Đất mùa xuân

22/01/2012 10:35



Tôi gặp em ở cửa ngõ chiến trường Quảng Trị. Bãi khách nằm sâu bờ bên này sông Hiền Lương, nơi tập kết của các đơn vị dã chiến và các đoàn mũi nhọn... Người ta nói với tôi hai túp lều bạt cuối cùng tựa vào một quả đồi đỏ au là của đoàn công tác bên địa chất. Đoàn có một xe bịt kín chở những bọc hoá chất thí nghiệm, tựa như bộc phá, góp với chiến trường cách xẻ núi để đặt pháo. Người ta còn biết rõ: Trong chiếc bạt phía trong có một cô gái trẻ, đầu đội mũ tai  bèo, da trắng hồng, sinh viên địa chất ngành gì đó không rõ, tình nguyện vào chiến trường làm đề tài. Cả đoàn chỉ mình cô là nữ, nên thu hút sự chú ý của nhiều người.

Sau đợt pháo dữ dội ban chiều, hai chiếc bạt bay đi. May cả đoàn đang khảo sát dưới địa đạo nằm sâu dưới đồi đất đỏ. Tôi gặp em ở quãng địa đạo sâu nhất, lúc em đang lúi húi bên bếp lửa đầy khói, chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả tổ. Nhìn kỹ cô gái chừng 20 tuổi, tóc tết hai đuôi sam ngắn, gương mặt trắng trẻo đầy đặn, đôi mắt mở to. Dáng người, nhất là bờ vai nở nang, căng tròn trong tấm áo phin trắng nhuộm màu xanh lá cây cho hợp với chiến trường. Lửa trong hang đất đó bắt vào làn da trắng nõn. Tất thả đều phồng lên như màu đất. Em biết tôi nhìn đắm đuôi. Tiếng gọi giật từ đỉnh đồi vọng xuống: "Mai ơi, tắt lửa ngay nhé. Pháo đấy". Nhờ đó tôi biết tên em là Mai.

Mai là cô gái Bắc Bộ, đâu như vùng quê vải thiều Hải Dương. Vóc dáng  khỏe mạnh như con sông đầy ắp phù sa, dáng đầy đặn như cây vải thiều mùa cho quả. Từ bé, cô mê tượng đất nung, nhất là cái màu ngăm nâu của nó. Nhưng vào  địa chất lại học khảo sát. Thôi gác lại đã. Được dịp phục vụ chiến trường, cô xung phong luôn.

Ngày đầu ở ngoài lán, các em thanh niên xung phong cỡ 16 - 17 tuổi cứ nhìn Mai sững sờ: "Chị Mai ơi, các chị ở ngoài Bắc có nước da đẹp thế!". Mai đỏ mặt: "Thì các em ở đây cũng đẹp quá thôi".
Cả tuần địch dội bom kinh khủng, chúng tôi phải ở lì trong địa đạo, ăn toàn lương khô và rau tàu bay. Buổi đầu, Mai trao cho tôi thỏi lương khô bọc trong chiếc khăn tay. Tôi ngại ngần. Mai bảo: "Cứ coi như mẩu đất nung địa chất em tặng anh trong một chuyến khảo sát". Sự ví von khiến tôi mê. Màu lương khô và màu đất. Tôi mở ra và chiếc khăn tay không trắng muốt, nó như được nhuộm nâu. "Em giữ nó từ chuyến đi thực tập đầu tiên đấy. Thấy đất quý quặng gốc là cứ gói vào. Đất càng sánh thì nó càng bắt màu!" Tôi cười nắm chặt lấy bàn tay nõn nà. Đến hôm tôi bị thương vì một mảnh bom bên bờ giếng nước cửa địa đạo, chính Mai dùng chiếc khăn đó băng vết thương cho tôi. Từ đó cả hai đều biết là không thể xa nhau được nữa.

Nhưng rồi chiến tranh buộc con người phải xa nhau. Chỉ biết hôm chia tay để tôi tiếp tục theo đơn vị chủ lực vào sâu nữa, Mai khóc và nói: "Dù chết vẫn nhớ nhau anh nhé!".
Đất nước hoà bình, Mai lấy chồng rồi sinh con. Chồng cô là tiến sĩ địa chất. Cậu con trai cũng theo nghề bố. Mai thành đạt. Đề tài của cô vào thời kinh tế thị trường đắt như tôm tươi. Đấy là việc phá đá, lấy nguyên liệu dựng nhà, làm đường. Điện thoại tới tấp từ khắp các khu khai thác đá gọi về cho cô.
Tôi gặp Mai trong một buổi hội thảo địa chất. Mai vẫn như xưa, chỉ có hai túm tóc đã buông ra tém gọn gàng. Nước da thắm hồng hào gợi màu đất đỏ.  Tôi đùa: "Nhận ra em ở màu đất chiến trường xưa".

Mai lảng đi:

- Mai em đi thực địa ở Mỹ Tân. Anh đi cùng không?

Từ đó, trên một chiếc xe con, Mai và tôi cùng đi đây đó. Cứ đi cho thoả những ngày tháng nấp trong hang đá, địa đạo chiến trường.

Anh chàng tiến sĩ cảm thấy một điều gì đó, khuyên:

- Anh biết cuộc đời có nhiều điều không quên được. Chỉ riêng "người đó" thì xin em ráng quên đi.

Có lần anh ta cáu lắm, tay bóp nát cả mẩu đất mà Mai mang về. Mai nói thầm trong lòng: "Đã bảo dù chết vẫn nhớ đến nhau".

Cuộc đời có những người đàn bà càng yêu chồng thì càng yêu "người xưa", đến mức không chịu nổi.
Bẵng đi một thời gian, Mai gọi điện:

- Mai em đi vùng đất cổ gần đảo Ngọc Nữ, anh có sức đi với em không?

Đương nhiên là tôi đi. Vẫn chiếc xe con đi về vùng đất cổ trùng điệp. Nơi ấy báo tin: Dân làng đào thấy vỉa đất lạ, lấp lánh màu hồng ngọc. Nhất là vào ban đêm. Đặc biệt đào được cái mâm đất nung, màu gan gà qua nhiều niên đại. Vì ở độ sâu quá chiếc mâm bị vỡ, trên mảng vỡ tìm được có­ hình hai người đàn ông đàn bà lồng ghép vào nhau. Ngay mảnh vỡ vẫn còn nhận được hai vồng ngực của họ.

Mảnh đất nung có đến 2.000 năm tuổi.

PHAN CUNG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất mùa xuân