Từ năm 1991 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, giành nhiều kết quả trong công cuộc đổi mới.
>>> Bài 4: Vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội
>>> Bài 3: Cùng cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược
>>> Bài 2: Lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền
>>> Bài 1: Quá trình thành lập
Trước Đại hội VI của Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Giá cả thị trường không ổn định. Ngân sách bội chi. Việc củng cố và cải tạo quan hệ sản xuất còn hạn chế...
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IV đã họp để quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa V) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 1986. Hội nghị xác định quyết tâm xóa bỏ bao cấp, thi hành cơ chế một giá và phân phối theo lao động trong HTX nông nghiệp.
Tỉnh ủy tập trung sắp xếp lại bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể, xóa bỏ những tổ chức trung gian không cần thiết; sắp xếp lại lao động ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp, giảm biên chế gián tiếp ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Chỉ thị 35 ngày 18.1.1984 của Ban Bí thư Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương khuyến khích và hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình, coi kinh tế gia đình là một bộ phận hợp thành của kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Những năm gần đây, Hải Dương đã có bước tiến lớn trong phát triển đô thị. TP Hải Dương trở thành đô thị loại I, Chí Linh thành thành phố, Kinh Môn thành thị xã. Trong ảnh: Diễu hành mừng TP Hải Dương trở thành đô thị loại I. Ảnh tư liệu
Sau Đại hội VI, Đại hội đổi mới của Đảng, với tinh thần coi nông nghiệp thực sự là mặt trận hàng đầu, Tỉnh ủy ra Nghị quyết về "Chương trình lương thực, thực phẩm từ nay đến năm 1990'', chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng lúa cao sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Để đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kinh tế tập thể, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, ngày 27.2.1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết về việc "Làm thí điểm mô hình HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp" theo hướng hợp nhất HTX nông nghiệp, HTX mua bán, HTX tín dụng thành HTX kinh doanh tổng hợp. Khắc phục hạn chế trong thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, ngày 15.8.1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết về việc "Hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp", trong đó có quy định nông dân chỉ có nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp bằng sản phẩm.
Thực hiện Nghị quyết 10 ngày 22.5.1988 của Bộ Chính trị về "Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết về "Đổi mới quản lý kinh tế trong các HTX nông nghiệp", chủ trương giao chế độ tự quản về vật tư, giá cả và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm trong HTX. Sau "khoán 10", nông dân trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua "Gia đình nông dân sản xuất giỏi"...
Sau 5 năm đầu tiên sau đổi mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhìn chung đã bảo đảm đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển. Các xí nghiệp quốc doanh được củng cố, sắp xếp lại. Công nghiệp phát triển, bước đầu chuyển đổi cả về ngành nghề và hình thức sở hữu. Kim ngạch xuất khẩu tăng 2,2 lần so với giai đoạn 1981-1985. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã kết nạp được 7.000 đảng viên mới.
Từ năm 1991 đến nay, đặc biệt từ sau khi tái lập tỉnh Hải Dương (năm 1997), Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, giành nhiều kết quả trong công cuộc đổi mới.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Hải Dương đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Từ một tỉnh nông nghiệp, qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã xác định hướng phát triển cho Hải Dương là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu xây dựng Hải Dương thành tỉnh công - nông nghiệp, rồi đặt mục tiêu phát triển tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đối với sản xuất nông nghiệp, thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Tỉnh phát triển mạnh các ngành dịch vụ, thương mại; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, kết nối Hải Dương với các tỉnh xung quanh. Tập trung xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đẩy mạnh phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế; xây dựng làng, khu dân cư văn hóa...
Sau gần 35 năm đổi mới, quy mô kinh tế năm 2019 đứng thứ 11 toàn quốc. Tăng trưởng kinh tế trong 5 năm trở lại đây luôn cao hơn bình quân chung cả nước, năm cao nhất đạt 9,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đứng thứ 20 toàn quốc. Thu ngân sách năm 2019 đã vượt 20.000 tỷ đồng và là 1 trong 16 tỉnh thực hiện tự cân đối thu chi và đóng góp một phần cho ngân sách Trung ương.
Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đã chiếm trên 91% trong cơ cấu kinh tế, tăng 36% so với năm 1996. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 790,3 triệu USD. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được xuất khẩu tới các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Các thành phần kinh tế trong tỉnh phát triển bình đẳng. Kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động lực cho sự phát triển. Tỉnh phát triển mạnh các đô thị và phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. TP Hải Dương được công nhận đô thị loại I; Chí Linh lên thành phố và Kinh Môn trở thành thị xã.
Công cuộc đổi mới đã đem đến những bước tiến vượt bậc cho tỉnh trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Cơ sở vật chất trường học được trang bị, xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và đồng bộ. Chất lượng giáo dục liên tục giữ vững thành tích trong tốp đầu toàn quốc. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của Hải Dương năm 2019 còn 1,9%, giảm 5,29% so với năm 2015. Hải Dương đẩy mạnh hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức phong phú. Chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã mở rộng hợp tác với nhiều tỉnh như Kagoshima (Nhật Bản), Montreuil (Pháp)...
Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh, từ 3 đảng viên của chi bộ đầu tiên đến nay đã có gần 107.000 đảng viên sinh hoạt ở 677 tổ chức cơ sở đảng.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương