Dù hầu như không còn vết tích song Thành Đông luôn được nhắc đến như một phần lịch sử của TP Hải Dương ngày nay, mà hào thành là một phần không thể tách rời.
Bèo hoa dâu phủ kín mặt hào thành làm nhiệm vụ như một "nhà máy lọc nước"
Các nguồn sử liệu ghi chép về hào thành của TP Hải Dương rất ít ỏi, song đều khẳng định, đây là hệ thống kênh bao bọc, bảo vệ Thành Đông từ cách đây hơn 2 thế kỷ.
Vết tích ít ỏi còn sót lại
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu về hào thành, chúng tôi tìm được rất ít các tư liệu liên quan. Cuốn "Từ điển đường phố Hải Dương" của Hội đồng Tư vấn đặt tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Hải Dương là một tài liệu khá dày dặn khi miêu tả lịch sử mỗi tuyến phố, mỗi con đường của TP Hải Dương, nhưng cũng chỉ nhắc đến hào thành vỏn vẹn hơn 100 chữ. Trong khi đó, chúng ta cũng không có những nhà "Hải Dương học" chuyên nghiên cứu, sưu tầm chuyên sâu về lịch sử thành phố.
Hào thành là hệ thống kênh bao bọc, bảo vệ Thành Đông. Một đoạn còn sót lại của hệ thống kênh ấy, qua hơn 2 thế kỷ, đã được lấy tên đặt luôn cho phố Hào Thành. Phố Hào Thành hiện nằm trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão, điểm đầu phố gặp phố Tuệ Tĩnh đoạn gần Bệnh viện Quân y 7, điểm cuối gặp phố Phạm Ngũ Lão tại vị trí Cống Trắng, trước kia vốn nhỏ hẹp, chỉ đủ cho xe thô sơ qua lại. Hào Thành được đặt tên tại Quyết định số 27/2009/QĐ-UBND ngày 21.9.2009 của UBND tỉnh Hải Dương. Phố dài 400 m, rộng 7,5 m.
Thành Đông ở đâu và tại sao hào thành nằm ở đây? Cuốn “Địa chí thành phố Hải Dương” viết: Trước năm 1804, lỵ sở Hải Dương được đặt tại Lạc Thiên (TP Chí Linh ngày nay) và có tên là Thành Vạn hay Doanh Vạn. Sau đó, từ Lạc Thiên, lỵ sở Hải Dương được dời về Mao Điền (xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng) ngày nay.
Đến năm 1804, vua Gia Long quyết định di chuyển lỵ sở trấn Hải Dương từ Mao Điền về phía đông (về phía Biển Đông) 15 km, trên ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Thái Bình, tại địa phận 3 xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao. Đây chính là năm khởi lập Thành Đông. Trấn thủ Hải Dương khi đó là ông Trần Công Hiến được giao nhiệm vụ tổ chức di chuyển lỵ sở và xây dựng Thành Hải Dương. Thành còn được gọi là Thành Đông, do chiếm giữ vị trí chiến lược án ngữ phía đông Kinh thành Thăng Long, chặn quân giặc từ phía biển tràn vào.
Trong quá khứ, Thành Đông thông với bên ngoài bằng hệ thống hào rộng 11 trượng (khoảng 44 m), sâu 6 thước (2,4 m) nối với sông Kẻ Sặt qua cống Ba Cửa (trên đường An Ninh hiện nay) và sông Hàn Giang (nay là sông Thái Bình). Hệ thống giao thông đường thủy này giúp quan quân trong Thành Đông tiếp tế, vận chuyển lương thực và vũ khí. Qua thời gian, đoạn hào thành ngày nay đã thu hẹp cả về độ sâu, chiều rộng.
Năm 1883, Thành Đông thất thủ, rơi vào tay thực dân Pháp, đến khoảng đầu thế kỷ XX thì gần như đã bị xóa sổ, nhưng được nhận định thành có 4 cửa đông - tây - nam - bắc. Cửa phía đông đoạn phía Bưu điện tỉnh Hải Dương bây giờ, cửa tây nằm trên đường Tuệ Tĩnh đoạn Bệnh viện Quân y 7, cửa nam gần cổng chính Công an tỉnh Hải Dương trên đại lộ Hồ Chí Minh, còn cửa bắc nằm trên đường Chi Lăng.
Thành Đông dù hầu như không còn vết tích, song với nhận định thành có 4 cửa, phố Hào Thành hiện nay có thể nằm ở đoạn cửa phía tây. Như vậy, phố Hào Thành nay có thể hình thành cùng thời điểm khởi lập Thành Đông, khi trấn thủ Trần Công Hiến di dời lỵ sở về đây xây dựng thành. Khi đó, nó có thể là một đoạn kênh bảo vệ ở phía tây Thành Đông.
Nhìn từ trên cao xuống, Hào Thành là phố có nhiều cây xanh giữa lòng TP Hải Dương
Nét riêng phố Hào Thành
Nằm dọc hai bên một đoạn hào của Thành Đông xưa, rồi thành tên phố, đã khiến Hào Thành trở thành tuyến phố độc đáo ở TP Hải Dương hiện nay.
Đây là tuyến phố duy nhất của TP Hải Dương chạy một vòng quanh hào nước. Nếu đi ô tô từ bên này sang bên kia, buộc phải đi thành một vòng tròn, vì tuyến phố này ô tô chỉ được phép đi một chiều đường. Hào Thành cũng là tuyến phố rợp mát bóng cây xanh bao quanh như sấu, nhãn, mít, bàng... Xen giữa các hộ dân hai bên phố có nhiều hàng quán kinh doanh ăn uống như phở, bún chả, ốc biển... ngon có tiếng.
Trước đây, mặt nước giữa phố Hào Thành ô nhiễm nặng, nhưng nay tình trạng đã được cải thiện đáng kể, nhất là khi bèo hoa dâu được mang thả xanh mặt hào thành và làm nhiệm vụ như một "nhà máy lọc nước", ngăn mùi xú uế. Xung quanh hào thành đã được kè đá chắc chắn, trở thành nơi bộ hành của nhân dân quanh đó.
Dù Thành Đông hầu như không còn vết tích, song với nhiều người, nó đã trở thành một phần lịch sử không thể thiếu của TP Hải Dương. Đó còn là công trình lịch sử gắn với mảnh đất này từ khi khởi lập, trong quá trình dựng xây, bảo vệ và kiến thiết, để có một TP Hải Dương hiện đại ngày nay. Mà trong đó, hào thành là một yếu tố không thể tách rời.
TIẾN HUY