Tôi nhớ như in lời phê trong bài kiểm tra của các thầy cô ngày đó: ''Trình bày tốt, rất giỏi'' hoặc ''có tiến bộ, đáng khen'' hay ''cần cố gắng thêm'', dữ lắm là ''trình bày sơ sài, cần chú ý hơn''.
Sao thầy cô nào cũng muốn tụi con điểm 9, điểm 10?
Chiều hôm trước, thằng con lớp 10 đi học về trễ cả tiếng, gần 6h tối mới về tới, người nhễ nhại mồ hôi, mặt không tươi như mọi bữa.
Nó cởi áo ở trần rồi ngồi bệt xuống nền nhà, nhìn bâng quơ ra đám trầu bà đang rung rinh đón gió trước sân. Tôi đoán là có chuyện nên đi vô rót ly nước mát đưa cho cu cậu rồi ngồi xuống kế bên.
Sau khi uống ực một cái hết veo ly nước, nó đứng lên xé tờ lịch cuộn tròn lại giả như cái micrô kê vào miệng tôi "phỏng vấn":
- Dạ, cô là cô giáo, xin cô cho biết cô mong đợi gì ở tụi học trò của cô? Có phải mong "tụi tui" lúc nào cũng 9, 10 điểm môn cô không?
Tôi chưa kịp trả lời thì nó tiếp:
- Cô có biết là cô chỉ dạy một môn, còn "tụi tui" học hơn 10 môn không? Mà thầy cô ai cũng đòi phải nắm hết, thậm chí hơn những điều thầy cô giảng dạy? Có ai quan tâm tới khả năng của từng học sinh và thấu hiểu cảm giác của "tụi tui" không? Nếu "tụi tui" mà giỏi hết các môn, kiến thức gì cũng biết hết thì là giáo viên rồi chứ đâu còn là học sinh nữa, mà còn là giáo viên đại tài, cân hết mười mấy môn...
- Còn nếu là cha mẹ thì mong con cái thành thiên tài hết phải không?
Tôi trợn mắt vì ba câu "phỏng vấn" liên tục và thái độ như "đạn nổ" của nó. Hôm nay còn kêu mẹ bằng "cô" rồi xưng "tụi tui" nữa, trời ạ! Nhìn cái mặt nghiêm trọng, cái tướng ở trần rồi gương mặt mụn đang "nghinh" của chàng trai non 15 tuổi, tôi không nhịn được cười:
- Con có chuyện gì à?
Nó dòm mặt tôi một hồi, tiếng thở đều dần sau một hồi bức xúc rồi cụp mắt, buồn bã dòm xuống chân. Nó nói không phải nó mà là bạn nó hôm nay bị điểm kiểm tra dưới trung bình và nhận được lời phê "Học như vầy chỉ có nước đi ăn mày". Bạn nó rất buồn, vậy là hai đứa nó rủ nhau ra công viên ngồi… hứng gió.
Nó nói bạn đi học rất xa (phải qua một chuyến đò vì bạn ở cồn) và không học đều được các môn. Bạn buồn và thất vọng rất nhiều (chắc phần lớn là thất vọng chính bản thân mình). Bạn nói với nó là thấy bế tắc, hay là nghỉ học…
Nó không biết làm gì để an ủi bạn, chỉ kêu bạn cố lên, ngồi một hồi trời tối rồi hai đứa ra về, nó đi chỉ một cây số rưỡi còn bạn hơn mười cây số, nó nói có khi nào sau chuyện này bạn trở nên trầm cảm?
Tôi choàng tay qua vai nó, kiểu của hai thằng bạn. Tôi nói là tôi luôn hiểu nó, dù ở vai trò là cô (tôi là giáo viên) hay là cha mẹ. Với người bạn kia cũng vậy, hãy luôn khỏe mạnh, tin tưởng vào bản thân và tin vào cuộc sống này. Hãy luôn hướng về phía trước. Đừng vì một lời nói thiếu tính xây dựng mà hao mòn ý chí khi chưa kịp khám phá ra khả năng thật sự của chính mình.
