Các ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đóng góp tại kỳ họp này đều rất quan trọng, được đánh giá có tính thực tiễn cao...
Các đại biểu Hải Dương góp phần tích cực vào thành công của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Đình Nam
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hải Dương gồm 9 đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII (diễn ra từ ngày 20-5 đến 21-6) với nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, tạo được dấu ấn trước QH và các đoàn.
Tích cực tham gia ý kiếnChưa có thống kê chính thức của Thư ký Đoàn ĐBQH tỉnh, song theo ghi nhận của phóng viên, tại kỳ họp này, các ĐBQH tỉnh đã có trên 10 lượt ý kiến phát biểu, chất vấn tại hội trường và gần 50 lượt ý kiến thảo luận tại tổ. Đây là con số rất cao của Đoàn ĐBQH tỉnh so với các kỳ họp trước đó. Một số đại biểu tại các kỳ họp trước ít phát biểu, thảo luận, thì ở kỳ họp này đã tham gia ý kiến hầu hết tại các buổi thảo luận tổ.
Được phân công là tổ trưởng trong 7 cuộc thảo luận tại tổ, đồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực, chủ động gợi mở cho ĐBQH các đoàn Hải Dương, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Lâm Đồng tập trung thảo luận các nội dung chính theo gợi ý của Đoàn thư ký. Trong đó, các ĐBQH tỉnh tích cực tham gia thảo luận tại nhiều cuộc. Có những buổi thảo luận tại tổ, đa số ý kiến là của các ĐBQH Hải Dương như: buổi thảo luận ở tổ ngày 23-5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; buổi thảo luận ngày 24-5 góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ý kiến của các ĐBQH tỉnh chiếm tới 70% tổng số lượt phát biểu của 4 đoàn. Diễn biến tại các buổi thảo luận tổ cho thấy, nhiều ý kiến của ĐBQH tỉnh đều gắn với thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề mà các đại biểu và nhân dân cả nước đang quan tâm, giúp vị thế của Đoàn ĐBQH được nâng lên rõ rệt. Trong các phiên thảo luận tại hội trường hoặc chất vấn thành viên Chính phủ, Đoàn ĐBQH tỉnh đều chuẩn bị ý kiến và đăng ký phát biểu, chất vấn. Các đại biểu Lê Đình Khanh, Phạm Xuân Thăng, Nguyễn Văn Rinh, Huỳnh Tuấn Dương, Vũ Thị Hương Sen, Nguyễn Thị Hương Thảo... đều đã lần lượt thảo luận tại hội trường hoặc chất vấn thành viên Chính phủ.
Công tác tuyên truyền về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong kỳ họp này cũng đã được quan tâm đúng mức. Sau khi phát biểu, chất vấn tại hội trường hoặc thảo luận tại tổ, tất cả văn bản đều được cung cấp cho báo chí. Nhiều đại biểu chủ động gửi email ý kiến của mình hoặc yêu cầu Thư ký đoàn fax văn bản cho các cơ quan thông tin đại chúng. Ý kiến của các đại biểu liên tục được đăng tải trên báo chí giúp người dân thêm tin tưởng vào các đại biểu đại diện cho cử tri tỉnh nhà. Trước kỳ họp, lịch thảo luận tổ có sự tham gia của phóng viên báo chí cũng đã được Thư ký đoàn hoàn thiện và gửi cho phóng viên. Phương tiện đi lại, ăn ở, vị trí tác nghiệp... các phóng viên cũng được tạo điều kiện tối đa.
Nhiều ý kiến sát thực Qua theo dõi, ý kiến thảo luận, chất vấn của các ĐBQH tỉnh đã đi thẳng vào các vấn đề người dân quan tâm, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân và của các Đoàn ĐBQH khác.
Ngày 12-6, thực hiện chương trình giám sát tối cao tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Văn Rinh của Đoàn ĐBQH tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về nông nghiệp, nông thôn. Đó là, tại sao xảy ra tình trạng 15 nghìn ha lúa BC15 ở các tỉnh miền Bắc bị lép hạt, ai chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho nông dân? Nông dân là những người làm ra sản phẩm, nhưng để có sản phẩm nông nghiệp tốt thì còn phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố như giống, phân bón, biện pháp cụ thể nào để tháo gỡ tình trạng này.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở tổ
Trong các buổi thảo luận tổ về các vấn đề quan trọng, nhiều ý kiến của các ĐBQH tỉnh đã được đánh giá cao. Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013, đại biểu Phạm Xuân Thăng đã đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung phân tích, làm rõ nguyên nhân của các hạn chế, nhất là tiến độ các công việc đã đề ra chậm so với yêu cầu. Đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, tiến độ công việc chậm thì nguyên nhân chủ quan là chính. Trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì rất cần sự vào cuộc với thái độ quyết liệt hơn của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương. Đồng thời, đã đề nghị Chính phủ cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể. Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngoài góp ý cụ thể, chi tiết vào từng chương, điều của dự thảo, đại biểu Lê Đình Khanh, Phó Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá, việc triển khai lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo đều triển khai tích cực, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Các cơ quan thông tin đại chúng sớm vào cuộc; số lượng tài liệu in ấn cũng lớn hơn trước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc in ấn trọn bộ tài liệu gửi đến tất cả các gia đình tiến hành chậm và có phần lãng phí, nên chăng chỉ tóm tắt những nội dung chính và gửi tới nhóm gia đình sẽ đỡ lãng phí hơn. Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương đã trực tiếp tham gia 10 điểm cần sửa, bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo chương trình, Kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII còn 1 ngày nữa sẽ bế mạc. Có thể nói, đây là một kỳ họp thành công của Đoàn ĐBQH tỉnh nhà. Hy vọng, các đóng góp trên sẽ được QH, Chính phủ tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý vào các văn bản báo cáo, các luật và dự án luật quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định, nâng cao đời sống nhân dân.
TIẾN HUY