Luôn trăn trở muốn hội viên của mình thoát nghèo, anh Nguyễn Văn Chúc tìm mọi cách giúp đỡ các hội viên bằng kinh nghiệm và cả vật chất...
Không chỉ hướng dẫn mọi người, anh Chúc còn tích cực phát triển kinh tế gia đình
Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người nông dân quê mình, anh Nguyễn Văn Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) luôn trăn trở tìm cách giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2008, khi vừa 35 tuổi, anh Chúc được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Là một cán bộ trẻ, anh tích cực đi nhiều nơi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế để về áp dụng tại địa phương. Từ năm 2008 đến nay, anh đã đưa về xã triển khai 9 mô hình phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Mô hình nhãn chín muộn triển khai từ năm 2008 với 16 hộ trồng tổng diện tích hơn 1 ha. Trước đó, anh cùng các hộ này đi tham quan ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên). 3 năm sau, các vườn nhãn đã được thu hoạch, có hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn xã đã có hơn 150 hộ trồng 10 ha nhãn chín muộn. Năng suất nhãn chín muộn hiện nay đạt 3 tấn/ha và sẽ tăng lên 10 tấn/ha khi cây trưởng thành, với mức giá bình quân 20.000 đồng/kg, người trồng sẽ thu từ 60 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Để phát triển mô hình nuôi gà thả đồi, anh Chúc đã cùng một số cán bộ hội sang huyện Yên Thế (Bắc Giang) và thôn Bãi Thảo, xã Bắc An (cùng ở Chí Linh) học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy mô hình phù hợp với điều kiện địa phương nên anh Chúc đứng ra thành lập câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà thả đồi với 36 thành viên. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, mọi người chỉ dám nuôi 500 con/lứa. Thấy có lãi, các thành viên tiếp tục mở rộng quy mô nuôi lên từ 1.000 con đến vài nghìn con/lứa. Hiện nay, CLB đã có 40 thành viên. Nhiều hộ không nằm trong CLB cũng nuôi gà thả đồi. Nhiều hộ nuôi gà thu lãi cao như gia đình chị Huỳnh Thị Trang (thôn Hố Sếu). Với quy mô từ 8.000 đến hơn 1 vạn con/năm, năm 2014 chị thu lãi hơn 200 triệu đồng. Anh Nguyễn Hữu Sinh (thôn Thanh Mai) nuôi từ 1 - 1,2 vạn con/năm, năm 2014 thu lãi 250 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Chúc còn triển khai các mô hình trồng thanh long ruột đỏ với 22 hộ canh tác hơn 3 ha; mô hình na dai mắt gỗ có 16 hộ trồng hơn 7 ha; mô hình chè Kim Tiên, Phúc Vân Tiên có 45 hộ trồng gần 40 ha; mô hình bí xanh có 60 hộ trồng từ 7 - 8 ha; mô hình mít Thái Lan có từ 40 - 50 hộ tham gia. Mô hình chăm sóc vải theo tiêu chuẩn VietGAP triển khai ở 10 hộ với tổng diện tích 10 ha. Mô hình cam Vinh, bưởi Diễn triển khai ở 9 hộ với diện tích hơn 3 ha. Qua thực tế, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, tiếp tục được xã mở rộng.
Bên cạnh đó, anh đã cùng với Ban Chấp hành Hội Nông dân xã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ giúp hội viên có thêm điều kiện để sản xuất. Hội đã tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Chí Linh cho nông dân vay vốn, tranh thủ các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Hằng năm, hội mở từ 7 - 8 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và dạy nghề cho hàng trăm lượt hội viên; tín chấp cho hội viên mua phân bón trả chậm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiếp nhận các dự án cây, con giống mới. Hằng năm, anh đã làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa về hàng chục nghìn con gà giống, hàng chục vạn cây giống để hội viên sản xuất. Trong phong trào giúp đỡ hội viên nghèo, mỗi cán bộ, mỗi hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi đã nhận giúp đỡ từ 1 - 2 hộ nghèo. Hằng năm, có từ 10 - 15 hộ nghèo nhận được sự giúp đỡ cây, con giống, vốn, kỹ thuật sản xuất và đã thoát nghèo.
Với sự nỗ lực của anh Chúc và cùng Ban Chấp hành Hội Nông dân xã, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Hoàng Hoa Thám đã thu được kết quả tốt. Số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, hộ giàu tăng, số hộ nghèo giảm đáng kể. Năm 2008, xã có 520 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, không có hộ giỏi cấp Trung ương thì năm 2014 đã có 676 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 7 hộ giỏi cấp Trung ương.
Là con thứ 7 trong gia đình có tới 9 anh chị em, cuộc sống của gia đình anh Chúc trước đây rất khó khăn, vất vả. Vì vậy, ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo luôn canh cánh trong suy nghĩ của anh. Đến tuổi trưởng thành, anh Chúc vừa tham gia công tác địa phương vừa làm nhiều công việc khác để có thu nhập, bảo đảm cuộc sống gia đình. Với sự nhạy bén, năng động, vừa làm, vừa tích lũy, anh Chúc từng bước xây dựng được cơ ngơi khá bề thế với 4 khu vườn đồi tổng diện tích hơn 10 ha, trong đó có 3 ha vải, 0,5 ha ổi, 0,5 ha cam, 4 ha dẻ cùng diện tích bạch đàn, trầm hương, nhãn chín muộn. “Lúc đầu, khi đưa các mô hình kinh tế về triển khai ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Không phải ai cũng tham gia ngay đâu. Bởi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, nuôi các cây, con giống mới không có, làm ra rồi không biết có tiêu thụ được không. Vì vậy, ban đầu với mỗi mô hình, tôi chỉ triển khai theo nhóm nhỏ và cũng xác định mình phải đi đầu thì mọi người mới tin và làm theo” - anh Chúc cho biết.
Vừa làm giàu chính đáng cho gia đình, anh Chúc vừa hướng dẫn mọi người cùng làm theo. Hiện nay, nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã đơm hoa kết trái. Hằng năm, từ các nguồn thu, sau khi trừ chi phí vợ chồng anh thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Nhiều hội viên nông dân trong xã thực hiện các mô hình sản xuất mà anh đưa về đã thu lãi cao, nhiều hộ thoát nghèo.
VIỆT CƯỜNG