Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP Chí Linh) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Việt Cường (sinh năm 1983) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vụ án thêm một lần nữa là bài học cảnh tỉnh cho người bị hại khi tiến hành các thủ tục vay vốn ngân hàng; công tác quản lý cán bộ của các ngân hàng.
Lê Việt Cường sinh ra trong một gia đình nền nếp, được bố, mẹ cho ăn học đến nơi, đến chốn. Sau khi ra trường, Cường cũng về công tác tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương rồi lấy vợ cũng là một cán bộ ngân hàng. Cuộc sống của Cường sẽ bình lặng trôi đi nếu anh ta biết an phận thủ thường làm một nhân viên mẫn cán.
Bi kịch của Cường bắt đầu từ năm 2013, khi anh ta được giao nhiệm vụ là nhân viên tín dụng, tiếp cận khách hàng, thẩm định cho vay, giải ngân và thu nợ. Trong khoảng thời gian đó, do cần tiền tiêu xài, Cường đã làm hồ sơ vay vốn cho hai khách hàng nhưng đã chiếm đoạt, không giao tiền cho người vay. Trường hợp đầu tiên là anh Nguyễn Văn Chua (trú tại Chí Linh).
Khoảng giữa năm 2013, anh Chua nhờ Cường làm hồ sơ vay hộ 200 triệu đồng để mua ruộng và buôn bán. Khi đó, Cường nói với anh Chua rằng phải làm hồ sơ dự án chăn nuôi thì mới được vay vốn và đặt vấn đề để Cường làm hộ toàn bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng; tài sản thế chấp là đất và nhà mang tên vợ chồng anh Chua. Lúc đó, Cường đã hướng dẫn vợ chồng anh Chua làm giấy đề nghị kiểm tra phương án vay vốn…
Vì không biết đọc, biết viết, chỉ biết ký tên của mình và tin tưởng Cường là cán bộ ngân hàng nên anh Chua đã ký hết vào các thủ tục giấy tờ vay vốn. Để hoàn thiện thủ tục, Cường đã tự ghi nội dung vào giấy lĩnh tiền vay... đã có chữ ký của anh Chua để hoàn thiện bộ hồ sơ vay vốn.
Sau khi được thẩm định, ngày 25.11.2013, Cường đã rút tiền mặt trong quỹ và sử dụng cá nhân, không đưa cho anh Chua. Khi anh Chua gọi điện thoại cho đòi tiền thì Cường nói dối rằng ngân hàng chưa giải ngân. Sau đó, để tránh bị ngân hàng phát hiện, vào ngày 31.5.2014, đối tượng đã nộp gần 12 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay đứng tên anh Chua. Khoảng tháng 9.2014, anh Chua đến ngân hàng thì mới phát hiện sự việc trên. Để khắc phục thiệt hại, mẹ đẻ của Cường đã nộp lại số tiền trên.
Không dừng lại ở đó, để chiếm đoạt tài sản của người bị hại, đối tượng còn giả chữ ký của người vay vốn để lấy tiền. Nạn nhân trong vụ án này là anh Nguyễn Đình Hưởng (sinh năm 1982, trú tại Thái Học, Chí Linh).
Vào đầu năm 2014, anh Hưởng nhờ Cường vay khoảng 500 triệu đồng; tài sản thế chấp là đất và nhà mang tên bố và mẹ của anh Hưởng. Cường cũng hướng dẫn anh Hưởng làm các thủ tục vay tiền và đưa cho anh Hưởng ký khống vào một số giấy tờ chưa có nội dung để làm thủ tục vay số tiền 1,2 tỷ đồng...
Anh Hưởng tin nên ký trước vào nội dung đề nghị kiêm phương án vay vốn. Với bộ giấy tờ này, Cường đã ghi nội dung rồi tự ký giả tên của anh Hưởng vào cột người vay để làm thủ tục vay vốn. Khi có số tiền trên, Cường đã chuyển vào tài khoản của bạn ở Sao Đỏ, Chí Linh và rút ra sử dụng hết.
Đầu tháng 5.2014, anh Hưởng hỏi nhiều lần thì Cường đã lấy tiền cá nhân ra đưa cho anh Hưởng vay là 550 triệu đồng. Sự việc sau đó đã bị ngân hàng phát hiện.
Với hành vi phạm tội trên, đối tượng đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh xử phạt 17 năm tù giam.
Trong thời gian Cường thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến, Công an TP Chí Linh tiếp tục nhận được đơn trình báo của gia đình chị Vũ Thị H. và chồng là Lê Đức Th. (trú tại tỉnh Hải Dương) tố cáo Cường.
Quá trình điều tra, căn cứ vào các tài liệu thu thập được, đến ngày 22.11, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh đã làm rõ thêm hành vi phạm tội của đối tượng này.
Khoảng 6 năm trước, do cần tiền làm ăn, chị H. cùng chồng đã nhờ Cường làm thủ tục vay vốn ngân hàng; tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mẹ đẻ chị H. là bà Hà Thị Q.). Sau đó, Cường đưa cho họ 400 triệu đồng. Toàn bộ quá trình làm thủ tục vay và nhận tiền diễn ra tại nhà chị H., do chủ quan, họ cũng không biết Cường đã giải ngân bao nhiêu tiền.
Sau đó khoảng nửa năm (ngày 14.1.2014), chị H. và bà Q. đến ngân hàng tại Phả Lại để trả số tiền gốc là 200 triệu đồng. Khi gặp Cường tại quầy giao dịch, chị H. đưa số tiền gốc trên cho Cường. Chị H. và gia đình tin tưởng rằng Cường đã trả số tiền trên, cho đến khi Cường nghỉ việc vào khoảng tháng 8.2014. Bị hại sau đó đã làm đơn trình báo sự việc đến Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hải Dương).
Trong quá trình điều tra, Công an TP Chí Linh xác định do túng tiền trả nợ nên ngay từ khi nhận hồ sơ vay vốn của vợ chồng chị H. và anh Th., Cường đã nảy ý định thực hiện hành vi phạm tội. Cường làm thủ tục vay vốn cho các nạn nhân với hạn mức 500 triệu đồng. Sau khi giải ngân, đối tượng chỉ đưa cho họ 400 triệu đồng. Việc này Cường giấu nhẹm nên các nạn nhân không biết. Khi sự việc bị phát hiện, Cường khai rằng đã hỏi vay anh Th. để chi tiêu nhưng anh Th. không thừa nhận việc này.
Sau khi thu 200 triệu đồng của chị H. và mẹ mang đến để trả nợ, Cường đã đưa cho chị H. 2 tờ giấy là bản kê các loại tiền nộp và giấy nộp tiền để nạn nhân ký vào đó. Trên giấy tờ trên, Cường viết nội dung thể hiện việc chị H. đã nộp tiền, ký và đóng dấu đã thu tiền vào hai tờ giấy trên rồi đưa cho chị H..
Tuy nhiên, Cường đã không hạch toán số tiền chị H. trả nợ trên hệ thống nên chưa trả được nợ. Mục đích của Cường không hạch toán số tiền trên là để chiếm đoạt 200 triệu đồng của chị H., sự việc này chị H. và gia đình cũng không biết. Đến khi Cường gần nghỉ việc (khoảng tháng 8.2014) thì chị H. mới biết Cường không nộp số tiền vào ngân hàng mà đã chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân.
Theo báo Công an nhân dân