Đảng bộ huyện Kim Thành: 65 năm - một chặng đường phát triển

14/01/2010 01:54

Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Thành đã đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu và thu được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.


Thị trấn Phú Thái ngày nay
Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Thành đang ra sức thi đua, phát triển sản xuất, lập nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực.

65 năm trước, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện ra đời, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng trong huyện. 1 năm sau đó, Đảng bộ huyện Kim Thành ra đời, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đoàn kết diệt giặc đói, giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1946-1955), Đảng bộ huyện lãnh đạo quân và dân chiến đấu lập nên những chiến công lớn, xuất hiện những “vua mìn đường 5”, những chiến sỹ thi đua toàn quốc như Nguyễn Văn Thòa, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Xuân An… Phát huy truyền thống anh hùng đó, Đảng bộ và nhân dân Kim Thành vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975). Đảng bộ huyện chỉ đạo các xã đắp đê, đào kênh mương, khơi ngòi, tháo gỡ bom mìn, tích cực chuyển đổi cây trồng. Trong một thời gian ngắn, hàng nghìn héc-ta ruộng đất hoang hóa trở thành đồng lúa xanh tươi; phong trào “sản xuất tự túc” được đẩy mạnh, tích cực trồng rau màu khắc phục nhanh nạn đói. Đảng bộ huyện cũng thực hiện thắng lợi việc cải cách ruộng đất, quan hệ sản xuất phong kiến bị xóa bỏ. Bắt tay vào nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, các HTX ra đời đưa nền kinh tế Kim Thành phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện. Năm 1959 là năm được mùa lớn chưa từng có trong lịch sử sản xuất nông nghiệp ở huyện Kim Thành thời bấy giờ. Bên cạnh đó, công tác xây dựng và phát triển Đảng, các lĩnh vực y tế, giáo dục, quốc phòng cũng được chú trọng phát triển. Trong thời kỳ đấu tranh chống đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Thành chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, giữ vững sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Kết thúc chiến tranh, hai huyện Kim Thành và Kinh Môn được hợp nhất thành huyện Kim Môn. Huyện từng bước ổn định đời sống, đã có quỹ hàng hóa bằng lương thực. Ngành sản xuất tiểu, thủ công nghiệp tiếp tục có bước phát triển với những ngành nghề thuộc thế mạnh của địa phương như sản xuất gạch, vôi, đá, cát. Hệ thống thủy lợi được củng cố, đường liên thôn, xã được mở rộng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm phát triển. Đến năm 1997, huyện Kim Thành được tái lập.

Thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ huyện Kim Thành lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; lấy chuyển đổi cây trồng làm khâu đột phá để phát triển kinh tế nông nghiệp. Phong trào đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp: giảm diện tích cấy lúa, tăng diện tích rau màu, lập vườn trồng cây ăn quả; chương trình “sind hóa đàn bò”, “nạc hóa đàn lợn” phát triển rộng khắp. Huyện tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp với công thức luân canh hợp lý, thu được thắng lợi cả về năng suất và chất lượng. Các HTX được kiện toàn theo mô hình mới, xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông như cầu Kim Lương- Kim Khê, đường Cổ Dũng - Thượng Vũ…

Hơn 10 năm qua, kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng ở mức cao và đi dần vào thế ổn định. Tổng sản phẩm GDP tăng trưởng bình quân trên 9%/năm. Kinh tế chuyển dịch ngày càng rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Huyện uỷ đã chỉ đạo xây dựng chương trình hành động cụ thể hoá triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2005- 2010) với 6 chương trình và 15 đề án trọng điểm. Trong đó, một số mục tiêu quan trọng là: tận dụng triệt để thời cơ, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, mọi nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển văn hoá, giáo dục, y tế; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội... Để đạt được các mục tiêu này, huyện đã thực hiện một số giải pháp cụ thể: tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá; phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp nhanh, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập; phát triển các dịch vụ tài chính, tín dụng ngân hàng, tạo thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Kết quả, nếu năm 1997, cơ cấu kinh tế nông nghiệp 63,05%, công nghiệp 19,64%, dịch vụ 17,31% thì đến năm 2009, cơ cấu tương ứng là 35,37%, 36,61%, 28,02%. Thu nhập bình quân một người năm 1997 là 2,8 triệu đồng thì năm 2009 là 8,5 triệu đồng.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, mức tăng trưởng bình quân trên 4%/năm. Hệ thống thủy lợi được quy hoạch một bước sau dồn ô đổi thửa; cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng chuyển dịch theo hướng tích cực, đặc biệt là chuyển đổi các vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng có giá trị thu nhập cao từ 50 đến 100 triệu đồng/ha.

Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Giá trị sản xuất công nghiệp hơn 10 năm qua tăng bình quân hơn 20%/năm. Hoạt động dịch vụ có nhiều tiến bộ, tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ và khởi sắc. Huyện đã hoàn thành phổ cập THCS từ năm 2001. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, 100% số gia đình chính sách và người nghèo được cấp sổ bảo hiểm y tế. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có bước phát triển khá, hiện nay có 47 làng đạt danh hiệu làng văn hóa.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong huyện quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Hiện tại, Đảng bộ huyện có 46 tổ chức cơ sở Đảng với 5.515 đảng viên. Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đã từng bước đi vào nền nếp và không ngừng nâng cao về chất lượng, các cấp ủy đảng đã quan tâm củng cố giải quyết tốt những tổ chức cơ sở đảng yếu kém.

Sau hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, đảng bộ và các tầng lớp nhân dân huyện Kim Thành đã đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu và thu được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2010, huyện Kim Thành phấn đấu đạt một số chỉ tiêu: tổng sản phẩm tăng bình quân hằng năm đạt 10,9%; giá trị sản xuất nông, thủy sản tăng bình quân 5,1%; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng tăng 13,6%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 17,5%. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Giữ vững an ninh nông thôn, tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân… Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, Đảng bộ huyện Kim Thành coi công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt. Đảng bộ và các cấp chính quyền, đoàn thể cùng nhân dân trong huyện tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước với khí thế mới, thực hành tiết kiệm, nỗ lực thực hiện các mục tiêu ngay từ đầu năm.

ĐỖ HUY THỂ
(Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch HĐND huyện Kim Thành
)

(0) Bình luận
Đảng bộ huyện Kim Thành: 65 năm - một chặng đường phát triển