Ngày 7.12 (ngày 14.11 âm lịch), Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 632 năm ngày mất của Tư đồ, Chương Tác Quốc Thượng Hầu Trần Nguyên Đán tại đền Thanh Hư, khu di tích Côn Sơn (phường Cộng Hòa, TP Chí Linh).
Lễ rước bộ được khôi phục từ năm 2006 và năm nay cử hành lại tại lễ tưởng niệm 632 năm ngày mất Tư đồ Trần Nguyên Đán
Từ sáng sớm, lễ rước bộ đã được cử hành với sự tham gia của đông đảo người dân phường Cộng Hòa, các xã Lê Lợi, Hưng Đạo; chi họ Nguyễn Trãi thuộc khu dân cư Chi Ngãi, phường Cộng Hòa. Lễ rước bộ phục dựng từ năm 2006 và được cử hành lại tại lễ dâng hương tưởng niệm năm nay. Tại lễ tưởng niệm, đại biểu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TP Chí Linh và nhân dân địa phương thành kính tham dự lễ tế, lễ dâng hương tưởng nhớ công lao, sự nghiệp của Tư đồ Trần Nguyên Đán, người gắn liền với công cuộc củng cố, xây dựng vương triều nhà Trần nửa cuối thế kỷXIV.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Tư đồ Trần Nguyên Đán
Trần Nguyên Đán sinh năm 1325 tại Thăng Long, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần, quê gốc ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là cháu 4 đời thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, cháu 5 đời vua Trần Thái Tông, là ông ngoại Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Hơn 20 năm làm quan, ông là tướng quốc 3 đời vua, có công khôi phục vương triều chính thống năm 1369 khi nhà Trần bị cướp ngôi. Bên cạnh những đóng góp to lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao, Trần Nguyên Đán còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc.
Nhân dân địa phương tổ chức lễ tế truyền thống nhân 632 ngày mất Tư đồ Trần Nguyên Đán
Khoảng năm 1374-1377, sau khi dẹp loạn khôi phục triều Trần, ổn định đất nước, Tư đồ Trần Nguyên Đán về Côn Sơn, chọn khu đất xây dựng động phủ và được vua Trần Duệ Tông về thăm, đặt tên là Thanh Hư Động. Năm 1385, khi triều Trần bắt đầu suy vi, Trần Nguyên Đán ra sức khuyên can Thượng hoàng Nghệ Tông cảnh giác về mưu đồ thoán đoạt triều chính của Hồ Quý Ly nhưng không được, ông xin về trí sĩ tại Côn Sơn, sống ẩn dật, nuôi dạy cháu ngoại là Nguyễn Trãi. Ông cho dựng đàn Tinh Đẩu trên núi Ngũ Nhạc tế thần sao Bắc Đẩu, cầu cho quốc thái, dân an và bỏ nhiều công sức mở mang chùa Tư Phúc (tức chùa Hun), cùng toàn bộ khu danh thắng Côn Sơn. Ngày 14.11.1390, ông tạ thế tại Côn Sơn.
Có công với đất nước và mở mang cảnh sắc Côn Sơn, Trần Nguyên Đán được các thế hệ sau ghi ơn, tưởng nhớ là một bậc danh nhân, hiền tài. Năm 2005, nhà nước xây dựng đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của ông. Cạnh đền thờ là dấu tích nền nhà cũ được bảo tồn nguyên trạng để giới thiệu với du khách về công trình kiến trúc cổ xưa của quan Tư đồ khi trí sĩ tại Côn Sơn.
TIẾN HUY