Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 5: Lãnh đạo phục hồi kinh tế sau chiến tranh

09/06/2020 16:25

Sau Chiến thắng 30.4.1975, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ trước mắt là khôi phục kinh tế sau chiến tranh, từng bước ổn định cuộc sống nhân dân.

>>> Bài 3: Cùng cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược
>>> Bài 2: Lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền

>>> Bài 1: Quá trình thành lập


Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV (tháng 1.1983) đã xác định những mục tiêu, phương hướng mới về phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (vòng 2) diễn ra từ ngày 14-16.4.1977, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 1980 là đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội; tích cực khai thác khả năng tiềm tàng của nền kinh tế trong tỉnh, vừa xây dựng kinh tế trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương. Tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, tạo bước phát triển vượt bậc về sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, thâm canh, tăng vụ, đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. 

Đến năm 1980, trong bối cảnh kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế Hải Dương vẫn đạt được một số bước phát triển. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp cũng như năng suất các loại cây trồng đều tăng. Năng suất lúa bình quân hằng năm đạt 5 tấn/ha. Diện tích gieo cấy tăng bình quân 2%/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được giữ vững. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ... 

Từ năm 1981-1985 là giai đoạn bắt đầu thực hiện chế độ quản lý kinh tế mới, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện một bước đời sống nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về cải tiến và mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp, Tỉnh ủy chủ trương các HTX nông nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất; tổ chức tốt việc quản lý, điều hành lao động; có quy hoạch, kế hoạch phù hợp; phải nắm được sản phẩm, phát huy quyền tự chủ của HTX và quyền làm chủ của tập thể xã viên. Hình thức quản lý mới này đã một bước "cởi trói" cho các HTX, sức sản xuất dần được giải phóng, tư liệu sản xuất được sử dụng hiệu quả hơn. Sau 1 năm thực hiện khoán sản phẩm theo Chỉ thị 100, diện tích cây lương thực của tỉnh đã tăng 7,8% so với năm 1980. Năng suất lúa đạt hơn 6 tấn/ha/năm...

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (vòng 2) diễn ra từ ngày 25-29.1.1983 đã xác định mục tiêu, phương hướng của tỉnh đến năm 1985 sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm; mở rộng sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước ổn định đời sống nhân dân. Đẩy mạnh xuất nhập khẩu, từng bước tạo thành quỹ hàng hóa từ nhập khẩu để phục vụ sản xuất. Cố gắng sản xuất phụ tùng thay thế, đẩy mạnh việc đóng, sửa chữa phương tiện vận tải, phát triển vận tải thô sơ. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trước hết là cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và vận tải. Ngày 12.9.1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết về cải tiến quản lý kinh tế, xóa bỏ quan liêu, bao cấp, thực hiện cơ chế một giá và phân phối theo lao động trong HTX nông nghiệp. Tuy việc thực hiện bước đầu vẫn còn nhiều khó khăn, phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách cho phù hợp song đã tác động tốt đến việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. 

Trong 10 năm nước nhà thống nhất (1975-1985), Đảng bộ tỉnh đã chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương. Đảng bộ đã động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể. Đảng bộ tỉnh tích cực phát huy thế mạnh, khả năng vốn có, khắc phục khuyết điểm, từng bước tháo gỡ khó khăn tạo nên những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội ở địa phương. So với năm 1975, tổng sản phẩm xã hội năm 1985 tăng 13,2%, thu nhập quốc dân tăng 13,1%... Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh, trong 5 năm 1981-1985 đã kết nạp được 11.466 đảng viên mới.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 80 năm xây dựng và phát triển: Bài 5: Lãnh đạo phục hồi kinh tế sau chiến tranh