Đầu xuân mới, mỗi người hãy tâm an, hướng thiện và không rơi vào bẫy mê tín, dị đoan bởi giáo lý nhà Phật không có dâng sao giải hạn mà chỉ có nghi lễ cầu an.
Mỗi năm, ngay sau Tết Nguyên đán, nhất là dịp rằm tháng giêng, nhiều người lại đôn đáo đến các đền, chùa làm lễ dâng sao, giải hạn. Nhiều người bỏ số tiền không nhỏ cho việc này với mong muốn tiễn sao xấu đi, nghênh đón sao tốt để có một năm mạnh khỏe, bình an, may mắn.
Dâng sao có giải được hạn? Lý giải cho câu hỏi này có lần tôi đã được nghe Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương chia sẻ rằng giáo lý nhà Phật không dâng sao giải hạn mà chỉ có nghi lễ cầu an.
Theo nhiều tài liệu, tục dâng sao giải hạn có nguồn gốc Trung Quốc. Xuất phát từ quan niệm mỗi năm, con người sẽ ứng với một sao chủ trong 9 ngôi sao cửu diệu. Cuộc đời con người phải trải qua các sao Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Trong đó, các sao: Thái Dương, Thái Âm được coi là những sao tốt, còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu nên nếu ai bị những ngôi sao đó chiếu mệnh thì sẽ làm hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh con người.
Vì vậy, với mong muốn hóa giải những sao chiếu mệnh xấu, nhiều người làm lễ dâng sao giải hạn để xua đi những điều xui xẻo, tồi tệ và đón nhận may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Lễ này thường diễn ra vào dịp đầu xuân. Vào thời kỳ tam giáo đồng nguyên (thời Lý - Trần), các tập tục của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo có sự hòa hợp nên tục cúng dâng sao giải hạn trở thành một phong tục dân gian, không chỉ được tổ chức tại các đình, đền mà dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa cùng nghi thức cầu an. Nghi lễ cúng dâng sao giải hạn bản chất ban đầu mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu mong cho con người sức khỏe, bình an, hạnh phúc chứ không lôi kéo vào những điều mê tín, lo lắng, hay phải dành nhiều thời gian, tiền bạc cho lễ này.
Lễ dâng sao giải hạn bị biến tướng đã khiến người nào bị phán gặp sao xấu thì lo lắng, sẵn sàng đến đình, đền, miếu, phủ làm mọi nghi thức thông qua lễ dâng sao để hóa giải như lập đàn, cắt tiễn sao, đốt hình nhân thế mạng, đốt vàng mã... rất tốn kém, gây lãng phí. Đây là việc làm hoàn toàn trái ngược giáo lý nhà Phật. Quan điểm đạo Phật luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chỉ có chính tín chứ không lạc vào mê tín tà kiến. Đạo Phật quan niệm "gieo nhân nào gặt quả ấy" nên không thể có chuyện dùng vật chất cùng các nghi lễ tâm linh mê tín để giải trừ hạn ách và những việc làm ác chúng ta đã gây ra.
Trong công điện tối 30/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không để xảy ra mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, cúng oan gia trái chủ tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và không để xảy ra tình trạng trục lợi, phản văn hóa. Người đứng đầu Chính phủ cũng giao các Bộ Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các địa phương kêu gọi người dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định; tuyên truyền để người dân hiểu về nguồn gốc lễ hội, di tích, nhân vật được thờ phụng, tôn vinh. Từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã kiến nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cảnh tỉnh người dân, nghiêm cấm các cơ sở thờ tự tổ chức dâng sao giải hạn.
Họa hay phúc trên đường đời đều do chính mình mà ra, không phải do sao nào chiếu cả. Nếu dâng sao mà giải được hạn thì trên đời này sẽ chẳng có khổ đau, thương tích hay mất mát. "Gieo nhân nào gặt quả đó", khi tâm ta trong sáng, bình yên, nỗ lực hết mình trong cuộc sống thì ắt sẽ nhận được những thành quả xứng đáng. Đầu xuân mới, mỗi người hãy tâm an, hướng thiện và không để rơi vào bẫy mê tín, dị đoan.
DƯƠNG LAN