Cái chết của nhà khoa học hạt nhân Iran, ông Mohsen Fakhrizadeh, có thể là đòn chí tử cho thỏa thuận hạt nhân Iran.
Với việc ông Joe Biden đang ngày càng tiến gần Nhà Trắng, nhiều người hy vọng chính sách đối ngoại của ông sẽ hữu ích cho các nỗ lực hòa giải quốc tế, trong đó có việc đưa nước Mỹ trở lại cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - tức thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, thông tin việc ông Fakhrizadeh bị sát hại hôm 27.11 đang khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Thời điểm nhạy cảm
Trong mắt giới tình báo phương Tây, ông Fakhrizadeh là nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực hạt nhân Iran, thậm chí là người đứng sau chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của nước này.
Sự chú ý vì vậy đang dồn vào Israel - quốc gia đối thủ của Iran trong khu vực Trung Đông và chừng một thập kỷ nay cũng dính cáo buộc đứng sau các vụ ám sát nhà khoa học Iran.
Giới lãnh đạo Iran thực tế đã công khai đổ lỗi cho Israel về cái chết của ông Fakhrizadeh.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif lên Twitter viết: "Khủng bố đã giết một nhà khoa học lỗi lạc của Iran hôm nay. Hành động hèn hạ này chứa những dấu hiệu nghiêm trọng về vai trò của Israel, cho thấy sự khát máu tuyệt vọng của những kẻ thủ ác".
Trong khi đó, Reuters cho biết Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi cũng đã gửi một lá thư cho Tổng Thư ký và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Antonio Guterres, tố cáo "những dấu hiệu nghiêm trọng về vai trò của Israel" trong vụ này.
Israel tính tới ngày 28.11 vẫn từ chối bình luận về vụ việc, nhưng hiện nay các tin đồn đều đang hướng vào nước này vì nhiều chi tiết đang chống lại Israel.
Ví dụ, trong một thuyết trình về chương trình hạt nhân Iran vào tháng 4.2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đề cập cụ thể tới cái tên "Fakhrizadeh", trong khi ông này được xem là một nhà khoa học kín tiếng, hầu như chưa bao giờ xuất hiện và được đề cập nhiều.
Trước khi ông Fakhrizadeh bị ám sát, có tin từ truyền thông Mỹ nói quân đội Israel "đang chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công Iran".
Nhiều suy đoán đã rộ lên trước đó rằng ông Trump có thể tấn công Iran trong vòng 50 ngày còn lại trước lúc ông có khả năng rời Nhà Trắng do thua ông Biden trong cuộc bầu cử 2020.
Báo Đức DW ngoài ra còn dẫn lời một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Quincy Institute for Responsible Statecraft khẳng định nếu Iran trả đũa lần này, đây sẽ là "tình huống đôi bên cùng có lợi" cho Israel bởi Thủ tướng Netanyahu lâu nay đang chờ một cái cớ để đấu với Iran.
Những vụ ám sát, mất tích bí ẩn ở Iran - Tổng hợp:: H.D.L - Đồ họa: Tuấn Anh
Tin xấu cho thỏa thuận hạt nhân
Vụ ám sát ông Fakhrizadeh xảy ra trong một giai đoạn nhạy cảm và khiến các nước hầu như lúng túng, chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về chuyện này trong 48 tiếng sau khi truyền thông nhà nước Iran công bố thông tin.
Cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan trên Twitter cảnh báo vụ Fakhrizadeh có thể tạo ra một vấn đề rộng lớn cho Trung Đông, vì hành động "tội ác và liều lĩnh cao" này đang có nguy cơ dẫn tới trả đũa chết người.
Trong khi đó, bà Ellie Geranmayeh của Hội đồng Quan hệ quốc tế châu Âu thì khẳng định "đối tượng phía sau vụ giết người này không phải cản trở chương trình hạt nhân Iran mà là tấn công vào hoạt động ngoại giao".
Bà Geranmayeh cũng cho rằng vụ việc đang có khả năng làm phức tạp hóa những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống đắc cử Biden.
Nhiều người kỳ vọng ông Biden, với chính sách chú trọng đa phương, sẽ "cứu" thỏa thuận hạt nhân Iran, đặc biệt khi đây là thành quả từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama - "cạ cứng" của ông Biden.
Nhưng màn ám sát lần này sẽ khiến lãnh đạo Iran nóng mặt và khó có thể thương thuyết, trừ phi Mỹ phải nhượng bộ thật đáng kể. Hiện nay, Iran vốn dĩ còn chưa trả thù sau khi Mỹ không kích giết tướng Qassem Soleimani của Iran tại Baghdad năm ngoái.
Thêm vào đó, hiện nay trong giới lãnh đạo Iran còn nhiều nhân vật vốn dĩ đã không thích thỏa thuận hạt nhân nêu trên, đơn cử là lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Đây là lúc Giáo chủ Ali Khamenei có thêm lý do để không cam kết với người Mỹ.
Ngoài ra, CNBC dẫn lời chuyên gia phân tích rằng chính quyền Iran có lý do để không tin rằng ông Biden không thể là sự bảo đảm cho tiến trình hạt nhân Iran vì lo ngại ông Trump hoặc một nhân vật tương tự ông Trump có thể trở lại vào năm 2024.
Amir Handjani, nhà nghiên cứu của Quincy Institute, phân tích quan điểm của Tehran: "Dù họ có làm gì với Joe Biden thì Tổng thống tiếp theo cũng có thể tới và đảo ngược, vậy thì làm thế nào họ cam kết?".
Theo Tuổi trẻ