Lâu lắm Thạo mới có một giấc ngủ ngon đến thế. Anh mơ thấy cánh đồng sống dậy, trên mảnh đất khô cằn bung nở những bông hoa…
Thạo trở về sau ba năm đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Ngoài chút vốn liếng tích cóp được không đáng là bao thì Thạo còn mang từ Nhật về một cơ thể rắn rỏi khác hẳn với vẻ trắng trẻo, thư sinh ba năm trước. Sau bữa cơm tối, bà con hàng xóm qua chơi đông lắm. Họ hỏi Thạo ở tỉnh nào của Nhật? Sang đó làm công việc gì? Có nặng nhọc lắm không? Lương được bao nhiêu? Về đợt này có xin gia hạn visa để quay lại Nhật thêm lần nữa?
Cả làng Thạo nhà nào cũng có con đi xuất khẩu lao động. Nhiều vốn thì đi Nhật, Hàn Quốc, còn ít tiền thì đi Đài Loan, Malaysia. Có nhà cả con gái, con trai, con dâu, con rể cả thảy tám người chấp nhận xa quê đi kiếm sống ở xứ người. Ở làng chỉ còn lại người già và trẻ con, quanh quẩn trong những ngôi nhà và khoảng sân được xây kín tường rào. Ruộng đồng nhiều năm nay bỏ hoang, cỏ mọc xanh rì. Chẳng mấy ai còn tha thiết với cây lúa, cây ngô. Trâu bò ít dần đi, máy cày, máy gặt ở làng bỏ hoen gỉ. Cũng phải thôi vì người trẻ đi hết, người già ở nhà còn trông đàn cháu nheo nhóc thì hơi sức đâu mà lo mùa màng. Những người trẻ không đi xuất khẩu lao động thì xin vào các khu công nghiệp làm công ăn lương. Chịu khó làm tăng ca thì tháng cũng được năm, bảy triệu đút túi chẳng phải “trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Làm ruộng bây giờ trừ chi phí phân gio, thuốc thang, giống má thì chẳng được là bao. Có những vụ mùa đã lấy công làm lãi mà tính ra vẫn còn lỗ vốn. Thành ra cả làng mấy năm nay đi ăn gạo đong. Chẳng biết từ bao giờ cách thoát nghèo của người dân quê Thạo không còn là bám lấy đất đai đồng ruộng mà tìm đường đi xuất khẩu lao động. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, người lớn không còn cảnh chân lấm tay bùn, trẻ con cũng đủ đầy xúng xính đến trường. Nhẽ ra phải vui mà sao lòng Thạo cứ xót xa, đau đáu…
Buổi sáng đầu tiên sau khi trở về làng, Thạo ra thăm đồng ruộng. Cánh đồng mênh mông trước nhà từng là cả quãng đời thơ ấu của Thạo. Nhớ những mùa màng tốt tươi, lúa vàng trĩu bông, ngô lạc đầy đồng, từng bầy chim sẻ kéo về tíu tít. Mờ sáng nhà nhà ra đồng, í ới gọi nhau, khắp đường làng rộn vang tiếng cười đùa rôm rả. Có năm nắng nóng cả làng còn rủ nhau mang đèn đi nhổ mạ, cấy đêm để kịp thời vụ. Vào những hôm trăng sáng, các bà các mẹ vừa cấy vừa hát. Cánh đàn ông thì kể truyện tiếu lâm. Trai gái vừa thoăn thoắt làm vừa đẩy đưa nhau bằng vài câu tán tỉnh. Vậy mà bây giờ cánh đồng khô hạn, nứt nẻ thành từng mảng. Cỏ mọc tràn từ ruộng này sang ruộng khác không còn thấy đâu là bờ. Thạo thở dài, đất thế này có khác gì đất chết. Phải mất ba năm cực khổ làm việc trên cánh đồng nước Nhật, Thạo mới thấy để đất chết là lãng phí tài nguyên đến mức nào. Ai cũng ngạc nhiên khi Thạo nói sẽ ở nhà làm nông nghiệp chứ nhất định không quay lại Nhật cũng không đi xuất khẩu lao động bất cứ nước nào nữa. Họ không biết rằng suốt ba năm qua Thạo đã luôn tự giày vò bản thân bởi ý nghĩ đất quê thì bỏ hoang cuối cùng lại đi làm thuê trên đồng ruộng xứ người. Cũng là đất đai đấy thôi, cũng chân lấm tay bùn, cũng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Thậm chí khí hậu nước Nhật vào mùa đông, mưa tuyết dày đặc còn khắc nghiệt hơn Việt Nam rất nhiều. Cả ngày dầm mình trong tuyết lạnh đến tê cóng chân tay Thạo càng thêm đau đáu hai chữ “quê nhà”.
