Tôi vốn chăm chỉ chơi thể thao nhưng vòng hai vẫn lớn dần theo tuổi tác. Bạn bè thỉnh thoảng chọc tôi là “mang thai vài tháng”.
"Chiến dịch giảm cân, lấy lại thân hình trai trẻ" đã được tôi phát động vài lần nhưng chưa thành công, chỉ tổ "vỗ béo" các cơ sở thẩm mỹ. Từng mất hơn 20 triệu đồng cho một chương trình giảm cân cấp tốc mà không có kết quả, mới đây, tôi tiếp tục bị hấp dẫn bởi quảng cáo "đánh bay 10 cm vòng bụng sau hai lần trị liệu". Tôi tìm đến một cơ sở thẩm mỹ. Sau vài phút tư vấn, đo các thông số, họ công bố tôi thừa đến 30% lượng mỡ, đường trong máu cao hơn ba lần mức báo động.
Qua các lần khám định kỳ, tự tôi cũng biết tôi thừa đường và mỡ. Một phần vì tôi rất thích ăn đồ ngọt và uống nước có đường. Hồi nhỏ, tôi bị cha mẹ hạn chế, nhưng từ khi trưởng thành, không ai còn ngăn cấm tôi được nữa, tôi tự quyết định ăn bao nhiêu tùy thích.
Hầu hết trẻ em, và cả người lớn, đều thích thực phẩm ngọt, vì đường cung cấp năng lượng cho não, mang lại cảm giác hạnh phúc, dễ chịu.
Theo báo cáo hồi tháng 2 của Bộ Tài chính, mức tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam tăng lên gấp 7-8 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Năm 2018, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt là 46,5 gram/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (25 gram/ngày).
Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19% năm 2020, theo kết quả Tổng điều tra toàn quốc của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra đồ uống đóng chai là một nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì trẻ em, bên cạnh thức ăn nhanh, cuộc sống công nghệ khiến trẻ ít vận động, chế độ dinh dưỡng quá mức... Nước ngọt chứa lượng lớn carbohydrate có thể kích thích cảm giác thèm ăn, làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng no. Đồ uống có đường không chỉ gây ra tình trạng thừa cân và béo phì, mà còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tăng số ca mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch và các bệnh về răng miệng.
WHO và Hiệp hội Tim mạch Mỹ đều đưa ra khuyến cáo về giảm lượng đường trong chế độ ăn hàng ngày. Một số quốc gia trên thế giới đã lưu tâm đến việc kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường thông qua các chính sách thuế, quảng cáo và giáo dục. Ví dụ, Mexico ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường từ năm 2014 và ghi nhận lượng tiêu thụ giảm 7,6% trong hai năm đầu áp dụng. Tại Anh, chính sách thuế với đồ uống có đườngáp dụng từ 2018, đã dẫn đến sự giảm lượng đường trong đồ uống trung bình 28,8% và lượng tiêu thụ đồ uống có đường giảm 10%. Từ 2018, giới chức Anh yêu cầu dán nhãn calo bắt buộc tại các nhà hàng, quán cà phê, đồ ăn nhanh... Nước này cũng ban hành các quy định kiểm soát thời lượng và địa điểm phát quảng cáo sản phẩm đồ ngọt ở các không gian và khung giờ dễ thu hút trẻ em.
Các chính sách tương tự đã được triển khai tại Pháp, Hà Lan, và Mỹ.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó đề xuất áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Đây là nỗ lực nhằm giảm tiêu dùng đồ uống có đường, với kỳ vọng về lâu dài sẽ giúp giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm có liên quan.
Với cùng mục tiêu này, chính sách thuế kết hợp với kiểm soát quảng cáo là những biện pháp đã được áp dụng tại nhiều quốc gia. Việt Nam có thể học hỏi cách làm tương tự để triển khai đồng bộ các giải pháp điều chỉnh hành vi tiêu thụ đường của người dân.
Tăng cường giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức cộng đồng cũng là vấn đề cần được lưu tâm. Các hoạt động như tổ chức chương trình giáo dục sức khỏe, tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông và mạng xã hội sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về tác hại của việc lạm dụng đường, hướng tới lựa chọn thức uống lành mạnh hơn.
Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này và tiếp tục vấp phải những ý kiến phản đối, do lo ngại ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng vì sức khỏe người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất và phân phối đồ uống có thể thích ứng và đổi mới bằng cách giảm hàm lượng đường trong sản phẩm, tăng cường phát triển thị trường các sản phẩm có hàm lượng đường thấp hoặc không đường.
Một chính sách có lợi cho tất cả các bên là điều khó đạt được. Tuy nhiên, sự phối hợp nhịp nhàng, có lộ trình giữa nhà làm chính sách và doanh nghiệp nhằm cải thiện sức khỏe người dân, thể hiện cam kết của đất nước trong việc đối phó với các vấn đề sức khỏe cộng đồng là mục tiêu đáng được ưu tiên.
Về phần mình, tôi dự định dành khoản tiền giảm béo cấp tốc cho một kế hoạch khác và vẫn bắt đầu "chiến dịch" tăng cường sức khỏe bằng việc giảm lượng mỡ và lượng đường trong máu qua chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Theo Vietnamnet