Hai người con của nhà Shinawatra đã phải sống lưu vong sau thất bại trên chính trường. Một dấu chấm hết cho những ảnh hưởng của nhà Shinawatra tại Thái Lan?
Những ảnh hưởng của nhà Shinawatra thông qua phong trào Áo đỏ vẫn rất mạnh mẽ nhưng được dự đoán sẽ nhanh chóng nguội tàn nếu không có người vực dậy - Ảnh: AFP |
Chính trường ở Thái Lan đậm dấu ấn của các gia tộc lớn, theo ghi nhận của Katja Rangsivek trong cuốn Trakun, politics and the Thai State. Dòng họ Shinawatra, trong giai đoạn 1932-2013 chiếm hơn 10% số thủ tướng ở Thái Lan (3/28), chưa kể các vị trí khác thấp hơn trong chính trị.
Tỉ lệ kỷ lục đó đưa dòng họ này trở thành một trong những dòng họ quan trọng bậc nhất ở Thái Lan. Xuất thân từ giới thương nhân, gia đình Shinawatra đã biết biến đồng tiền trở thành sức mạnh chính trị và chính trị lại làm tăng sức mạnh để kiếm tiền.
Giỏi làm ăn
Gia tộc Shinawatra thực ra không có tên gọi như thế. Ông cố nội của họ là một người Hoa di cư đến Thái Lan cuối những năm 1860. Ông Seng Sae Khu, làm giàu bằng nghề cho vay, có hai bà vợ người Thái và 14 người con.
Ông nội của cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck là Chiang Sae Khu. Ông cưới con gái một điền chủ - doanh nhân Thái Lan và có 12 người con. Họ làm nên cơ nghiệp bằng nghề buôn lụa sang Trung Quốc và Miến Điện (Myanmar).
Đến khi chính quyền Thái Lan tiến hành chính sách chống người Hoa từ năm 1938, nhiều người Hoa hoặc người Thái gốc Hoa phải đổi họ để tránh phiền toái với chính quyền. Người con cả tên Sak quyết định chọn cái họ kiểu Thái là Shinawatra và 11 người em của ông đã tuân theo quyết định đó.
Cha của Thaksin và Yingluck là ông Loet Shinawatra có 10 người con, trong đó Thaksin là con cả và Yingluck là cô út. Ông làm giàu theo nghề buôn lụa của cha mình ở vùng Chiang Mai và dấn thân vào đường chính trị với vị trí trong ban lãnh đạo địa phương vào năm 1967 và một ghế quốc hội năm 1969.
Là con cả trong gia đình 10 người con, ông Thaksin bắt đầu công việc đầu tiên trong chính phủ bằng bộ cảnh phục. Nhưng người đàn ông sinh năm 1949 lại chứng tỏ ông có duyên với nghề kinh doanh hơn nghiệp cầm súng.
Cất bộ đồng phục vào ngăn tủ, năm 1989, ông Thaksin thành lập Shinawatra Datacom và nhanh chóng biến nó trở thành một đế chế viễn thông ở Thái Lan. Tiếp bước anh cả, cô em út Yingluck được cho sang Mỹ học thạc sĩ tại Đại học công Kentucky - cách không xa Đại học Đông Kentucky, nơi ông Thaksin từng du học.
Trở về Bangkok những năm 1990, bà Yingluck được tung vào tập đoàn của anh trai, lúc này đã đổi tên thành Shin Corp và vừa được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giá trị cổ phiếu của tập đoàn liên tục tăng kể từ đó.
Năm 2006, Temasek, quỹ đầu tư nhà nước của Singapore, đã bỏ ra hơn 1,8 tỉ USD để mua 49,6% cổ phần còn lại của ông Thaksin tại Shin Corp. Nhưng thương vụ đã gây ra những phản ứng dữ dội tại Thái Lan dẫn tới sự ra đi của ông Thaksin khi đó mới giữ nhiệm kỳ 2 thủ tướng được 119 ngày.
Kém duyên với chính trị
Năm 1994, cậu cả Thaksin nối bước cha trên đường chính trị, trở thành ngoại trưởng chỉ vài tháng sau khi dấn thân quan lộ.
Năm 1997, triệu phú Thaksin tiếp tục ghi tên vào danh sách các phó thủ tướng trong chính phủ của ông Chavalit Yongchaiyudh. Bốn năm sau đó, Đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, đưa ông Thaksin thẳng đến chiếc ghế thủ tướng.
Năm 2006, ông Thaksin tái đắc cử. Sự nghiệp chính trị của nhà Shinawatra xem như đã thành công rực rỡ. Tiếng tăm và uy tín của nhà Shinawatra đặc biệt cao tại vùng đông bắc, nông thôn - những nơi hưởng lợi từ các chính sách phúc lợi dành cho người nghèo của chính phủ Thaksin.
Nhưng cuộc binh biến cùng năm và những cuộc biểu tình, sự bất mãn đã hất ông Thaksin khỏi chiếc ghế thủ tướng. Những nỗ lực sau đó như cố gắng duy trì ảnh hưởng qua Đảng Sức mạnh nhân dân, đưa em rể lên làm thủ tướng đều bị tan thành mây khói.
Chiến thắng của cô em Yingluck năm 2011 những tưởng sẽ vực dậy danh thế của gia tộc một lần nữa. Nhưng không, chỉ sau ba năm, kịch bản năm 2006 đã tái diễn.
Nhiều người nói việc bà Yingluck trốn chạy chấp nhận cuộc sống lưu vong là một sự từ bỏ chính trị của nhà Shinawatra. Các nhà quan sát cho rằng với áp lực hiện nay của chính quyền quân sự, những người sống lưu vong cũng không còn mạnh tay tác động từ bên ngoài bởi gia sản của họ và của những người thân trong gia đình còn khá nhiều trên đất Thái Lan.
Theo Hãng tin Reuters, bà Monthathip Kovitcharoenkul, 58 tuổi, một nữ doanh nhân hiện ở Thái Lan, đã nhanh chóng gạt bỏ ý tưởng tham gia chính trường tiếp tục cho họ Shinawatra khi truyền thông tung hô bà như một ứng cử viên tiềm năng.
Hôm 27.8, đại diện phong trào Áo đỏ ủng hộ nhà Shinawatra khẳng định vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh ngay cả khi không còn bà Yingluck. Đảng Pheu Thai vẫn được phép hoạt động, sự ủng hộ dành cho nhà Shinawatra vẫn còn đó, nhưng...
Bà Yingluck ra đi bằng đường biển? Một nguồn tin hải quân Thái Lan nhận định với báo Bangkok Post rằng cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra không đi qua khu vực biên giới đất liền không có người canh gác như Chanthaburi và Trat vì nơi đây có địa hình đồi núi và được cho là bị gài mìn. “Tôi tin rằng một người quan trọng như bà Yingluck sẽ không chọn đường như vậy để trốn khỏi nước. Đi qua đường biển vừa dễ thực hiện vừa khó bị giới chức chú ý vì có rất nhiều tàu thuyền gần những đảo thu hút khách du lịch đó”, nguồn tin này nhận xét. |
Theo Tuổi trẻ