“Sau nửa ngày chen lấn ở bách hóa tổng hợp, mua được các đồ Tết như nếp, đường, đậu, thịt, cá, rau… về thì lòng rạo rực chiến thắng”, danh hài Minh Vượng nhớ lại.
Những ngày Tết, Minh Vượng bao luôn tất tả ngược xuôi với vô vàn công việc nhưng không bao giờ từ bỏ các nếp văn hóa truyền thống. Chị luôn hạnh phúc vì năm nào cũng vậy, trong ngôi nhà nhỏ của chị, những người đi xa, đều trở về, ăn cái Tết đoàn viên ấm cúng bên nồi bánh chưng và trao nhau lời chúc tốt đẹp.
Minh Vượng là người trọng tình nghĩa và các giá trị xưa. Chị không bao giờ đi diễn xa hoặc đi du lịch vào 3 ngày Tết. Khoảnh khắc của chiều 30 luôn khiến chị bồi hồi: “Tôi luôn có những tình cảm, tình thương, không chỉ với người hiện tại mà còn với cả những người đã đi xa. Nếu 3 ngày Tết mình đi du lịch thì sướng thân mình nhưng nhà cửa sẽ lạnh lẽo, ông bà tổ tiên hẳn cũng sẽ cô đơn, tôi không thể dứt bỏ”.
Nói về kỷ niệm ngày Tết, NSƯT Minh Vượng cho biết, rất nhiều ký ức về Tết xưa vẫn sống động trong chị, từ kỷ niệm thời bao cấp hớn hở xếp hàng mua thực phẩm đến hình ảnh đêm 30 Tết cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng nóng ấm.
Trong một lần trò chuyện với phóng viên, Minh Vượng bộc bạch: “Tôi nghĩ, ai đã đi qua giai đoạn đất nước thời bao cấp sẽ vô cùng nhớ bách hoá tổng hợp những ngày giáp Tết. Lúc bấy giờ được vào bách hoá tổng hợp ngày Tết là thích vô cùng. Mặc dù chả mua gì nhưng chỉ cần được ngắm thôi là đã cảm thấy sung sướng lắm rồi. Tôi còn nhớ hồi 5 - 6 tuổi, được túm áo bố mẹ đi vào bách hoá tổng hợp, quầy mậu dịch lúc đó còn cao hơn cả mình, rồi cứ nghển cổ lên nhìn các cô chú mua hàng. Kể cả âm thanh ngày Tết trong đó cũng khác với âm thanh ngày thường.
Đến năm 1984 - 1985 ở Hà Nội vẫn còn kiểu mua hàng bao cấp. Thời đó tôi đã khoảng 18 - 25 tuổi nhưng vẫn đi xếp hàng 'tơi bời hoa lá'. Có khi phải xếp hàng 10 chỗ liền để mua nếp, mua đường, mua đậu, mua thịt, mua cá, mua rau… và phải dùng cả gạch lẫn rổ rá để đặt chỗ, giữ chỗ. Sau nửa ngày chen lấn, hớn hở mua được ngần đó thứ đồ Tết về thì lòng rạo rực chiến thắng. Thời đó mặc dù nghèo nhưng mọi người yêu nhau thực sự. Ăn miếng thịt có thể đã bị ướp lạnh, ăn miếng cá có thể không còn tươi và ngọn rau có thể đã úa… nhưng vẫn thấy ngon và thắm tình người thế nào đó”, NSƯT Minh Vượng kể.
NSƯT Minh Vượng cũng chia sẻ, chiều 30 Tết nào chị cũng đi dọc phố Nghi Tàm - Hà Nội để ngắm chợ hoa. Cứ đi dọc con phố, thấy ai bán hết hoa là chị lại mừng cho họ vì đã xong hàng. Nhiều khi, chị xót xa thương những người gần chiều tối 30 Tết mà vẫn chưa bán hết. Về đến nhà, lòng dạ chị lại chộn rộn bao nhiêu cảm xúc vui buồn về phận người.
“Bây giờ ở bên kia chân đèo cuộc đời rồi nên suy nghĩ của mình cũng chững lại, ngẫm ngợi nhiều hơn. 3 ngày Tết tôi dành hoàn toàn thời gian để đến thăm thú anh chị em, con cháu, bạn bè…", nghệ sỹ Minh Vượng nói bằng giọng chậm rãi.
Kể về thú vui Tết của mình, Minh Vượng cho biết đam mê lớn nhất của chị là hoa. Trước Tết một tháng, chị đã bắt đầu chơi hoa, tất cả các loại hoa. Hhai loại hoa nhất định sẽ phải có trong không gian Tết của Minh Vượng là cúc và đào phai.
"Màu vàng của hoa cúc kiêu sa lắm, nó khiến mình ngẫm ngợi ra nhiều thứ và văn thơ cứ lai láng tuôn trào. Còn hoa đào thì tôi thích chơi đào phai vì trong nhà tôi đồ gỗ toàn màu thẫm rồi nên chơi đào bích thì màu đào không nổi bật lên được. Màu phơn phớt hồng của đào phai cũng giúp mình gợi nhớ một thời tuổi trẻ đã qua”, Minh Vượng nói.
Sáng mùng 1 Tết, việc đầu tiên của Minh Vượng là đi chùa, thắp một nén nhang rồi về mừng tuổi những người thân. Rất yêu Tết truyền thống nên Minh Vượng sợ sự biến tướng của những tục lệ vốn đẹp đẽ như lì xì số tiền lớn, biếu quà Tết hoành tráng. Theo chị, trong năm chỉ cần đối tốt với nhau, nhân ái, yêu thương thì chẳng cần đến những quà cáp cuối năm nữa.
"Tuy nhiên, món quà cảm ơn cuối năm đến những người đã giúp đỡ mình cũng khá cần thiết, chỉ là đừng làm quá lên mà quên mất những người xung quanh mình. Đừng lợi dụng Tết để đổi trao vật chất"- danh hài nói.
Theo VTC