Đạo làm trò

23/11/2011 17:29

Thực tế đã cho thấy có không ít người ở tuổi học trò đã có những sáng kiến, phát minh sau những năm tháng miệt mài, say sưa với việc học tập.

Tôn trọng thầy, kính trọng thầy là một nội dung quan trọng trong truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Tồn tại song song với sự “tôn sư” là mọi học trò phải biết “trọng đạo”. Nội dung trọng đạo ở đây cần được hiểu một cách đầy đủ, đó là đạo lý làm người chứ không phải chỉ là những kiến thức thuần túy về mặt khoa học do người thầy truyền lại cho học trò. Bởi vì, bản chất của hoạt động dạy học là nhằm hình thành cho học trò nhân cách của con người toàn diện, bao gồm cả đức lẫn tài. Để đạt mục đích đó, người thầy đã lấy chữ nghĩa, kiến thức làm phương tiện để dạy học trò nên người. Ở đây, chức năng học chữ, học nghề, học làm người được hòa quyện với nhau, trong đó mục tiêu học làm người được coi là yếu tố cốt lõi.   

Dù học ở bất kỳ đâu: trong gia đình, nhà trường hay ngoài xã hội, học trò cũng cần tuân theo nguyên tắc: “tiên học lễ, hậu học văn”. Tức là, phải lấy cái đức làm gốc, phải học các lễ nghi, phép tắc ứng xử kính trên, nhường dưới, “thương người như thể thương thân”, sống vì mọi người... coi đó là việc xây nền đắp móng để rồi từng bước dựng lên trên đó lâu đài kiến thức đồ sộ với những hệ thống khái niệm khoa học lĩnh hội được qua từng cấp học. Học tập là nhiệm vụ chủ yếu của tuổi học trò, nhưng muốn học để đạt được hiệu quả cao thì phải lấy hành làm mục đích tối thượng, phải luôn luôn có ý thức đem những hiểu biết đã lĩnh hội được vận dụng vào việc giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, có như thế mới nảy sinh sự sáng tạo. Thực tế đã cho thấy có không ít người ở tuổi học trò đã có những sáng kiến, phát minh sau những năm tháng miệt mài, say sưa với việc học tập.

Bên cạnh việc lĩnh hội những khái niệm khoa học trong chương trình quy định bắt buộc, các em học trò còn cần quan tâm đến việc rèn luyện các kỹ năng sống trong phần mềm, nhất là kỹ năng ứng xử, giao tiếp. “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”, câu ca dao ấy như một lời nhắc nhở, khuyên dặn các học trò cần biết ứng xử một cách khéo léo, tế nhị trong quá trình giao tiếp với thầy, cô, ông bà, cha mẹ, bạn bè... cần phải rèn luyện các cử chỉ, hành vi phi ngôn ngữ sao cho phù hợp với nếp sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, quê hương và đất nước.

TS. PHẠM TRUNG THANH(Đại học Thành Đông)

(0) Bình luận
Đạo làm trò