"Ai dạy cẩu thả vậy?"
Nhớ hồi tôi đi học, loại trung bình là ô kê lắm rồi, loại khá và giỏi đếm trên đầu ngón tay. Tôi nhớ như in lời phê trong bài kiểm tra của các thầy cô ngày đó "trình bày tốt, rất giỏi" hoặc "có tiến bộ, đáng khen" hay "cần cố gắng thêm", dữ lắm là "trình bày sơ sài, cần chú ý hơn".
Mỗi lần đọc những lời phê đó, chúng tôi không bao giờ mặc cảm mà còn thấy trong lòng phấn khởi lạ thường, như có nguồn năng lượng đẩy mình về phía trước.
Nhớ hồi tiểu học, lớp tôi có bạn Bình, bạn ấy học yếu nhưng đặc biệc rất khéo tay, giờ thủ công luôn được cô chủ nhiệm khen vì nắn con trâu hay gọt đẽo các đồ dùng từ gốc cây rất khéo. Sau này dù không học hết lớp 12 nhưng nhờ siêng năng và luôn học hỏi nên Bình đã trở thành chủ một cơ sở thủ công mỹ nghệ rất nổi tiếng ở xã tôi.
Còn tôi, hồi cấp ba thầy dạy toán thường dòm tôi rồi cười nói "T viết chữ tốt quá, sau này em hãy làm cô giáo để viết chữ cho học sinh coi", không ngờ thầy nói chơi vậy mà tôi thành cô giáo thật...
Mấy tuần trước, khi phát bài kiểm tra tập trung, một em học sinh lớp tôi chạy lên đưa cho tôi coi lời phê trong bài của em "Ai dạy cẩu thả vậy?" (tôi là giáo viên dạy lớp nhưng bài kiểm tra tập trung thì do giáo viên khác chấm). Em nói em rất buồn, em xin lỗi tôi rất nhiều, nói là do em học bài không kỹ, trình bày không tốt mà tôi bị mang tiếng là người "dạy cẩu thả"…
Tôi cười nói em đừng để ý, dù sao đi nữa thì tôi vẫn chấp nhận các em, như chấp nhận một điều rất đỗi bình thường về sự không hoàn chỉnh của một con người (làm sao hoàn chỉnh trăm phần trăm được?) miễn là các em luôn cố gắng. Tôi cũng không tìm người đồng nghiệp kia để hỏi vì sao lại có lời phê như vậy?
Có câu chuyện kể rằng có một người kia hằng ngày mang hai chiếc bình đi lấy nước. Chiếc bình bên phải thì nguyên vẹn còn chiếc bình bên trái thì chẳng may bị mẻ nên nước bị nhễu bớt ra ngoài. Kết quả là ngày nào ông đi lấy nước về, lu nước bên phải cũng đầy trước còn lu bên trái do chiếc bình bị mẻ mà chưa đầy được.
Lúc đó cái bình nguyên luôn dòm cái bình mẻ một cách không thiện cảm rồi trách móc "mày đúng là vô dụng, tại mày mà cái lu bên đó chưa đầy, ông chủ phải đi gánh nữa", cái bình mẻ nghe vậy vô cùng buồn bã.
Một thời gian sau, một điều kỳ diệu đã xảy ra là con đường phía bên cái bình mẻ do có nước nhễu ra mà mọc lên nhiều hoa cỏ và trổ bông rất đẹp, kéo theo nhiều ong bướm ghé chơi, cái bình mẻ đã vui lên và thấy mình còn có ích…
Thiết nghĩ, ở bất cứ môi trường nào hay hoàn cảnh nào, một lời nói mang tính "sát thương cao" có thể vô tình làm thui chột đi một phần nào ý chí của con người. Còn một lời động viên, thấu hiểu, chân tình... có khi giúp người ta mở ra một chân trời phía trước…
Vậy vì sao ta không tặng cho nhau những lời động viên đúng lúc?
Theo Tuổi trẻ