Ở rừng xã An Lạc (Chí Linh) hiện có đàn cò với số lượng hàng trăm con sinh sống. Nơi này có tiềm năng trở thành khu du lịch sinh thái...
Đàn cò ở khu vực đầm, hồ An Bài có hàng trăm con
Cò hồi rừng
Tôi biết thông tin về vườn cò ở An Lạc là nhờ ông Nguyễn Văn Khang, một người có nhiều năm nghiên cứu về sinh học, cũng là người có công đầu trong việc phát hiện và bảo vệ đàn cò ở Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Thấy tôi quan tâm tới chủ đề này, dù đã ở tuổi 76 nhưng ông vẫn nhận lời cùng tôi đi điền dã An Lạc.
Từ trụ sở UBND xã An Lạc, chúng tôi đi vài cây số nữa, qua một đoạn đường quanh co ở chân đồi tới nhà ông Nguyễn Văn Kiểm, bà Bùi Thị Hoài ở thôn An Bài. Ngôi nhà nhỏ ở chân núi, một bên là hồ An Bài khoáng đạt với làn nước trong xanh, một bên là ngọn đồi trồng keo xanh mướt. Thấy chúng tôi, bà Hoài nói ngay: “Cò đã hồi rừng. Khoảng 5-6 giờ chiều, nó bay về đây kêu ríu ra ríu rít. Vui lắm!”
.
Chúng tôi thắc mắc sao cò lại hồi rừng? Hóa ra, cách đây 4-5 năm, khu rừng nhà bà Hoài nhận khoán có rất nhiều cò về cư trú, có lúc lên đến hàng nghìn con. Nhưng một vụ cháy rừng dữ dội thiêu hủy gần như toàn bộ hơn 3 ha rừng nhà bà Hoài đã làm mất chỗ trú ngụ của chúng. Bà Hoài nhớ lại: “Vụ cháy khiếp lắm, ngọn lửa cao tới 7 m. Cò bay tán loạn. Chỉ còn một số cây keo chưa bị cháy hết, cò về đậu đông nghịt. Buổi đêm, cò nhớ nhà bay về nhưng rừng cây đã bị thiêu trụi, chúng kêu ầm ĩ”. Ông Kiểm, bà Hoài lại tiếp tục trồng keo vào chỗ rừng cháy. Đến giờ, rừng keo mới đã tốt tươi, cò lại tìm về đây.
Nóng lòng muốn thấy đàn cò, chúng tôi đề nghị bà Hoài cho vào rừng ngay. Chúng tôi men theo con đường đất nhỏ hẹp ven hồ An Bài đi giữa những hàng cây keo thẳng đứng. Cảnh rừng thật yên tĩnh, dường như chỉ nghe thấy tiếng bước chân loạt soạt đi trên lá cây. Ông Khang bảo địa thế nơi này rất lý tưởng cho cò định cư. Nơi đây có đầm, hồ nên tôm, cá, ếch, nhái nhiều, là nguồn thức ăn phong phú cho cò. Chỗ này có núi rừng để cò sinh sống. So với Đảo Cò Chi Lăng Nam, điều kiện thiên nhiên nơi này có phù hợp với cò hơn.
Thấy tiếng động, từng đàn cò chừng 10-30 con từ các lùm cây keo ven hồ bay vút lên. Nhìn qua ống nhòm, ông Khang cho biết đó có thể là cò bợ vì chúng đi thành từng đàn nhỏ. Đi tiếp một đoạn nữa, hàng chục con chim có màu lông hơi nâu thảng thốt bay ra từ bụi cây. “Đây có khả năng là vạc vì màu lông chúng hơi nâu”, ông Khang nói. Chỉ đi khoảng gần 1 km ven hồ, chúng tôi thấy ước chừng 200-300 con cò, vạc.
Ông Kiểm cho tôi biết thêm thông tin là cò thường về đây từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch), còn về mùa đông chúng di chuyển tới nơi khác. Số lượng cò tập trung đông nhất ở núi Cả. Ở thôn An Bài này, cò chủ yếu về đậu ở vườn rừng nhà ông Kiểm, chỉ một số ít đến đậu ở rừng người khác. Anh Nguyễn Văn Lĩnh (con trai ông Kiểm) cho biết cò đã làm tổ ở đây nhưng số lượng còn ít.
Rừng cây ven hồ An Bài là địa điểm thuận lợi để nhiều loài chim nước cư trú
Cò bị giết hạiSăn bắt chính là mối họa lớn nhất cho đàn cò An Lạc. Khoảng chục năm trở lại đây, khi An Lạc được bao phủ bằng những cánh rừng xanh tốt, các loại chim bắt đầu về cư trú. Cũng từ lúc ấy, nhiều thợ săn là người dân địa phương và từ nơi khác đến đây để săn bắt chim. Người dân địa phương bẫy cò để ăn thịt hoặc bán cho quán ăn. Thợ săn thường dùng nhựa cây đa, thông, guột để bẫy cò. Cây đa trước cổng UBND xã chi chít vết dao chém từ gốc tới ngọn cây do thợ săn cò lấy nhựa.
Hết bẫy bằng “bẫy giò”, nhiều người còn dùng súng giết cò. Đang đi trong rừng, chúng tôi giật mình khựng lại vì một tiếng “đoành” chát chúa. Sau tiếng súng khô khốc ấy vang lên có thể một con cò vô tội không còn nữa. Ông Kiểm kể rằng có lần vợ ông chạm mặt một nhóm thợ săn cò có 3-4 người. Bà Hoài ra nhắc chúng đừng giết cò nhưng chúng bỏ ngoài tai. Chỉ một lúc, mấy con cò đã bị giết hại. Bực mình, ông Kiểm ra tận nơi to tiếng, chúng mới bỏ đi. Lúc ông Kiểm ở nhà mới có thể ngăn chặn được thợ săn cò. Những lúc ông đi vắng, thợ săn lại tha hồ nổ súng bắn cò.
Những cánh cò trắng muốt bay rập rờn trên mặt hồ, trên những lùm cây, rồi cả trên dòng sông Kinh Thầy mênh mang. Khung cảnh làng quê yên bình quá! Ước gì đàn cò nơi này sẽ được an lành, bình yên như thế.
|
Chỉ cách vườn cò nhà ông Kiểm chừng 1 km đường chim bay, ở núi Vọng Lật (thôn Bờ Dọc) cũng có một vườn cò hàng trăm con, sống tại khu rừng nhận khoán của chị Dương Thị Duyên. Theo chị Duyên, cò về đây làm tổ từ khoảng 5 năm về trước. “Có lúc cò bay trắng núi, làm tổ nhiều lắm. Những lúc bão to, gió mạnh, cò con rụng xuống như trút”, chị Duyên kể. Rất có khả năng cò ở đây di chuyển từ rừng nhà ông Kiểm đến sau đợt rừng bị cháy. Nhưng vườn cò này cũng đang có nguy cơ biến mất do bị săn bắt nhiều. Chị Duyên từng nhìn thấy những thợ săn lén lút vào rừng, ngồi đợi dưới gốc cây, chờ cò về là nổ súng. Thêm vào đó, một doanh nghiệp khai thác đất đồi để làm gạch ở gần khu vực cò sinh sống làm chúng hoảng sợ, không dám về tổ. Trên đường vào nhà chị Duyên, chúng tôi đi qua mấy ngọn núi trơ trọi do đang khai thác đất đá làm gạch. Mấy con cò đơn độc vụt bay trước mắt chúng tôi.
Nghe một số người dân địa phương về nạn săn bắt cò làm thịt mà chúng tôi nhói lòng. Cò bị giết để làm đủ các món: cò hấp, cò xáo măng, chả cò, cò quay... Thậm chí người ta còn rung cây rừng cho cò con rơi xuống để bắt, giết cò con.
Ai bảo vệ đàn cò?
Việc khai thác đất đồi ở thôn Bờ Dọc đã ảnh hưởng tới nơi cư trú của đàn cò
Ông Nguyễn Văn Khang cho biết, đầm, hồ An Bài rất lý tưởng cho cò định cư, nên xây dựng nơi này thành khu du lịch sinh thái giống như ở Đảo Cò Chi Lăng Nam.
Một số người cao tuổi ở địa phương kể lại rằng mấy chục năm trước ở nơi này cũng từng có một vườn cò. Đấy là ở vườn tre của cụ Lềnh Để (cụ đã mất) với số lượng hàng trăm con. Nhưng rồi nhiều người tới đây săn bắt cò. Có người ném đá vào tổ cò, đá rơi vỡ đầu cụ Lềnh Để. Tức quá, cụ Lềnh Để chặt tre bán, vườn cò không còn nữa. Nghe câu chuyện này, chúng tôi sợ rằng nếu không có biện pháp bảo vệ, vườn cò ở rừng của ông Kiểm, chị Duyên cũng không giữ được. Cũng có những người thấy giá trị của vườn cò, họ muốn giữ lại nhưng họ quá đơn độc. Còn ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc cũng thấy rằng việc gìn giữ đàn cò cũng có nhiều khó khăn vì địa phương “chưa có cơ chế quản lý cụ thể”. Ngoài ra, lực lượng công an xã còn mỏng nên khó khăn trong phát hiện, ngăn chặn những người săn bắt. “Nguyện vọng nhiều năm nay của địa phương là xây dựng khu vực đầm, hồ An Bài thành khu du lịch sinh thái, được gắn kết với du lịch tâm linh ở khu vực Đền Cao. Thế nhưng, nếu địa phương tự thực hiện thì cũng rất khó”, ông Hưng cho biết.
Cuối chiều, chúng tôi trở về trên con đường đá sỏi quanh co, uốn lượn qua những quả đồi. Ánh hoàng hôn vàng rực nhuộm khắp mặt hồ An Bài và bao phủ rừng keo tốt tươi. Bên những ruộng lúa thì con gái xanh rì, mấy con trâu nhẩn nha gặm cỏ. Những cánh cò trắng muốt bay rập rờn trên mặt hồ, trên những lùm cây, rồi cả trên dòng sông Kinh Thầy mênh mang. Khung cảnh làng quê yên bình quá! Ước gì đàn cò nơi này sẽ được an lành, bình yên như thế. Ước gì chính quyền, người dân địa phương có được quyết tâm giữ đàn cò như năm xưa các cụ từng ôm chặt lấy thân cây lim Đền Cao không cho người ta chặt hạ. Ước gì nơi đây thành vườn cò đông đúc, thành khu du lịch sinh thái giống như ở Đảo Cò Chi Lăng Nam để mang lại cuộc sống ấm no chính người dân địa phương.
Năm 2008, Khoa Sinh học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã điều tra hiện trạng động, thực vật đầm, hồ An Bài ở xã An Lạc. Kết quả cho thấy nơi đây có hệ động vật, thực vật rất phong phú. Riêng họ diệc đã phát hiện có 6 loài là cò trắng, cò ruồi, cò bợ, vạc, diệc xám, diệc lửa. Nơi này cũng có loài làm tổ sinh sống, có loài chỉ cư trú tạm thời. Năm 2010, UBND thị xã Chí Linh đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển bền vững khu vực đầm, hồ An Lạc gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo đó khoảng 12 ha đầm, hồ An Bài sẽ được bảo tồn, phát triển để tạo chỗ sinh sống cò, vạc, các loài chim khác...
|
|
NINH TUÂN