Chùa Khánh Linh ở xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) mang đậm tính nghệ thuật.
Phật điện chùa Khánh Linh gồm nhiều pho tượng cổ với các kiểu dáng ngồi, đứng không hề trùng lặp
Nơi đây cũng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa vừa là nơi hội họp của dân làng, vừa là nơi liên lạc của bộ đội và du kích.
Khởi dựng từ thời Trần
Chùa Khánh Linh là nơi thờ Phật dòng Đại thừa. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Trong quá trình xây dựng và tu tạo có sự đóng góp tiền của và công sức của nhân dân ở nhiều nơi. Theo tấm bia khắc năm Chính Hòa thứ 25 (năm 1704) còn lưu giữ tại chùa, chùa Khánh Linh được xây dựng vào thời Thiệu Long nhà Trần năm 1258. Lúc đầu chùa còn nhỏ, mái lợp cỏ tranh. Các triều đại sau, nhân dân đều góp tiền tu sửa, lợp ngói, sắm tượng, đúc chuông. Trong đó, có lần tu sửa lớn còn được ghi lại vào năm 1704, nhân dân đã đóng góp gỗ lim, gạch ngói để sửa lại chùa, xây tháp chuông. Sau lần này, cảnh chùa trở nên khang trang, lộng lẫy như bài minh đã mô tả: "Chùa Khánh Linh uy nghi cao vời vợi/ Đất thiêng người tài/ Phúc Khánh lâu dài/Tiền đường dựng trước/ Gác cao hưng vinh/Âm thanh chấn động/ Lễ phật kính sùng...".
Năm 1722, nhà sư Nguyễn Hữu Gia, hiệu Huyền Thông đã đứng ra vận động, xây dựng cây thiên đài bằng đá xanh, tôn thêm cảnh đẹp của chùa. Chính điều này đã thu hút khách thập phương về chùa chiêm bái, công đức. Đến năm 1849, dưới triều Tự Đức, chùa được trùng tu lớn hơn với tòa bảo điện 10 gian, 2 chái. Công việc trùng tu, xây dựng kéo dài suốt 10 năm và huy động lực lượng, vật chất lớn trong dân. Qua tấm bia ghi lại việc trùng tu, tôn tạo này cho thấy tiền của dân đóng góp lên tới 1.838 quan, 27 cây cột đá, 8 cột và hoành gỗ. Trong đó, người đóng góp ít nhất là 1 quan tiền, người đóng nhiều lên đến 120 quan tiền và một cây cột đá.
Chùa Khánh Linh có một số bia ký và cây hương đá trang trí tinh xảo
Di tích mang tính nghệ thuật cao
Do thời gian tu sửa kéo dài dưới thời Nguyễn nên chùa đã mang đậm dấu ấn kiến trúc của thời đại này. Trải qua chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, đến nay chùa còn 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung.
Tòa tiền đường có kết cấu theo kiểu chồng rường đấu kê gồm 6 vì kèo, họa tiết hoa lá được chạm vào các đấu kê. Đỡ toàn bộ vì và mái là 12 cột cái bằng gỗ lim, đường kính 32 cm. Cột quân bằng đá gồm 2 loại tròn và vuông. Cột vuông bố trí phía trước cửa, cột tròn phía sau. Trên các cột đá đều ghi tên người cung tiến. Gian chính giữa được nối thông với 3 gian hậu cung bởi một vì kèo con chồng đấu kê. Tòa hậu cung có 6 cột cái bằng gỗ lim, đường kính 29 cm và 6 cột quân bằng đá. Bệ thờ đặt tượng ở ba gian hậu cung đều được xây cuốn bằng gạch.
Hệ thống tượng Phật, văn bia, cây hương đá của chùa mang đậm nghệ thuật điêu khắc thể hiện tính chân, thiện, mỹ của Phật giáo. Hệ thống tượng ở đây đều được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, có niên đại xác định vào thế kỷ XVIII. Tại tiền đường bố trí hai pho tượng khuyến thiện và trừng ác cao 2,25 m, tạc bằng gỗ mít, hình khối cân đối, đứng hơi ưỡn về phía trước, đầu đội mũ, mặt quắc thước, áo giáp có trang trí mặt hổ phù, long mã và hoa cúc dây, chân đi giày đứng trên bệ sóng nước. Cạnh tượng khuyến thiện là ban thờ đức ông, tượng tạc thế ngồi cao 1,14m, đầu đội mũ, tay cầm quạt. Tòa hậu cung, tượng Phật được bày theo 5 lớp, thứ tự từ trong là 3 pho tam thế và lớp ngoài cùng là Thích ca. Đặc biệt có pho tượng Quan âm Bồ Tát. Tượng cao 58 cm, ngồi trên tòa sen đặt trên một con quỷ. Mặt quỷ được tạc gần gũi như loại mặt nạ hài hước trong nghệ thuật dân gian. Đây là một pho tượng đẹp, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo. Dọc hai bên hậu cung có bày tượng thập điện, mỗi bên 5 pho, tượng tạc ở thế ngồi cao 83 cm. Những pho tượng cổ trong chùa có nhiều kiểu dáng, ngồi, đứng không trùng lặp. Tượng cân đối, uy nghi, phản ánh sự dày công, tỉ mỉ trong tạo tác.
Trong khuôn viên chùa có một số công trình kiến trúc bổ trợ khác, đó là nhà tổ 3 gian, trong đó có tượng của 2 vị sư đã tu ở chùa. Phía trước cửa chùa là một vườn phong lan với nhiều loài, đa dạng kích cỡ được sư trụ trì Thích Nữ Thông Nhân chăm sóc, vun trồng gần 10 năm qua. Khung cảnh ấy đã tạo nên sự tĩnh mịch cho ngôi chùa.
Trước kia chùa có rất nhiều bia ký nhưng đã thất lạc. Đến nay, chỉ còn lại bia "Tân tạo tiền đường thượng các" dựng năm 1704, cao 1,21 m, rộng 72 cm, dày 20 cm, trang trí phượng, sen và long mã; "Khánh Linh tự bi ký" dựng năm 1849 cao 1,16 m, rộng 70 cm và dày 21 cm; bia công đức cao 90 cm, rộng 38 cm gồm 300 chữ ghi tên những người công đức vào chùa; "Thập phương công đức bi ký" dựng năm 1849, cao 1,4 m, rộng 63 cm, dày 21 cm gồm 1.800 chữ. Một cây hương đá dựng năm 1722, cao 1,8 m. Họa tiết trang trí gồm sen, cúc, rồng tinh xảo; đặc biệt có chạm hình con cò mổ tôm rất sinh động...
Năm 1999, chùa Khánh Linh đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, một số hạng mục của chùa đã xuống cấp. Tường bên trong và bên ngoài đã tróc vữa. Một số mảng tường bị nứt. Mái ngói bị vỡ nên mỗi khi trời mưa là thấm dột. Một số dui mè đã bị mục. Theo ông Tấn Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Phượng Kỳ, xã đã báo cáo về một số hạng mục xuống cấp đề nghị các cấp, ngành sớm có phương án trùng tu, tôn tạo chùa Khánh Linh.
HUYỀN TRANG