Bên cạnh giáo dục đại trà, bồi dưỡng học sinh giỏi để tạo mũi nhọn cho chất lượng giáo dục là nhiệm vụ được nhiều trường quan tâm.
Những giải thưởng của học sinh có sự đóng góp công sức rất lớn của giáo viên
Đằng sau mỗi giải thưởng là sự nỗ lực, đầu tư về thời gian và tâm sức của nhiều người.
Chiến lược lâu dàiTrường THPT chuyên Nguyễn Trãi có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, khơi nguồn, bồi dưỡng học sinh giỏi, phục vụ chiến lược đào tạo nhân tài cho địa phương và đất nước. Giành giải trong các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia và quốc tế là mục tiêu hướng tới nên việc phát hiện để bồi dưỡng học sinh có tố chất tham dự các cuộc thi này được giáo viên chú ý ngay khi học sinh bắt đầu vào lớp 10.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Vân có kinh nghiệm hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn văn đạt thành tích cao cho biết: “Đi thi học sinh giỏi quốc gia chỉ là bước cuối cùng. Trước đó, ngay từ năm lớp 10, giáo viên đã phải rèn các em nền nếp học tập, vừa phải nắm vững nền tảng cơ bản vừa làm quen với những kiến thức chuyên sâu hơn. Những học sinh có tố chất vượt trội hơn cần được bồi dưỡng theo cách khác để các em phát huy năng lực”. Không chỉ chủ động mời thêm thầy giỏi ở những nơi khác hướng dẫn đội tuyển, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi còn tăng cường mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng kỹ năng thực hành cho học sinh - đây là phần mà trước kia học sinh thường mất điểm khi tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Nhờ có sự đầu tư lâu dài và bài bản nên kết quả thi học sinh giỏi quốc gia của trường luôn xếp trong tốp đầu toàn quốc. Năm học 2014-2015, 84,4% số học sinh dự thi đã đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc 30%.
Tuy không phải trường chuyên song nhiều trường trong tỉnh cũng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Để đạt thành tích cao, các trường này cũng đều phải có kế hoạch phát hiện, đào tạo các em trong thời gian dài. Nhờ có chiến lược bồi dưỡng học sinh giỏi đúng đắn mà những năm gần đây Trường THPT Kinh Môn II đạt được những thành tích đáng kể trong các kỳ thi cấp tỉnh. Năm học 2013-2014, đội tuyển văn lớp 10 của trường xếp thứ nhất toàn tỉnh. Năm học 2014-2015, đội tuyển môn hóa lớp 10 xếp thứ nhì toàn tỉnh, kết quả thi học sinh giỏi lớp 10 xếp thứ 5 toàn tỉnh.
Để nâng cao chất lượng học sinh, các trường không chỉ đầu tư trực tiếp cho các em mà còn thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng lực giáo viên.
Thầy và trò cùng nỗ lựcNguyễn Thị Ngọc Mai (học sinh lớp 12 địa lý, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi) đoạt giải nhất môn địa lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học này cho biết, để có được thành tích trên, em đã học bằng sự say mê với hướng dẫn tận tình của cô giáo phụ trách đội tuyển Đặng Thị Nghiệp. Những buổi học đội tuyển được tổ chức ngoài giờ học chính khóa song không học sinh nào cảm thấy mỏi mệt, bởi cả cô và trò bị cuốn vào các bài tập, đề thi, thảo luận. Cô Nghiệp đã truyền ngọn lửa đam mê môn địa lý cho học sinh, khiến các em nỗ lực tự tìm tòi, học hỏi để bồi đắp kiến thức cho mình. Nhờ vậy, đội tuyển địa lý đoạt thành tích cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc năm học 2014-2015 với 2 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba.
Các kỳ thi học sinh giỏi không chỉ mang lại thành tích mà còn giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà
Có thể nói, đằng sau bất cứ giải thưởng nào của học sinh cũng có sự nỗ lực chung của cả thầy và trò. Những học sinh có tố chất tốt mới chỉ giống những viên ngọc thô, cần có sự rèn giũa mới có thể tỏa sáng. Quá trình rèn giũa học sinh giỏi có những điểm khác biệt với học sinh đại trà. Giáo viên phải khơi gợi cảm hứng, đồng thời hướng dẫn các em con đường đi, chứ không phải truyền thụ kiến thức một cách thụ động.
Cô giáo Nguyễn Thị Hài (Trường THPT Nam Sách) nhiều năm dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi môn sinh học đoạt thành tích cao cho biết: “Học sinh đi thi đoạt giải cao là những em vừa có năng lực lại phải vừa yêu thích môn học và muốn khẳng định mình. Tôi thường khích lệ các em bằng nhiều cách như chia sẻ những suy nghĩ của mình một cách nhẹ nhàng, tổ chức giao lưu với học sinh những khóa trước đã đoạt giải cao. Theo tôi, để đạt kết quả tốt nhất, giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn phải giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em, từ đó tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy và trò. Khi ấy, các em sẽ tự giác học một cách hiệu quả”.
LAM ANH