“Điện ảnh Việt cần sự chung sức” là chủ đề cuộc trò chuyện của phóng viên với Đạo diễn Lương Đình Dũng, bàn luận về cách đối phó với khó khăn trong và sau đại dịch.
Sau khi trình làng bộ phim điện ảnh đầu tay “Cha cõng con”, đạo diễn Lương Đình Dũng vừa hoàn thành bộ phim hành động “578” và dự định sẽ giới thiệu đến người xem khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Trong vài năm trở lại đây, nền điện ảnh nước nhà đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng phải “cầm chừng” do dịch bệnh, thậm chí có nhiều nhà làm phim gặp khó khăn do phim chưa thể ra rạp.
-Thưa đạo diễn Lương Đình Dũng, nghe nói bộ phim hành động "578" của anh sẽ hoãn lịch ra mắt. Chắc hẳn anh và ekip làm phim cũng đang rất nóng lòng?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Nhà sản xuất phải chuyển lịch sang một thời điểm khác gần cuối năm. Rất là tiếc những có lẽ bây giờ thì tất cả mọi người cùng chung một suy nghĩ là đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường. Cái đó là quan trọng nhất. Hết dịch rồi, lúc ấy, tôi nghĩ khán giả có thể thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn hơn.
-Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến ekip làm phim như thế nào?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Bộ phim đã phải lùi lịch quay đến 2 lần do ảnh hưởng dịch bệnh và trong suốt quá trình quay chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nên vừa ghi hình, vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đặc biệt là chúng tôi luôn ở trong trạng thái khá lo lắng trong suốt quá trình quay, bởi dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Ngoài ra bộ phim còn được quay tại 8 tỉnh thành, quay ở bến cảng, đỉnh đèo, hồ nước và trên các tuyến quốc lộ nguy hiểm, nên việc di chuyển với ekip lớn cũng khá khó khăn. Tất nhiên là trước khi quay chúng tôi đã lường trước và đưa ra mọi phương án để chủ động hơn, dù thế thì vẫn không tránh khỏi kinh phí của dự án phát sinh hơn 30% kinh phí dự trù, đó là áp lực cực lớn cho nhà sản xuất của chúng tôi.
-Có ý kiến cho rằng, điện ảnh cũng là lĩnh vực chịu tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi nghĩ ngành nào cũng bị ảnh hưởng lớn, tuy nhiên điện ảnh Việt cũng bị ảnh hưởng rất nhiều và dẫn đến tổn thất nặng nề, do ngành điện ảnh Việt cũng chỉ khởi sắc được một vài năm gần đây. Đặc biệt các nhà sản xuất điện ảnh Việt thực chất không phải có tiềm lực lớn lại không được phân bổ đều về năng lực làm phim. Nên vấp phải dịch thế này sẽ là tổn thất lớn cho các nhà làm phim trẻ tài năng, tôi nghĩ sau dịch phim Việt sẽ dễ giảm đi về sự phong phú đề tài. Có thể sẽ chỉ còn lại những nhà sản xuất còn khả năng về tài chính thì chỉ lặp lại các đề tài cũ, cách làm phim quá quen thuộc hoặc nối dài các bộ phim của họ trước đó. Những nhà sản xuất mới mẻ thì phải khắc phục và cần thời gian mới có thể làm phim tiếp. Nhìn sâu xa đó cũng là một tổn thất cho khán giả không được trải nghiệm những cái nhìn mới, đề tài mới của điện ảnh.
-Anh nghĩ như thế nào về khả năng "hồi phục" để chúng ta vẫn đạt được mục tiêu doanh thu điện ảnh trong năm 2030 đạt khoảng 250 triệu USD, trong đó phim Việt Nam chiếm một nửa, tức 125 triệu USD (theo mục tiêu của Công nghiệp Văn hóa)?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi nghĩ mục tiêu lâu dài thì chắc không bị ảnh hưởng, cá nhân tôi vẫn tin rằng doanh thu điện ảnh như mục tiêu năm 2030 thì vẫn hoàn toàn có thể đạt được. Bởi vì tới thời điểm đó còn rất dài.
-Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang gia tăng, chúng ta có thể có những động thái nào không?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Các động thái từ các cơ quan Nhà nước thì tôi nghĩ nên có, dù sao điện ảnh cũng là ngành quan trọng để phục vụ quảng bá, nâng cao tinh thần của quốc gia. Đầu tiên theo tôi thì giảm thuế cũng là quan trọng để hỗ trợ hoặc các chính sách khác thiết thực gần gũi hơn cho các nhà làm phim nói chung.
-Trước đây, anh cũng là một trong những người đầu tiên đã từng kêu gọi kinh phí làm phim. Anh có nghĩ là các nhà làm phim trẻ nên làm theo hình thức kêu gọi chung tay làm phim sau dịch bệnh Covid-19 không?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi đã từng thực hiện chương trình huy động kinh phí để làm phim. Tuy nhiên, với những dự án đòi hỏi kinh phí lớn như trong điện ảnh thì hình thức này thực sự rất khó hiệu quả và không thể thực hiện được các dự án lớn ở Việt Nam hiện tại vì nhà đầu tư chưa quen tiếp cận hình thức này. Phần kinh phí kêu gọi qua chương trình đã được nhà sản xuất thực hiện bộ phim ngắn về đề tài xâm hại trẻ em “Câm lặng” do đạo diễn Trần Mạnh Thắng thực hiện phổ biến hơn 1 năm trước.
Phim hành động "578" chúng tôi là một câu chuyện đi theo hướng khai thác khác, thiên về hành động. Nguồn kinh phí chủ yếu do các nhà đầu tư tham gia sau, nếu không tôi cũng không thể thực hiện được bộ phim hành động 578 này.
-Nếu như hình thức “gây quỹ cộng đồng” ít mang lại hiệu quả với việc sản xuất phim điện ảnh thì anh có ý tưởng nào khác?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi đang xây dựng 1 dự án Quỹ đầu tư điện ảnh mang tên “Quỹ hình ảnh Việt Nam”, tập hợp các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính ở nhiều lĩnh vực và tập trung đầu tư cho phim điện ảnh chiếu rạp và một số mục tiêu khác xoay quanh điện ảnh, một cách bài bản, nghiêm túc. Quỹ hoạt động, mang mục tiêu rõ ràng “Đầu tư sản xuất phim điện ảnh” phục vụ khán giả trong nước và kỳ vọng sẽ phát hành được ở nước ngoài. Qua đó góp phần vào công cuộc chung là đưa điện ảnh phát triển. Nếu thuận tiện và không bị ảnh hưởng tiếp tục của dịch bệnh, quỹ sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022.
-Khi chúng ta kiểm soát dc dịch bệnh, anh nghĩ rằng điều đầu tiên chúng ta nên làm cho điện ảnh là gì?
Đạo diễn Lương Đình Dũng: Nếu có thể, Nhà nước có dành một khoản ngân sách, có lẽ không cần quá nhiều cho mảng sản xuất điện ảnh nói chung. Hoặc một hình thức nào đó với mục tiêu để hỗ trợ sản xuất phim mới. Tôi nghĩ nó sẽ góp phần đưa hơi thở điện ảnh trở lại sớm hơn và mạnh mẽ hơn.
-Xin cảm ơn anh.
Theo VOV