Việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại St. Petersburg, Nga, có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa to lớn và sự kiện này là bước khởi đầu vững chắc trong quá trình triển khai dự án.
Từ trái sang phải: Chủ tịch Thượng viện Nga, ông Konstantin I Kosachev, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh, Phó Thống đốc Nikolay L. Bondarenko gỡ vải khánh thành phiến đá
Ngày 8.10, tại khuôn viên cạnh nhà số 15, Đại lộ Khai sáng, nơi giao nhau giữa phố Hồ Chí Minh và Đại lộ Khai sáng ở thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga, đã long trọng diễn ra lễ đặt phiến đá tại vị trí dự kiến dựng tượng Bác ở thủ đô phương Bắc của nước Nga.
Tham dự sự kiện này về phía Nga có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga - ông Konstantin I. Kosachev; Phó Thống đốc St. Petersburg - ông Nikolay L. Bondarenko; Giám đốc Sở Ngoại vụ St. Petersburg - ông Evgheny Grigoriev; lãnh đạo quận Vyborg là nơi sẽ đặt tượng Bác; các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng giúp Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; bạn bè Nga của Việt Nam và người dân St.Peterburg.
Tham dự sự kiện về phía Việt Nam có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh cùng phu nhân; trưởng các phòng, ban và cán bộ Đại sứ quán; Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại St. Petersburg; đông đảo đại diện cộng đồng, lưu học sinh, học viên quân sự Việt Nam tại St. Petersburg.
Sau lễ chào cờ Nga và Việt Nam trang nghiêm, phát biểu tại buổi lễ, Phó Thống đốc Nikolay Bondarenko đã bày tỏ vui mừng trước sự kiện này, diễn ra 42 năm sau khi con phố giao cắt Đại lộ "Khai sáng" được đặt tên là phố Hồ Chí Minh để kỷ niệm việc ký thỏa thuận giữa TP Hồ Chí Minh và TP Leningrad (nay là St. Petersburg).
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết cách đây gần 100 năm, người con ưu tú của nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đến Petrograd (nay là St. Petersburg) để tìm con đường giải phóng đất nước.
Chính những kinh nghiệm và kiến thức Người tích lũy trong thời gian làm việc ở Liên Xô, cụ thể là ở Petrograd, đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh phát biểu tại buổi lễ
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cũng bày tỏ việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại St. Petersburg có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa to lớn và sự kiện này là bước khởi đầu vững chắc trong quá trình triển khai dự án, sẽ trở thành biểu tượng mới cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung và St.Petersburg nói riêng.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh chính là người tích cực thúc đẩy ý tưởng xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại St. Petersburg.
Ý tưởng này cũng được Thống đốc St. Petersburg, ông Aleksandr D. Beglov cùng các sở, ban, ngành thành phố đón nhận và ủng hộ rất tích cực.
Qua nhiều cuộc khảo sát thực địa, hai bên đã tìm được địa điểm thích hợp về mọi mặt tại St. Petersburg để xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đang tích cực phối hợp với chính quyền thành phố và các cơ quan hữu quan hai nước để thiết kế tổng thể và chi tiết mẫu tượng thể hiện sinh động hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉnh trang khu đất dựng tượng thành vườn hoa phù hợp với kiến trúc, cảnh quan của thành phố cổ kính, xinh đẹp St. Petersburg.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh và Phó Thống đốc Nikolay L. Bondarenko trồng cây lưu niệm
Việc đặt phiến đá tại nơi sẽ dựng tượng Hồ Chí Minh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Liên bang Nga.
Tại Liên bang Nga hiện có 4 tượng đài Bác. Tượng đài Hồ Chí Minh đầu tiên được dựng ở thủ đô Moskva năm 1990, các tượng đài Bác tiếp theo được dựng lên ở Ulyanovsk vào năm 2017 và Vladivostok vào năm 2019.
Bức tượng Hồ Chí Minh thứ tư được đặt trong khuôn viên Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp St. Petersburg.
Theo Vietnam+