Danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ": Chuyện kể về 50 năm trước

19/05/2018 09:30

"Cháu ngoan Bác Hồ" là một danh hiệu quý giá đối với mỗi đội viên. Vì thế với những thiếu niên, danh hiệu này rất có ý nghĩa...


Bà Nguyễn Thị Phòng ở thôn Giữa, xã Cổ Dũng (Kim Thành) ôn lại kỷ niệm từ 50 năm trước

"Đó là ngày tôi vỡ òa niềm vui, hãnh diện khi được cài trên áo chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Tuy không được gặp Bác trực tiếp nhưng chiếc huy hiệu có in hình Bác đã giúp tôi trưởng thành, nỗ lực hơn trong cuộc sống", bà Nguyễn Thị Phòng ở thôn Giữa, xã Cổ Dũng (Kim Thành) bồi hồi nhớ lại.

Dũng cảm

Gặp chúng tôi, bà Phòng hồ hởi chuyện trò. Năm bà tròn 15 tuổi, vào khoảng 10 giờ ngày 5.11.1966, khi đang chăn trâu ở gần đường tàu thì máy bay địch oanh tạc. Với sự nhạy bén của mình, thiếu niên Phòng nhận thấy có đoàn tàu đang đến gần vì cảm nhận được đường ray, nền đất rung chuyển. Trong lúc đó, những quả bom không ngừng dội xuống để đánh sập cầu Lai Vu. Không ngại nguy hiểm, người thiếu niên ấy đã chạy ra giữa đường tàu, một tay vẫy nón, một tay chỉ lên trời ra hiệu cho đoàn tàu là đang có máy bay ném bom để tàu dừng lại. Thấy có người báo hiệu, người lái tàu đã nhanh nhạy cho dừng tàu để nhân viên vào làng trú ẩn. Cả đoàn tàu hôm đó an toàn. Sau này, bà Phòng mới biết đó là chuyến tàu chở vũ khí quân sự cho miền Nam.

Sau đó vài ngày, việc làm của bà Phòng đã được Tổng cục Đường sắt Việt Nam khen ngợi. Tuy việc làm nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn. Ngay sau đó, cô bé Phòng đã được Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tuyên dương, trao huy hiệu, danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ". Nhớ lại ngày được nhận danh hiệu đó, bà Phòng rất xúc động. Việc làm dũng cảm đó đã thôi thúc thiếu niên Phòng tham gia du kích, nuôi giấu bộ đội.


Huy hiệu Bác Hồ của bà Nguyễn Thị Phòng đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Đội nắng đợi người rơi tiền

Cũng vào khoảng năm 1966, một thiếu nhi nữa được tuyên dương, trao Huy hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ", đó là Bùi Quang Điểm ở thị trấn Gia Lộc. Gặp chúng tôi khi đã ngoài 60 tuổi, ông Điểm vui vẻ kể về “chiến tích” đầu đời của mình. Đó là năm cậu bé Điểm mới 10 tuổi. Một hôm sau khi đi học về, Điểm đến nhà bạn chơi, khi đi qua bưu điện thị trấn thì nhìn thấy một bọc nilon nhỏ. Điểm nhặt lên mở ra xem thì thấy 365 đồng được gói rất cẩn thận ở trong túi. Ngày đó, 365 đồng có thể là cả một tháng lương. Thấy có nhiều tiền trong túi, Điểm nghĩ ai đó đánh rơi và họ sẽ đi tìm nên cậu bé vẫn đứng chờ giữa trời nắng chang chang. Quả nhiên, một lúc sau có một anh bộ đội đến hỏi thì Điểm vui vẻ trả lại số tiền đó cho anh. Ngay sau đó, anh bộ đội cho Điểm 2 đồng để cảm ơn nhưng cậu bé kiên quyết không nhận.

Việc làm đó của Điểm đã được Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh khen và trao tặng Huy hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ". Đức tính thật thà của Điểm được các nhà trường tuyên truyền, nhân rộng. Đến nay, ông Điểm vẫn xúc động khi nhớ về ngày được nhận chiếc huy hiệu quý giá đó: “Khi tôi đeo chiếc huy hiệu đó trên ngực mình, không chỉ bản thân tôi vui mừng mà những người thân và các bạn trong làng xóm đều đến xem. Đối với tôi, đó mãi là chiến tích đầu tiên có ý nghĩa giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách của tôi về sau”.

“Cháu ngoan Bác Hồ” là một danh hiệu quý giá đối với mỗi đội viên. Trước đây, để đạt được điều đó, thiếu nhi phải thực sự xuất sắc, có tinh thần quả cảm, thậm chí phải lập được chiến công, phục vụ cách mạng. Thời điểm ấy, mỗi năm cả tỉnh chỉ có khoảng 10 người được tuyên dương… Vì thế, đối với mỗi thiếu niên ngày đó, danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” rất có ý nghĩa và họ trân quý mãi cho đến hết đời.

MINH NGUYỆT

Trong 5 năm gần đây, Hải Dương đã có gần 97.000 thiếu nhi được tuyên dương “Cháu ngoan Bác Hồ”, trong đó có 275 “Cháu ngoan Bác Hồ” được tuyên dương cấp tỉnh. Tiếp nối truyền thống cha anh, ngày nay, danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” được trao cho những đội viên có thành tích xuất sắc trong học tập, ngoan ngoãn, lễ phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ": Chuyện kể về 50 năm trước