những "bộ mặt khác" để được bình dị là chính mình.
Vậy nên, ước gì đừng có những câu nói bâng quơ, những màn "tra hỏi" về chuyện rất riêng tư và tế nhị như trên thì Tết trọn vẹn biết mấy.
TB (theo VTC)