Vị Chủ tịch đầu tiên của TP Hải Dương

01/05/2011 05:23

Để ghi nhớ công lao vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố, TP Hải Dương đã dùng tên ông đặt cho một đường phố lớn ở khu đô thị mới phía đông TP Hải Dương: Phố Bạch Năng Thi.


Phố Bạch Năng Thi (khu đô thị phía đông, TP Hải Dương)
Ảnh: Thành Chung


Ông Bạch Năng Thi nguyên là Hiệu trưởng một trường tư thục mang tên ông: Trường Bạch Năng Thi. Từ năm 1943 trở về trước, Trường Bạch Năng Thi tọa lạc ở phố Hàng Lọng (nay thuộc khu vực UBND TP Hải Dương). Ở trên đầu hồi căn nhà, khách đi đường đọc được hai dòng chữ tiếng Pháp: "BUREAU D' AFFAIRES'" và "TRADUCTION ET REDACTION DES REQUÊTES" nghĩa là "Văn phòng giao dịch" và "Phiên dịch biên soạn các đơn từ". Điều này chứng tỏ ông có trình độ Pháp ngữ và tinh thông luật pháp, có thể tư vấn cho khách hàng.

Sau năm 1943, Trường Bạch Năng Thi chuyển về phố Quang Trung xế đình Đông Thị. Ông là một nhà giáo tiến bộ, sớm có tư tưởng yêu nước, do có quan hệ đồng nghiệp với nhà giáo Trường Đông Hải là Đỗ Văn Thanh, Bí thư Chi bộ thành phố. Năm 1945, ông tham gia công chức cứu quốc. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) chính quyền thân Nhật thành lập tổ chức Thanh niên Phan Anh và Hội viên chức, có chân rết ở khắp các tỉnh, thành để lôi kéo các tầng lớp viên chức, thanh niên, học sinh... Tương kế tựu kế, Mặt trận Việt Minh TP Hải Dương đã bố trí ông Bạch Năng Thi làm Chủ tịch của Hội Viên chức và Thanh niên, đồng thời bố trí ông Đỗ Văn Thanh làm Tổng thư ký của tổ chức này. Với vỏ bọc thuận lợi đó, hai ông hoạt động công khai thu lượm được những thông tin về phía địch để có đối sách có lợi cho phong trào Việt Minh.

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh (15-8-1945), Tổng hội Viên chức thân Nhật ở Hà Nội, chủ trương tổ chức một cuộc tuần hành, mít-tinh trọng thể để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Phó Tỉnh trưởng Trần Văn Tuyên, người chịu trách nhiệm thực thi công việc này đã phổ biến chủ trương và diễn biến sự việc tới Chủ tịch và Tổng thư ký của tổ chức Viên chức và Thanh niên. Thời cơ ngàn năm có một đã tới. Hai ông Bạch Năng Thi và Đỗ Văn Thanh phối hợp cùng chi bộ bí mật tổ chức lực lượng công nhân cứu quốc, tự vệ và thanh niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, biến cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của tổ chức Viên chức, Thanh niên thân Nhật thành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Tại cuộc mít-tinh chiều ngày 17-8-1945 ở vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc lập), ông Bạch Năng Thi đã đứng trên vòm cao cổng vườn hoa, công bố mười điểm cứu nước của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh và tuyên bố xóa bỏ chính quyền thân Nhật.

Sáng hôm sau, 18-8-1945, tại nhà "Séc ta", lúc này đã trở thành tổng hành dinh của cách mạng, Việt Minh triệu tập cuộc họp công khai đầu tiên, bàn việc thành lập chính quyền cách mạng. Các đồng chí Nguyễn Văn Kha, Nguyễn Đức Quỳ, Lê Liêm được Xứ ủy cử về lãnh đạo phong trào Hải Dương, tham dự cuộc họp và hướng dẫn thành lập chính quyền. Ủy ban Hành chính (UBHC) lâm thời của TP Hải Dương được thành lập, gồm: ông Bạch Năng Thi làm Chủ tịch; ông Đỗ Văn Thanh làm Ủy viên tuyên truyền, thanh niên và một số ủy viên khác.

Chính quyền cách mạng lâm thời được mọi tầng lớp nhân dân toàn thành phố nhiệt tình ủng hộ, bộ mặt thành phố thay đổi nhanh chóng. Ngày 1-1-1946 theo một sắc lệnh của Chính phủ, UBHC lâm thời các cấp, đổi thành UBHC. Ông Bạch Năng Thi tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch UBHC thành phố tới ngày toàn quốc kháng chiến. Sau đó, ông chuyển về Ty Thông tin. Khoảng năm 1948, ông Bạch Năng Thi được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) tỉnh Hải Dương. Thời gian này, phần lớn báo cáo của UBHC tỉnh Hải Dương đều do ông soạn thảo. Có lẽ cái nghề dạy học và soạn đơn từ thuở hàn vi đã giúp ông có năng khiếu biên soạn các báo cáo hành chính, rất rõ ràng mạch lạc và lời văn trong sáng.

Đầu năm 1949, ông Nguyễn Năng Hách, Chủ tịch UBKCHC tỉnh được điều lên giữ chức Chính ủy Mặt trận đường 5, thì ông Bạch Năng Thi được cử làm Chủ tịch UBKCHC tỉnh Hải Dương. Cuối năm 1949, đầu năm 1950, Pháp mở nhiều chiến dịch đánh ra vùng tự do ở Thanh Miện, Ninh Giang... UBKCHC tỉnh phải chuyển địa điểm lúc lên Đèo Voi (Chí Linh), lúc vượt sông sang đất Thái Bình, có lúc lại vọt lên tận Bắc Giang. Điều này giúp đội ngũ cán bộ Ủy ban tỉnh tránh được tổn thất, song không phù hợp với đường lối bám đất bám dân. Sau đó, ông được cử làm Trưởng phòng Hành chính Liên khu 3. Năm học 1952-1953, ông được cử làm giáo viên dạy văn ở Trường cấp 2-3 Nguyễn Thượng Hiền của Liên khu 3 đặt tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Khi hòa bình lập lại (10-1954), ông được cử về Hà Nội tiếp quản Trường Chu Văn An với cương vị Hiệu phó, phụ trách bộ môn văn học.

Trong những năm ở Trường Chu Văn An, ông say mê tìm đọc các tác phẩm văn học phương Tây, miệt mài nghiên cứu và trau dồi những kiến thức sâu sắc về văn học.

Đó là cơ sở để sau này ông được đề cử dạy ở Trường Đại học Tổng hợp, phụ trách bộ môn văn học phương Tây.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đồng nghiệp và học sinh của ông đã nhắc đến thầy Bạch Năng Thi bên cạnh những giáo sư lỗi lạc khác như một người thầy đáng kính có kiến thức chuyên sâu chỉ thông qua con đường tự học, tự nghiên cứu.

Để ghi nhớ công lao vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố, TP Hải Dương đã dùng tên ông đặt cho một đường phố lớn ở khu đô thị mới phía đông TP Hải Dương: Phố Bạch Năng Thi.

LƯU ĐỨC Ý

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị Chủ tịch đầu tiên của TP Hải Dương