Đăng ký nguyện vọng đại học, đừng chỉ căn cứ vào điểm số

23/07/2023 08:27

Theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 sẽ được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần đến 17 giờ ngày 30.7.

Thực tế có nhiều thí sinh thường căn cứ vào điểm số - tức là thấy mức điểm của mình phù hợp với khoảng trường nào, ngành nào thì sẽ đăng ký, trong khi bản thân lại không tìm hiểu kỹ các ngành, các trường đó, đến khi vào học thực tế lại thấy không phù hợp.

Dự báo về mức điểm chuẩn đại học năm nay, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa nhận định, dự vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, có thể thấy không có sự biến động quá nhiều so với năm 2022. Năm nay, các trường có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, điểm thi tốt nghiệp THPT là một trong những phương thức đó. Nếu căn cứ quá nhiều vào phổ điểm, song số lượng chỉ tiêu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khác nhau giữa các trường, ngành thì chưa chắc phổ điểm đã ảnh hưởng lớn tới điểm chuẩn.

Dự báo mức điểm chuẩn các khối thi cũng sẽ có biến động so với năm 2022, song sự thay đổi này không nhiều. (Ảnh minh họa)

"Điểm chuẩn sẽ có sự thay đổi, nhưng quan trọng là thí sinh cần nắm vững thông tin về các trường, ngành mình dự định xét tuyển; điểm chuẩn của những năm gần đây để làm cơ sở xem xét. Đồng thời, các em cũng cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh, số lượng chỉ tiêu của mỗi trường, ngành năm 2023. Căn cứ vào số liệu các năm trước, đề án tuyển sinh, phổ điểm,… thí sinh có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với mình", PGS.TS Nguyễn Phú Khánh lưu ý.

Còn theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa học tại Hà Nội, phổ điểm năm nay cơ bản có sự ổn định so với năm 2022, tất nhiên vẫn có tăng giảm nhất định ở một số khối thi.

Cụ thể phổ điểm khối A có phần giảm hơn một chút so với năm 2022. Hay khối C, A1 cũng có sự giảm nhẹ, trong khi đó khối B tăng nhẹ, khối D giữ tương đối ổn định. Sự tăng giảm này không quá nhiều.

Cũng theo thầy Vũ Khắc Ngọc, trong 2 năm trở lại đây, phương thức tuyển sinh của các trường đại học đa dạng hơn rất nhiều, vì vậy thông tin từ phổ điểm chỉ mang tính tham khảo. Còn điểm chuẩn của các ngành tăng hay giảm có rất nhiều điều khác chi phối. 

Với năm 2023, việc tăng giảm điểm chuẩn còn phụ thuộc vào các tiêu chí khác như tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT so với năm trước có bị điều chỉnh hay không. Nếu % chỉ tiêu này giảm nhiều thì điểm chuẩn cũng có thể tăng lên, % chỉ tiêu rộng ra thì có thể điểm chuẩn sẽ giảm. Ngoài ra, có thể phổ điểm khối A hơi giảm, khối D giữ nguyên, nhưng có những trường mức điểm chuẩn lại áp dụng chung cho tất cả khối thi trong cùng một mã ngành, vậy nên khi trung hoà các khối thi với nhau cũng không có sự điều chỉnh lớn.

Đặc biệt năm nay, việc cộng điểm ưu tiên từ mốc 22,5 điểm sẽ bị giảm dần tuyến tính, nên những ngành học điểm chuẩn năm trước càng cao thì ảnh hưởng do sự giảm điểm ưu tiên theo đối tượng - khu vực càng nhiều. Vì vậy, nhìn trên phổ điểm cảm giác điểm chuẩn sẽ tăng, nhưng thực tế có thể lại giảm. 

"Điều quan trọng nhất các em cần nắm bắt được là nguyên tắc để sắp xếp thứ tự nguyện vọng sao cho đảm bảo đúng nguyện vọng, nhu cầu của các em cũng như tính an toàn, chắc chắn. Còn sự tăng giảm của điểm chuẩn sẽ hơi khó để đánh giá một cách chi tiết. Từng ngành, từng trường có câu chuyện riêng và thí sinh không nên quá phụ thuộc vào phổ điểm", thầy Vũ Khắc Ngọc nói.

Lưu ý thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, điều quan trọng trước tiên là thí sinh cần chọn được nhóm ngành phù hợp với năng lực. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Thực tế có nhiều thí sinh thường căn cứ vào điểm số - tức là thấy mức điểm của mình phù hợp với khoảng trường nào, ngành nào thì sẽ đăng ký, trong khi bản thân lại không tìm hiểu kỹ các ngành, các trường đó, đến khi vào học thực tế lại thấy không phù hợp.

"Các em không nên chỉ căn cứ vào điểm số mà cần căn cứ thêm vào các yếu tố khác. Những yếu tố này phải xuất phát từ bản thân, các em cần hiểu, khi lựa chọn một ngành nghề, một môi trường để theo học thì hoàn toàn là chọn cho mình, bởi vì chính em sẽ là người đi học và thậm chí sau khi ra trường sẽ còn làm, còn gắn bó với công việc đó tới mấy chục năm mới nghỉ hưu. Các em cũng cần gạt bỏ những suy nghĩ cảm tính, ví dụ như thấy bạn bè nhiều người chọn ngành này nên mình cũng muốn chọn. Các em phải tìm hiểu để hiểu rõ bản thân", thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đăng ký nguyện vọng đại học, đừng chỉ căn cứ vào điểm số