Đau đáu chiếng chèo xứ Đông

05/06/2022 11:17

Hải Dương nổi tiếng với "chiếng chèo Đông" - 1 trong 4 chiếng chèo nổi tiếng xung quanh Kinh thành Thăng Long xưa. Nhưng hiện nay, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương vẫn luôn trăn trở tìm người kế cận, tiếp nối thành công mạch nguồn xưa.


Dù nghệ thuật chèo đang lép vế so với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhưng các diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương vẫn kiên trì bám trụ với nghề

Sau mỗi đêm diễn, rời ánh đèn sân khấu lộng lẫy, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương trở về cuộc sống đời thường với nỗi niềm đau đáu làm sao để tiếp nối thành công mạch nguồn của chiếng chèo xứ Đông nổi tiếng.

Vàng son thuở ấy...

Hơn 10 ngày đã trôi qua nhưng dư âm và cảm xúc của đêm diễn ở vùng quê An Thanh (Tứ Kỳ) vẫn còn đọng lại với nhiều nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương. Đã từ lâu lắm không khí rộn ràng của chiếng chèo chốn quê mới trở lại. Hoạt cảnh “Tát nước đêm trăng” hay trích đoạn “Vợ chồng thuyền chài” đã thực sự cuốn hút khán giả. Sân đình Thanh Kỳ chật ních người. Từ người già đến trẻ nhỏ háo hức nghe những làn điệu chèo cổ ngân vang.

Nghệ thuật chèo có tìm lại được sức sống mới trong thời buổi cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật đương đại? Câu hỏi ấy luôn đau đáu trong tâm trí của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hồng Tươi, một trong những nghệ sĩ tên tuổi của làng chèo xứ Đông. Lâu rồi chị mới thấy khán giả náo nức đi xem diễn chèo đông vui đến vậy. Không khí chiếng chèo những năm xưa cũ lại ùa về.

NSƯT Hồng Tươi kể: "Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, tuổi thơ tôi gắn liền với những đêm trăng thanh, gió mát chờ mẹ mở cho nghe mục “Sân khấu truyền thanh” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những câu dân ca, những làn điệu chèo thấm vào tâm hồn tôi từ lúc nào không hay. Tuổi đôi mươi, tôi bước vào sân khấu chèo với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu môn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Ngày chập chững vào nghề, dù chỉ được đóng vai phụ nhưng với tôi khi ấy những vở diễn với rất đông khán giả và những tiếng vỗ tay giòn giã cổ vũ là phần thưởng vô giá. Thế nhưng số phận của chèo ngày càng chông chênh"… Nén tiếng thở dài, NSƯT Hồng Tươi cho biết đó không chỉ là nỗi niềm của riêng chị mà còn là của rất nhiều nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương-những người còn bền bỉ gắn bó với nghề, đem theo khát vọng đưa sân khấu chèo trở về thời vàng son một thuở.

Từ bao đời nay chèo đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam. Đối với người Hải Dương, chèo càng quen thuộc bởi nơi đây là cái nôi của môn nghệ thuật truyền thống này. Hải Dương nổi tiếng với "chiếng chèo Đông" - 1 trong 4 chiếng chèo nổi tiếng xung quanh Kinh thành Thăng Long xưa. Chèo xứ Đông còn vang danh bởi những nghệ sĩ tên tuổi như: Phạm Thị Trân, Trùm Thịnh, Trùm Bông, cố Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thị Lan, Minh Lý... những người có công lớn trong xây dựng và phát triển nghệ thuật hát chèo Việt Nam. 

Với thế hệ những người muôn năm cũ, chèo gắn liền với hội làng, với mỗi dịp Tết đến, xuân về. “Món ngon tinh thần” này không phải lúc nào cũng có nên luôn được người dân chờ đón háo hức. Là một trong những người vẫn giữ thói quen nghe những làn điệu chèo trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) năm nay đã ngoài 80 tuổi bồi hồi kể: “Mỗi khi làng có hội, thế nào cũng có đoàn chèo về biểu diễn. Sân khấu khi ấy đơn giản chỉ có vài chiếc chiếu trải trước cửa đình. Ấy vậy mà cả sân ken kín người. Bọn trẻ con chúng tôi phải luồn lách qua bao lớp người lớn mới leo lên được hàng đầu. Đứa cầm đụn rơm đã tuốt, đứa cắt vội tàu lá chuối để ngồi, muỗi đốt sưng chân mà vẫn chăm chú xem".

Vàng son một thuở, nay chèo đang dần hụt hơi trước sự cạnh tranh của nhiều môn nghệ thuật khác. Chèo cũng đang mất dần vị thế bởi sự thờ ơ của khán giả trẻ. Chính điều này cũng khiến đội ngũ kế cận tiếp nối phát triển nghệ thuật chèo ngày càng khó kiếm. "Nhà hát Chèo Hải Dương hiện có hơn 50 cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ, diễn viên thì số diễn viên trẻ mới vào nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm đơn vị đều có phương án tìm nhân sự cho đoàn nhưng gần đây rất khó tuyển. Nguyên nhân do nghệ thuật chèo đã không còn được nhiều người yêu thích, nhất là giới trẻ. Nếu như trước đây Nhà hát Chèo Hải Dương còn được cấp phí để bồi dưỡng, đào tạo những học viên có năng khiếu thì gần đây nguồn này không còn. Để đào tạo được lớp nghệ sĩ trẻ tiếp nối phát triển nghệ thuật chèo của tỉnh rất khó khăn”, NSƯT Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương băn khoăn. 

Khán giả mai một, chương trình biểu diễn teo tóp đã kéo theo thu nhập và đời sống của nghệ sĩ chèo gặp khó. Đặc biệt trong một thời gian dài dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều loại hình văn hóa, thể thao, giải trí, trong đó có chèo phải “ngủ đông”. Không được biểu diễn, số tiền lương ít ỏi nhận được mỗi tháng khiến không ít nghệ sĩ phải bươn chải làm thêm nhiều nghề khác để kiếm sống. Khó khăn chồng chất, liệu họ có gắn bó lâu dài với nghệ thuật chèo?


Buổi biểu diễn của các diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Chèo thu hút đông đảo người dân An Thanh (Tứ Kỳ) đến xem

Giữ lửa nghề

Câu trả lời của NSƯT Bùi Quang Toàn khiến tôi bất ngờ: “Lăn lộn với nghề gần bốn chục năm qua, từng chứng kiến cả những nốt thăng và cả những cung trầm của nghệ thuật chèo tôi thấy những nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên của Nhà hát Chèo Hải Dương dù ở bất cứ giai đoạn nào họ cũng kiên trì giữ lửa nghề và đeo đuổi đam mê nghệ thuật đến cùng”. 

Sở dĩ Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương khẳng định như vậy bởi dù ngày nay chèo không còn thịnh hành, khán giả yêu chèo ngày càng ít đi, đời sống khó khăn nhưng ở đây chưa nghệ sĩ, diễn viên nào xin nghỉ việc. Họ chấp nhận sống tằn tiện, vất vả để thỏa sức đam mê trên sân khấu, ôm ấp ước mơ gieo lại niềm yêu thích chèo cho thế hệ trẻ. 

Hằng năm các cán bộ của Nhà hát Chèo Hải Dương vẫn lặn lội đến các trường đào tạo chuyên nghiệp để tìm người. Nghe ngóng ở đâu có hạt nhân giỏi thì đến tận nơi để chiêu mộ. "Dù việc "ươm” những tài năng trẻ cho nghệ thuật chèo không dễ nhưng càng khó thì càng phải quyết tâm, tất cả vì tương lai của chiếng chèo Đông”, ông Toàn khẳng định.

Theo ông Toàn, sân khấu chèo muốn trở lại sôi động như xưa, ngoài bồi dưỡng đội ngũ kế cận thì một nhiệm vụ quan trọng khác không kém là “đào tạo” khán giả. Thời gian tới, Nhà hát Chèo sẽ tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghệ thuật chèo vào giảng dạy tại các trường học. Khi người trẻ quen dần với món ăn tinh thần đặc biệt này thì chèo tự thấm sâu và thu hút khán giả trẻ. 

Để nghệ thuật chèo hồi sinh, không thể đi đường cũ. Đó là nhận định của đạo diễn, NSƯT, Trưởng Phòng Nghệ thuật của Nhà hát Chèo Việt Nam Đoàn Đình Vinh. Ông Vinh cho rằng không thể đem thời vàng son của chèo và những khó khăn của nghệ sĩ hiện nay để thuyết phục khán giả trở lại với chèo mà bản thân nghệ thuật này phải có những thay đổi và hướng tiếp cận mới. NSƯT Đoàn Đình Vinh khẳng định, Hải Dương hoàn toàn có thể đưa chèo hồi sinh, thậm chí trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành văn hóa, du lịch của tỉnh. Thời gian qua, Hải Dương phát triển nghệ thuật chèo khá chuẩn chỉ và nghiêm túc. Các nghệ sĩ rất tài năng và đam mê với môn nghệ thuật này. Trước mắt, chèo Hải Dương phải thay đổi cách tiếp cận để đến với khán giả trẻ, khơi gợi niềm yêu thích từ đối tượng này. Sau đó có thể xem chèo như một “điểm nhấn” để thu hút du lịch. Đạo diễn Đoàn Đình Vinh chia sẻ: “Những ai đã từng đi Nhật Bản sẽ không lạ câu chuyện khôi phục kịch Nok. Ở đất nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu của thế giới thì kịch Nok, một môn nghệ thuật truyền thống không khác gì chèo của Việt Nam cũng đã từng bị mai một nhưng nay lại được khai thác khá hiệu quả. Đến thăm vùng đất của kịch Nok, du khách được mặc kimono, được tìm hiểu, trải nghiệm hành trình phát triển của loại hình nghệ thuật này. Mới đây, trong khuôn khổ của SEA Games 31 tại Hải Dương, tôi thấy những điệu chèo được biểu diễn trên sông Sặt khá hấp dẫn và thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Hát chèo trên sông cũng chỉ Hải Dương mới có. Vì thế có thể xem đây là một trong những “đặc sản” để tỉnh khôi phục và phát triển nghệ thuật chèo".

Cũng theo ông Vinh, những tour du lịch đi thuyền trên sông Hương (Thanh Hà) hái vải hay lễ hội tầm cỡ quốc gia như Côn Sơn-Kiếp Bạc đều có thể đưa chèo vào giới thiệu phục vụ du khách. Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Tỉnh ủy Hải Dương ban hành cũng đặt ra nhiệm vụ khôi phục và phát triển nghệ thuật chèo, từ đó phát huy giá trị đặc sắc của văn hóa Hải Dương. 

Nhịp sống đã trở lại bình thường, tiếng trống chèo đã nổi, những nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương lại hăng say luyện tập dàn dựng vở “Duyên nợ cùng chèo” mới. Với họ, lửa nghề vẫn cháy và trong tim luôn sẵn có niềm tin rằng đời con cháu mình sẽ yêu chèo như yêu quê hương của mình vậy.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đau đáu chiếng chèo xứ Đông