Chiều 25.6, Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI chia 4 tổ thảo luận. Có 39 lượt ý kiến phát biểu tập trung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020.
Các đại biểu thảo luận tại tổ
Nguy cơ hụt thu cao
Nhiều ý kiến đề nghị cần nhấn mạnh, đánh giá bổ sung thêm về tính chủ động của các cấp ủy, chính quyền trong ứng phó với đại dịch Covid-19, nhất là việc người dân, doanh nghiệp tự nguyện đóng góp hỗ trợ phòng, chống dịch; nên có riêng báo cáo chuyên đề để đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch Covid -19 thời gian qua để chủ động ứng phó trong thời gian tới.
Một số ý kiến đánh giá do ảnh hưởng dịch Covid-19, có doanh nghiệp sản xuất sản phẩm không xuất khẩu được, trong khi có doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu để sản xuất.
Ngành Thuế thông tin về tác động của đại dịch Covid-19 đến thu ngân sách rất lớn. 6 tháng đầu năm thu ngân sách chỉ đạt 45% dự toán năm, ảnh hưởng chủ yếu do giảm thu từ các doanh nghiệp lớn. Năm 2020, dự kiến hụt thu khoảng 1.500 tỷ đồng chưa kể tác động của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (giảm thêm khoảng 200 tỷ đồng nữa). Các huyện cần lưu ý đến ảnh hưởng của chính sách giảm thuế trước bạ 50% đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2020 cho phù hợp (dự báo sẽ hụt thu mỗi địa phương khoảng 10 tỷ đồng). Đồng thời, việc hạn chế các đối tượng thanh tra, kiểm tra cũng khiến thu ngân sách khó khăn.
Có ý kiến nhận định ảnh hưởng của Covid-19 mới là giai đoạn đầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bước đầu đang giảm số lượng lao động ngoài tỉnh, cắt giảm làm thêm giờ và cho lao động nghỉ luân phiên, thu nhập của người lao động giảm lớn, chỉ đạt khoảng 50-60%.
Có ý kiến cho rằng, cần sớm tháo gỡ khó khăn trong việc xác định đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ đối với công nhân lao động (toàn quốc hiện chỉ có khoảng hơn 400 công nhân lao động được hưởng theo chế độ này).
Theo ngành ngân hàng, hiện các ngân hàng đã thực hiện chính sách giãn, hoãn, giảm lãi suất đối với cho vay và huy động vốn vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đang thực hiện tốt gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay vốn và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay nhanh nhất, khi đủ điều kiện.
Còn vướng mắc trong thủ tục đầu tư
Một số ý kiến nêu thu hút đầu tư tăng, nhưng tiến độ triển khai dự án chậm. Có trường hợp nhà đầu tư vào đề xuất vị trí và thủ tục đầu tư xong thì tìm cơ hội chuyển nhượng dự án. Công tác giải phóng mặt bằng dự án ngày càng khó khăn do doanh nghiệp phải thỏa thuận với các hộ dân. Tiến độ thực hiện một số dự án, công trình chậm như Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Hiện nay, có khoảng 31/140 dự án, công trình chưa giải ngân được, ảnh hưởng đến chi ngân sách.
Có ý kiến phản ánh, hiện nay quy trình thủ tục chấp thuận đầu tư khu công nghiệp theo quy định mất rất nhiều thời gian (đối với Trung ương phải 3 lần báo cáo Thủ tướng chính phủ và 4 lần xin ý kiến các bộ). Tại tỉnh, quy trình thủ tục đầu tư của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn tương đối dài (khoảng 6-8 tháng, chủ yếu do thời gian lập báo cáo tác động môi trường từ 3-6 tháng và năng lực của cơ quan tư vấn còn hạn chế). Đề nghị cần có giải pháp tạo mặt bằng sạch để chủ động quỹ đất khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào tỉnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Văn Bình đề nghị bổ sung việc thực hiện đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp vào Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Chủ động điều hành ngân sách hợp lý
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, có ý kiến đề nghị quan tâm quản lý chặt chẽ nguồn thu kết hợp nuôi dưỡng nguồn thu, không nên quá tận thu để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đề nghị cân nhắc việc cắt giảm 15% chi thường xuyên và chi hội nghị vì thực tế khoản chi thường xuyên này nếu tiết kiệm cũng không đáng kể, trong khi năm 2020 là năm tập trung cho tổ chức đại hội đảng các cấp phải tổ chức rất nhiều hội nghị, thực tế vẫn phải chi thì các cơ quan, đơn vị sẽ gặp khó khăn trong việc thanh quyết toán. Cần xem lại việc khoán sử dụng xe công cho phù hợp.
Có ý kiến đề nghị cần sớm có phương án điều chỉnh kế hoạch chi để chủ động trong điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2020; xác định cụ thể phương án cắt giảm, huy động, giãn tiến độ, tiết kiệm chi, báo cáo HĐND tỉnh vào kỳ họp tháng 7/2020. Đề nghị cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất, cần tiếp tục bảo đảm an toàn dịch bệnh. Thứ 2, đề nghị tập trung cho công tác tổ chức đại hội Đảng. Thứ 3, đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư công. Thứ 4 là tập trung xây dựng quy hoạch chung của tỉnh.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh lại nhiệm vụ ngành giáo dục, bổ sung nhiệm vụ chuẩn bị kỷ niệm năm chẵn tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc với quy mô lớn để tạo điểm nhấn du lịch; tổ chức đăng cai môn thi đấu Seagame 31 (bóng bàn); nghiệm thu cuốn lịch sử tỉnh Hải Dương để phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh; tổ chức các giải thể thao trong tỉnh. Đề nghị quan tâm đến lực lượng của các trung tâm y tế dự phòng các cấp để đáp ứng nhu cầu. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại; bổ sung nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ, nhất là đối tượng phát sinh mới...
HOÀNG BIÊN - THÀNH CHUNG