Dọc hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải hàng nghìn hộ dân được chính quyền thôn, xã giao đất, bán đất lưu không sử dụng lâu dài để sản xuất nông nghiệp trái thẩm quyền dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng.
Hệ thống sông Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi đầu mối chảy qua địa bàn các tỉnh, TP Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh. Nhưng những vi phạm xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm, lều quán, san lấp ao khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề.
Đặc biệt tình trạng đất lưu không bờ sông Bắc Hưng Hải chính quyền thôn, xã bán trái thẩm quyền dưới hình thức thầu khoán cho cả nghìn hộ dân khiến người dân bức xúc.
Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện trên địa bàn Hải Dương đang tồn tại hơn 1.100 vi phạm công trình. Hành vi xâm chiếm bờ kênh Bắc Hưng Hải ngày càng nghiêm trọng về quy mô và mức độ. Các tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm, tự ý sử dụng đất công trình thủy lợi phục vụ mục đích riêng.
Theo quy định, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải là đơn vị quản lý, vận hành công trình, còn việc xử lý vi phạm lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế rất ít vi phạm được xử lý triệt để, thậm chí có vi phạm kéo dài.
Theo ông Lê Tiến Hùng, 76 tuổi ở thôn Thượng Tân, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang (Hưng Yên) việc bán đất thầu khoán, đất lưu không bờ sông Bắc Hưng Hải diễn ra tại khu vực Cầu Miễu (xóm Thượng, thôn Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang) từ năm 2000 dân không biết, chi bộ không biết, tháng 8.2012 đã hủy hợp đồng những cho đến giờ vẫn để cho san lấp, chia lô ra bán.
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Đình Quyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc xác nhận, trên địa bàn khu Cầu Miễu có việc lãnh đạo thôn bán đất thầu khoán lâu dài cho người dân có biên bản mua bán. Tuy nhiên, toàn bộ đất hai bên bờ sông trước đây đều do thôn bán, xã bán từ những năm 1993-1994, thời điểm này đất lưu không hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải do xã quản lý.
Theo biên bản thầu khoán của thôn Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Khúc, đầu năm 2000, trưởng thôn Vĩnh Bảo khi đó đã thực hiện thầu khoán thùng thả bèo thả cá tại khu vực Cầu Miễu cho ông Đỗ Văn Thức để bù kinh phí tu tạo, xây dựng trường mầm non, thời gian sử dụng lâu dài.
Diện tích đất này năm 2001, ông Thức chuyển nhượng lại cho em trai là Đỗ Tiến Lực.
Theo Chủ tịch xã Vĩnh Khúc, hiện nay UBND xã cũng đã nhận được đơn thư của người dân và đang giải quyết vụ việc. “Việc thôn trước đây bán đất lâu dài như trên là trái thẩm quyền. Cấp xã, cấp thôn không có quyền được bán đất mà chỉ được phép cho khoán thầu có thời hạn. (theo nhiệm kỳ của trưởng thôn là 2,5 năm và chủ tịch xã theo nhiệm kỳ là 5 năm), lãnh đạo UBND xã Vĩnh Khúc khẳng định.
Về hướng xử lý, ông Quyên cho hay xã đang trong quá trình giải quyết, xác minh từng người cán bộ thôn thời điểm đó, rà soát biên bản trước đây xem nguồn gốc đất của thôn, khi thầu khoán có bàn bạc, thống nhất không “Trên thực tế hiện nay, xã chưa nắm được nguồn gốc đất. Đây việc khá phức tạp vì sổ nghị quyết đảng của thôn từ những năm 1999-2000 cũng không lưu giữ được, sau đó sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của xã, huyện”, ông Quyền nói.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc cho biết thêm trước đây, UBND xã đã cưỡng chế vi phạm xây dựng đổ móng nhà kiên cố tại vị trí đất này đối với ông Đỗ Văn Thức. Do việc người dân không lấn chiếm mà là do giao đất trái thẩm quyền nên xã vẫn tạo điều kiện để gia đình sản xuất nông nghiệp.
“Thưc tế người dân bỏ tiền ra thầu, trước đây thả cá nhưng giờ nước sông ô nhiễm không thả cá được nên người dân san lấp ao chuyển sang chăn gà, vịt, nuôi lợn ở đó. Người dân cũng không phải là lấn chiếm mà do thôn giao đất trái thẩm quyền nên xã yêu cầu khắc phục hậu quả”, vị lãnh đạo xã nói.
“Dọc hai bờ sông Bắc Hưng Hải địa bàn xã Vĩnh Khúc có trên 300 hộ được giao đất trái thầm quyền. Số hộ trên bằng một thôn của Vĩnh Khúc. Vì vậy để thu hồi cần có khu quy hoạch di dời người dân, xây dựng chế độ chính sách, khắc phục cho người dân”, lãnh đạo xã Vĩnh Khúc kiến nghị.
Theo VOV