Trong những cánh quân kéo về giải phóng Sài Gòn tháng 4.1975 có nhiều người con Hải Dương.
Ông Đỗ Trọng Lợi ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) đã cùng đồng đội đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Đỗ Trọng Lợi cùng các đồng đội phất cờ chiến thắng trên nóc Đài chỉ huy của ngụy tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu
Trận đánh ác liệt
Năm 1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Đỗ Trọng Lợi lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 42 (Quân khu Tả Ngạn, sau này là Quân khu 3). Sau thời gian huấn luyện, tháng 11.1971, ông Lợi cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu. Từ tháng 2.1972 - 3.1975, ông cùng đơn vị (được thay đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24) tham gia chiến đấu trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Sau khi giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, đại đội của ông Lợi cùng các đơn vị trong Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 củng cố lực lượng và hành quân bằng xe cơ giới đến miền Đông Nam Bộ. Ngày 25.4.1975, đơn vị đến vị trí tập kết ở Dầu Tiếng (Tây Ninh) an toàn và khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
5 giờ 30 ngày 29.4.1975, đội hình binh chủng hợp thành Sư đoàn 10 theo đường số 1 tiến về Sài Gòn. Trung đoàn 24 là mũi nhọn đi đầu của Sư đoàn do nữ chiến sĩ biệt động thành Nguyễn Thị Trung Kiên (cô Nhíp) dẫn đường. Trên đường tiến về sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị trong Trung đoàn 24 cùng với lực lượng xe tăng, pháo binh liên tục chiến đấu với lực lượng bộ binh, xe tăng của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, nhiều đồng đội của ông Lợi bị thương và hy sinh. Mặc dù địch điên cuồng chống trả để bảo vệ cửa ngõ phía tây Sài Gòn, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đến 21 giờ ngày 29.4.1975, các lực lượng của Trung đoàn, trong đó có Tiểu đoàn 5 đã đến vị trí tập kết đúng quy định và tiếp tục củng cố đội hình chuẩn bị cho nhiệm vụ ngày hôm sau.
5 giờ 25 sáng 30.4.1975, sau khi hỏa lực của ta dồn dập bắn phá vào các mục tiêu trong sân bay Tân Sơn Nhất, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24 được lệnh tiến về khu Lăng Cha Cả, nơi có cổng số 5 vào sân bay. Tại cổng số 5, địch bố trí hỏa lực mạnh từ các nhà cao tầng để bảo vệ khu Bộ Tổng tham mưu ngụy, có cả hỏa tiễn chống tăng X202 đặt trên xe và trên tháp nước. Đại đội 7 được giao nhiệm vụ đánh mũi đột phá của Tiểu đoàn 5 nhưng bị chặn lại. Sau nhiều lần đột phá không thành, chỉ huy Trung đoàn 24 đã điều thêm xe tăng và pháo chi viện cho Đại đội 5 của ông Lợi tiếp tục đột phá. Khi xe kéo pháo 85 ly của ta vừa tiến vào vị trí triển khai thì bị địch bắn trúng làm cháy xe, đạn nổ, súng hỏng, các pháo thủ bị thương vong. Trước tình hình đó, chỉ huy Tiểu đoàn 5 tiếp tục bố trí lực lượng chi viện cho Đại đội 5 tấn công. "Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra hết sức quyết liệt, nhiều đồng đội của tôi chiến đấu vô cùng quả cảm", ông Lợi bồi hồi nhớ về những giây phút cam go của trận chiến.
Ba chiếc xe tăng đi cùng Đại đội 7 bị địch bắn hỏng, nhưng các chiến sĩ của ta vẫn kiên cường bám xe, sử dụng súng 12 ly 7 và đại liên trên xe đánh địch, chi viện cho bộ binh. Lúc đó, Đại đội trưởng, Đại đội phó cùng nhiều pháo thủ, chiến sĩ bị thương phải lùi về phía sau. Ông Lợi khi đó là Chính trị viên Đại đội cùng với Chính trị viên phó Phạm Văn Đậu (quê ở xã Cẩm Chế, Thanh Hà) đã xốc lại đội hình, trực tiếp chỉ huy đơn vị đột phá đánh chiếm khu truyền tin, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 không quân ngụy, chia cắt địch ở sân bay với Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đến 10 giờ 30, Đại đội 5 làm chủ được mục tiêu, bắt được 57 tù binh, trong đó có 3 đại tá là chỉ huy trưởng khu truyền tin, sĩ quan tâm lý chiến và Sư đoàn phó Sư đoàn 5 không quân. Cùng thời gian này, các đơn vị bạn của trung đoàn đã đánh chiếm các mục tiêu trong sân bay Tân Sơn Nhất và bắt liên lạc với phái đoàn quân sự của ta ở Trại Davis.
Sống, chiến đấu thay đồng đội
Đúng 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, đơn vị bạn trong Trung đoàn đã kéo lá cờ "Quyết thắng" lên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên phải tới 14 giờ ngày 30.4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng.
Đã hơn 40 năm, nhưng mỗi năm đến dịp tháng tư, cảm xúc về ngày chiến thắng lại ùa về trong tâm trí người Chính trị viên Đại đội năm xưa. "Khi lá cờ của ta tung bay trên các cứ điểm của địch, chúng tôi người khóc, người cười nhưng tựu trung lại vẫn là niềm hạnh phúc vô bờ bến bởi ước mơ thống nhất hai miền Nam - Bắc đã thành hiện thực", ông Lợi nói. Để có những giây phút hạnh phúc ấy, biết bao đồng đội của ông Lợi đã ngã xuống. "Chứng kiến cảnh đồng đội người hy sinh, người bị thương vẫn kiên cường bám trụ để chiến đấu, anh em tôi càng quyết tâm xông lên để tiêu diệt kẻ địch, chiến đấu thêm cả phần của những đồng đội đã ngã xuống", ông Lợi xúc động nhớ lại.
Trên 30 năm công tác trong quân đội, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, rồi chiến đấu giúp nước bạn Campuchia, chứng kiến những hy sinh của đồng đội, hơn ai hết, ông Lợi hiểu được để có những ngày tháng tự do, hạnh phúc, cả dân tộc đã phải đổi bằng máu cùng sự hy sinh, gian khổ. Khi trở về cuộc sống đời thường, ông lại âm thầm đóng góp sức mình để xây dựng quê hương, sống trọn vẹn thay cả phần những đồng đội đã hy sinh. Sau khi rời quân ngũ, năm 2006, ông Đỗ Trọng Lợi tham gia công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện, rồi Hội Cựu chiến binh tỉnh, tiếp tục vận động đồng đội năm xưa phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Hiện nay, ông Lợi là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.
THANH HOA