Phạm Đình Hổ, người làng Đan Loan, huyện Đường An, nay thuộc Nhân Quyền, Bình Giang (Hải Dương). Ông là nhà nghiên cứu văn hóa - xã hội, nhà văn, nhà thơ Việt Nam nổi tiếng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Phạm Đình Hổ, tự là Tùng Niên và Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Tiều, sinh năm Mậu Tý (1768). Gia đình ông còn có nhà riêng tại phường Thái Cực huyện Thọ Xương, thuộc kinh thành Thăng Long, nay thuộc khu vực Hàng Buồm, Hà Nội.
Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, cha đậu cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, rồi Tuần phủ Sơn Tây đời Cảnh Hưng.
Ngay từ nhỏ, phạm Đình Hố đã ôm ấp mộng văn chương. Đời Lê Chiêu Thống, ông vào học tại Quốc Tử Giám, thi đậu Sinh đồ. Suốt thời Quang Trung ông về quê, đi nhiều nơi nghiên cứu lịch sử và dạy học.
Khi Gia Long lên ngôi, khôi phục thi cử ông đi thi nhưng không đỗ. Đến năm 1821, ông được vua Minh Mạng cử làm Hành tẩu Hàn lâm viện, được một thời gian, ông xin nghỉ việc về nghiên cứu viết sách. Năm 1826, Minh Mạng lại triệu ông vào Huế, làm Thừa chỉ Viện Hàn lâm, rồi được thăng lên chức Tế tửu Quốc tử giám, mặc dù ông chỉ có bằng tú tài.
Năm 1832, ông từ quan, về quê. Bảy năm sau (năm 1839) ông qua đời ở tuổi 72.
Trong quá trình làm quan, ông dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, biên soạn sách chuyên khảo. Ông để lại cho đời sau nhiều công trình khảo cứu về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, văn hoá xã hội, văn thơ có giá trị lớn.
Về lịch sử - địa lý, có: An Nam chí, Ô Châu lục, Ai Lao sứ trình, Lễ triều hội điển, Tiền lệ Nam Việt bản đồ mô bản, Bang giao điển lễ, Nhập dụng thường đàm, Càn khôn nhất lãm, . . .
Về văn có: Vũ trung tuy bút, Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án).
Về thơ, có các tập: Đông Dã học ngôn thi tập, Tùng cúc liên mai tứ hữu, Bạn tiếp tồn phung thi tập...
Triết học, có: Hy kinh trắc lãi.
Tập hợp và hiệu đính các sách, có : Dịch quỹ bi áo thượng tập, Đại Nam tổng hội đề lục.
Các công trình khảo cứu của Phạm Đình Hổ có những giá trị nhất định, đặc biệt là giá trị về mặt tư liệu đối với khoa học lịch sử, ngôn ngữ, triết học.
Hiện nay, tại làng Đan Loan vẫn còn nhiều dấu ấn về ông. Nhiều di tích đã được xếp hạng.
(Theo Địa chí Hải Dương)