Đảng bộ huyện Kinh Môn 65 năm xây dựng và trưởng thành

22/10/2010 05:53

Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Đảng bộ huyện không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân chiến đấu, bảo vệ, xây dựng quê hương qua các thời kỳ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đưa Kinh Môn phát triển ngày càng giàu đẹp...


Quang cảnh thị trấn Kinh Môn hôm nay. Ảnh: Nhân Chính

Ngày 23-10-1945, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kinh Môn được thành lập. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Đảng bộ huyện không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân chiến đấu, bảo vệ, xây dựng quê hương qua các thời kỳ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đưa Kinh Môn phát triển ngày càng giàu đẹp...

Là vùng đất có truyền thống kiên cường chống ngoại xâm, khi Pháp chiếm đóng Hải Dương, nhân dân Kinh Môn đã anh dũng đứng lên chống Pháp. Nổi bật là cuộc khởi nghĩa của Đốc Tít ở vùng núi Kinh Môn từ năm 1883 – 1889, gây cho giặc nhiều tổn thất. Cùng với đó, người dân Kinh Môn còn hăng hái tham gia các phong trào yêu nước: Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, thành lập chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở khu Hạ Chiểu với nhiều hoạt động như rải truyền đơn, treo cờ...

Từ năm 1936 - 1939, phong trào dân chủ ở Kinh Môn diễn ra sôi nổi với việc thành lập các tổ chức, như: hội tương tế, ái hữu, quốc ngữ, đoàn thanh niên, các phong trào đọc sách, bài trừ mê tín, chống hủ tục, đấu tranh chống cường hào địa chủ, đòi giảm tô thuế. Cùng với đó Kinh Môn trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng cho những chiến sĩ cách mạng gây dựng cơ sở sang các vùng lân cận: Đông Triều, Kim Thành, Chí Linh...

Khi Nhật đảo chính Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt minh, phong trào kháng Nhật cứu nước ở Kinh Môn diễn ra sôi nổi, đặc biệt là phong trào tổ chức phá kho thóc Nhật chia cho dân. Nhiều cuộc diễn thuyết công khai ở chợ Hạ Chiểu, chợ Kính Chủ, chợ Huề Trì, phố An Lưu... Nhất là khi chiến khu Trần Hưng Đạo được thành lập (8-6-1945), khí thế cách mạng ở Kinh Môn ngày càng mạnh mẽ...

Trước yêu cầu của cách mạng, ngày 23-10-1945, tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trù ở thôn Hán Xuyên, xã Thất Hùng, đồng chí Trần Cung thay mặt Tỉnh ủy tuyên bố kết nạp và thành lập chi bộ cộng sản của huyện gồm 6 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Trù làm Bí thư. Ngay sau khi được thành lập, chi bộ đã thể hiện vai trò lãnh đạo, đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng đề ra. Cùng với đó, công tác phát triển Đảng được chú trọng, vì vậy số đảng viên trong huyện tăng nhanh. Tính đến tháng 2-1946, toàn huyện có tới 30 đảng viên sinh hoạt ở 3 chi bộ. Cuối tháng 2-1946, Tỉnh ủy Hải Dương đã chỉ định Huyện ủy Kinh Môn lâm thời. Cùng với đó, Đảng bộ huyện Kinh Môn được thành lập, công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh. Tháng 6-1946, cuộc họp Huyện ủy mở rộng đã bầu ra Ban Chấp hành mới thay Ban Chấp hành lâm thời. Chỉ sau hơn 1 năm được thành lập, huyện đã kết nạp được hơn 100 đảng viên chủ yếu là những thanh niên có trình độ văn hóa, có nhiệt tình cách mạng. Từ đó ngày 23-10 hàng năm trở thành ngày thành lập Đảng bộ huyện Kinh Môn.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Kinh Môn đã anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công. Toàn huyện đã có 3.155 liệt sĩ, 940 thương binh, 678 bệnh binh, 101 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Quân và dân huyện Kinh Môn được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các xã Duy Tân, An Sinh, Hiệp Hòa, Hiệp An, Tân Dân được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn đã dốc sức xây dựng quê hương, làm nên những thành quả đáng tự hào. Trong nông nghiệp, cơ chế khoán sản phẩm đã tác động mạnh, làm thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Vụ đông với các loại cây trồng như hành, tỏi... đã trở thành vụ sản xuất chính, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập cao cho nông dân. Các ngành nghề được mở rộng. Với tiềm năng khoáng sản dồi dào, công nghiệp nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong 5 năm  (2005-2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện đạt trên 12%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Cơ cấu nông - lâm - thủy sản chiếm 27,57%; công nghiệp - xây dựng 45,55%; dịch vụ 26,88%. Toàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,3%. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, người già cô đơn, người khuyết tật được quan tâm. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được mở rộng; các di tích lịch sử văn hóa được tôn tạo nhất là cụm di tích thắng cảnh An Phụ. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ngày càng sôi nổi. Hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư nâng cấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, bình quân hằng năm có 76% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh.

Về với Kinh Môn hôm nay ấn tượng là những cụm công nghiệp san sát mọc lên, các thị trấn, thị tứ được hình thành, phát triển, nông thôn không ngừng thay da đổi thịt. Đó là vóc dáng mới của một Kinh Môn công nghiệp, văn minh, hiện đại. Từ một tổ chức chi bộ tiền thân với 6 đảng viên, nay Đảng bộ huyện đã có một đội ngũ hùng hậu với 58 tổ chức cơ sở đảng và trên 5.000 đảng viên, đủ sức, đủ tài gánh vác trọng trách trước dân, trước Đảng. Với những kết quả đạt được từ năm 1997 đến nay, Đảng bộ huyện liên tục giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, có thành tích tiêu biểu. Chính quyền nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2009, chính quyền huyện được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc.

LÊ XUÂN BÍ- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kinh Môn

(0) Bình luận
Đảng bộ huyện Kinh Môn 65 năm xây dựng và trưởng thành