Triển lãm mỹ thuật các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng lần thứ 22 đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm tỉnh.
Tham gia triển lãm lần này có 9 tỉnh, thành phố trong khu vực và 3 tỉnh ngoài khu vực. Hội đồng nghệ thuật đã chọn 205 tác phẩm của 204 tác giả để trưng bày tại triển lãm, là các tác phẩm mới nhất của các tác giả sáng tác từ tháng 6 năm trước đến tháng 6 năm nay. Các tác phẩm, tác giả đều được lựa chọn kỹ càng, là những đại diện cho nền mỹ thuật đương đại của khu vực.
Triển lãm là một sự kiện văn hóa lớn và được mở cửa hoàn toàn miễn phí. Nhưng cũng giống như ở nhiều cuộc triển lãm khác, ngoài ngày đầu tiên tưng bừng, tấp nập, những ngày sau đó khung cảnh khá đìu hiu. Không có nhiều người dân, có thể nói là rất hiếm hoi những người không hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật quan tâm đến triển lãm. Liệu sự thờ ơ với mỹ thuật đó có hoàn toàn vô hại với đời sống hay không?
Mỹ thuật là môn nghệ thuật có tính ứng dụng cao, thể hiện trong nhiều mặt của đời sống. Sự thiếu hiểu biết, không có nhu cầu thưởng thức loại hình nghệ thuật này là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc thiếu con mắt thẩm mỹ. Những căn nhà mặt phố muôn hình muôn vẻ mà chẳng thống nhất và đẹp mắt chút nào dù nhà nào cũng cố gắng tạo cho mình bộ mặt tân kỳ nhất ở thời điểm xây dựng. Những thanh niên chạy theo các trào lưu thời trang mà nhiều khi không phù hợp với hình thể bản thân, văn hóa dân tộc… Những hình ảnh đó nhìn qua thì không có điểm tương đồng nhưng về sâu xa, đó đều là hệ quả của việc thiếu nền tảng nhất định về thẩm mỹ. Trong sản xuất, kinh doanh, sự thiếu hụt kiến thức thẩm mỹ cũng có nhiều ảnh hưởng. Những sản phẩm ít cải tiến mẫu mã, vẻ ngoài không bắt mắt nên dù chất lượng tốt cũng không hấp dẫn được người mua lâu dài. Chính vì yếu tố này mà có nhiều ngành sản xuất của chúng ta đã có thời hoàng kim nay dần mai một, khó cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài thay đổi mẫu mã liên tục theo từng đợt sản xuất.
Sự thiếu hụt nhu cầu thưởng thức tác phẩm mỹ thuật, thiếu hụt nền tảng kiến thức thẩm mỹ xuất phát trước tiên từ khoảng trống trong chương trình giáo dục phổ thông. Bộ môn mỹ thuật giảng dạy trong trường học thiên về hướng dẫn một số kỹ thuật tạo hình, những kiến thức về lịch sử mỹ thuật, các nguyên tắc cơ bản của mỹ thuật, tham khảo các tác phẩm mỹ thuật kinh điển của các trường phái... còn hạn chế. Tâm lý chung về dạy mỹ thuật trong trường học chỉ là dạy vẽ cho học sinh, trong khi đây không phải kiến thức quan trọng nhất, mục tiêu của môn mỹ thuật phải là xây dựng nền tảng kiến thức thẩm mỹ để học sinh có con mắt biết nhìn cái đẹp. Từ đó, sẽ ứng dụng được một cách tự nhiên nhất vào đời sống và qua đó, sẽ nảy sinh nhu cầu thưởng thức tác phẩm nghệ thuật.
Một rào cản nữa dẫn tới sự thiếu hụt này là tâm lý chung tồn tại phổ biến trong xã hội ta hiện nay coi mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật khác giống như một thứ vô bổ, không liên quan tới sản xuất, kinh tế, không nhìn thấy mối liên hệ ngầm có tác dụng thúc đẩy nhau từ nội tại. Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ một cách hiệu quả.
Một xã hội thực sự phát triển chỉ khi các giá trị tinh thần, nghệ thuật được thấu hiểu, coi trọng và nâng niu. Để hướng tới mục tiêu đó, chúng ta cần có những sự điều chỉnh lâu dài về chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng bộ môn mỹ thuật với nhiệm vụ chính là cung cấp cho học sinh kiến thức nền tảng để các em có khả năng cảm nhận những giá trị chân, thiện, mỹ trong tác phẩm mỹ thuật, cũng như trong đời sống hằng ngày. Nhà nước cần xây dựng thêm những chương trình, cơ chế hỗ trợ cho các bộ môn mỹ thuật phát triển, xây dựng các chiến lược truyền thông phù hợp để thay đổi tâm lý cũng như nâng cao khả năng, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân. Bản thân các nghệ sĩ cũng cần có ý thức sáng tạo các tác phẩm gần gũi với nhu cầu, hiểu biết của quần chúng để từ đó góp phần đưa những nhu cầu, hiểu biết đó lên những tầm cao hơn.
LAM ANH