Những ngày tháng làm việc xứ người rèn cho Thạo sức lao động bền bỉ, dẻo dai cùng ý chí quyết tâm sẽ làm giàu từ đồng đất quê nhà. Thạo không còn là chàng trai ngại khó, ngại khổ sợ làm nông như trước. Anh nhất định sẽ làm đất sống dậy. Câu hỏi trồng cây gì để phù hợp với chất đất và mang lại hiệu quả kinh tế cao đã nung nấu trong đầu anh từ khi còn ở Nhật. Bao đời nay bà con quê Thạo chỉ biết đến cấy lúa và trồng hoa màu. Năm được, năm mất, sâu bệnh lại nhiều. Lúa có trĩu vàng ngoài đồng, lạc có sai củ, ngô có to bắp thì cũng chỉ gọi là đủ ăn chứ không thể làm giàu được. Trong khi đó phần lớn làng Thạo là đất bãi ven sông. Tuy bỏ hoang nhiều năm nhưng cũng dễ cải tạo vì chất đất phù sa vốn giàu dinh dưỡng. Sau bao ngày vắt tay lên trán rồi xuôi ngược tìm hiểu thị trường, cuối cùng Thạo quyết định sẽ chuyển đổi sang trồng chuối xuất khẩu. Loại cây trồng này trong tỉnh đã có người đầu tư quy mô lớn và mang lại lợi nhuận cao. Nhưng khi nghe dự định trồng chuối của Thạo ai cũng bật cười. Trồng chuối thì bán cho ai? Chuối ở xứ này cho nhau chẳng hết. Có chăng chỉ bán ngày rằm, mùng một để thắp hương chứ ngày thường ê hề ngoài chợ, ai mua? Thạo cũng từng có tâm lý tiểu nông như thế. Lúc nào cũng chỉ biết an phận thủ thường mà không dám trải nghiệm, không dám tham vọng vươn xa. Nông sản làm ra ngoài tự cung tự cấp cho nhu cầu đời sống thì người dân chỉ nghĩ đến chợ quê đã là xa nhất. Sống ở Nhật, mỗi lần đi siêu thị nhìn quả xoài, quả vải Việt Nam khi xuất sang có giá gần hai triệu một cân mới thấy ngỡ ngàng. Trong khi ở làng Thạo những loại quả này giá vài chục nghìn một cân là đắt, có lúc còn không bán được để rụng đầy vườn. Thực tế cho thấy nông dân nhiều nơi ở nước ta làm giàu từ xuất khẩu nông sản có chất lượng tốt. Họ làm được chẳng có cớ gì người dân quê Thạo không làm được. Thay vì mất vài trăm triệu kiếm một đơn hàng xuất khẩu lao động, sang làm thuê cho nông dân nước họ thì số tiền đó Thạo tích thành vốn nuôi mơ ước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hôm giao cho Thạo sổ đỏ nhà để đi vay vốn ngân hàng, người mẹ già không giấu nổi nỗi hoang mang trong đôi mắt hằn dấu chân chim. Cả đời bà quanh quẩn với ruộng đồng, có lúc cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Có những năm sâu bệnh, hạn hán mất mùa bà chỉ ước ao giá có việc gì đó cho những người đã cao tuổi như bà, tháng kiếm vài triệu đồng để khỏi bám vào đồng ruộng. Mấy năm trước có đứa cháu dưới thành phố nói đang cần tìm người giúp việc, bà đã định khăn gói xuống làm. Nhưng còn cửa nhà, chuyện ma chay, cưới hỏi trong dòng họ chẳng biết bỏ cho ai nên đành chịu. Nói phải tội chứ nhiều năm nay nông dân chẳng ai còn thiết tha cấy hái. Dù có đôi khi nhìn cánh đồng bị bỏ hoang trước nhà bà cũng nhớ những mùa vụ cũ.
- Hay là con cứ cưới vợ, sinh con rồi đi làm ăn xa lấy vài năm. Lúc còn khỏe mẹ ở nhà trông cháu cho. Hai vợ chồng đi mấy năm cũng kha khá vốn. Sau này về mở lấy cửa hàng tạp hóa cũng ổn. Chứ ở nhà chân lấm tay bùn biết có làm giàu được không hay lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
- Con nghĩ mãi rồi mẹ ạ. Mình cứ nai lưng đi làm thuê đến bao giờ mới khá được. Mẹ nhìn cả làng mình xem, nhà nào con cái cũng đi xa biền biệt. Bỏ lại cha già mẹ héo, con thơ dại ở nhà. Nhiều nhà bố mẹ khuất núi, con cái ở xa cũng chẳng kịp về chịu tang. Con thơ ở nhà thiếu vắng tình yêu thương và sự dạy bảo của cha mẹ, chẳng tiền nào bù lại mẹ ơi. Hơn nữa con cũng đã tính toán kỹ rồi. Nông dân nhiều nơi trên đất nước mình họ làm giàu và giỏi lắm. Mình nhất định phải lấy họ làm gương mà phấn đấu.
- Thôi thì tùy con vậy. Tính sao cho kỹ…
Thạo khăn gói về tận Hưng Yên tìm hiểu mô hình trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP với giống chuối tiêu hồng. Đây là giống chuối không những đẹp mắt khi cho quả to, vỏ vàng mà còn vị ngọt thơm mà ít loại khác có được. Nhờ sự giúp đỡ của những người đi trước, Thạo học được các kỹ thuật trồng chuối, từ khâu cây giống, bón phân, tiêu thụ. Thạo cũng nắm các bí quyết phòng trừ sâu bệnh, quy trình sản xuất chuối sạch, hệ thống tưới nước và phân bón cho từng gốc chuối. Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Thạo càng thêm quyết tâm theo đuổi trồng chuối đến cùng. Bắt đầu từ việc cải tạo đất bằng hỗn hợp xác bã sinh vật, động, thực vật để đất xốp hơn, giúp cho không khí và nước có thể thấm vào đất. Chất hữu cơ này có thể hấp thu và lưu trữ dưỡng chất của đất. Nguồn nước được lấy từ sông Hồng. Ngoài ra, Thạo còn cho đào thêm nhiều giếng khác trên diện tích gần 20 ha đất đấu thầu của xã. Làm đến đâu học hỏi thêm đến đó. Khổ nỗi vốn ít, có bao nhiêu dồn cả vào cây chuối mà vẫn không thấm tháp nên Thạo phải xoay xở khắp nơi. Cái khó ló cái khôn, Thạo lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng thêm rau sạch cung cấp cho người dân các vùng lân cận. Sau này Thạo còn ký được hợp đồng cung cấp rau cho bếp ăn các trường học, các công ty trong khu công nghiệp. Nhờ vậy mà Thạo có vốn đầu tư trở lại cho cây chuối. Tiền phân bón, tiền thuê nhân công hằng tháng không ít. Thấp thỏm, lo âu từ lúc trồng cây cho đến khi chuối đã ra buồng. Chẳng đêm nào Thạo ngủ ngon giấc, một cơn gió mạnh thổi qua sông cũng khiến anh thao thức. Trận lốc xoáy hồi tháng tư năm ngoái đã quật đổ gần 70 ha chuối của người dân trong tỉnh chỉ trong vài chục phút đã ám ảnh Thạo. Trồng cây sắp đến ngày hái quả, nhỡ có chuyện gì Thạo không biết mình gượng dậy được không. Thạo lại nhớ đến những năm nhà còn cấy lúa. Thấy đàn chuồn chuồn kéo nhau bay loạn xạ ngoài sân là mẹ lại cầu khấn ông trời đừng mưa giông gió giật vì mấy sào lúa đang trổ đòng ngoài đồng. Đủ thứ tiền trông cả vào vụ lúa, nỗi lo âu trũng sâu mắt mẹ. Bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi mấy anh em Thạo ăn học nên người. Các em Thạo đều đã lấy chồng xa, hoàn cảnh cũng khó khăn nên ít về thăm nhà. Giờ Thạo chỉ muốn làm ăn kinh tế để giúp đỡ các em và phụ dưỡng mẹ lúc tuổi xế chiều.
Gần đến ngày thu hoạch Thạo làm lều ngủ trông ngoài bãi. Đêm nằm nghe tiếng lá chuối lao xao lòng Thạo vui biết mấy. Nó giống như tiếng hát của cây lá tươi xanh dội vào lòng Thạo mường tượng về một tương lai tốt đẹp. Tiếng đài FM lẹt xẹt trong tiếng gió. Thạo lại dò sóng tìm nghe chương trình “Đồng hành cùng nhà nông”. Văng vẳng tiếng phát thanh viên đang đọc bức thư Bác Hồ gửi điền chủ nông gia Việt Nam năm 1946: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thạo nghe thấy thấm thía quá. Anh tin rằng đến một ngày nào đó không xa người dân quê Thạo sẽ quay lại gắn bó với đất đai đồng ruộng khi tìm được cho mình một hướng đi đúng đắn. Khi những xe chuối đầu tiên được chở đi, những đồng tiền đầu tiên được thu về người ta mới bắt đầu tin đất nơi này đã thật sự hồi sinh.
Mùa chuối đầu tiên đã giúp Thạo thu về tiền tỷ, tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động trong làng. Mẹ Thạo cầm những đồng tiền mồ hôi nước mắt của con trên tay, lòng rưng rưng xúc động. Vậy là đất đã nở hoa, bao công sức và tâm huyết của Thạo đã được đền đáp xứng đáng. Trong niềm vui sau một mùa thu hoạch, Thạo lại bắt tay vào việc mở rộng diện tích trồng chuối. Vài chuyến đi đang chờ Thạo phía trước. Thạo phải khăn gói lên đường để đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng chuối. Có như thế mới mong giảm chi phí phát sinh, hạ giá sản phẩm, tìm được thêm đầu ra tốt cho quả chuối. Lâu lắm Thạo mới có một giấc ngủ ngon đến thế. Anh mơ thấy cánh đồng sống dậy, trên mảnh đất khô cằn bung nở những bông hoa…
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG