Lấu Khê (xã Hiệp Cát) là thôn duy nhất của huyện Nam Sách chưa có nước sạch.
Gần 300 hộ dân thôn Lấu Khê vẫn đang phải sử dụng nước mưa và nước giếng khoan trong sinh hoạt hằng ngày
Gần 300 hộ trong thôn vẫn đang phải dùng nước mưa và nước giếng khoan không qua hệ thống lọc. Ông Nguyễn Xuân Giang than thở: "Nước giếng khoan thì vừa vàng, vừa tanh không sử dụng để ăn uống được. Bể nước mưa lại đang cạn rồi. Tháng tới, trời không mưa thì gia đình tôi không biết lấy nước đâu mà ăn". Nguồn nước ngầm trong thôn đang bị ô nhiễm do ngày càng có nhiều hộ chăn nuôi. Nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt ngấm xuống đất, người dân lại bơm nước lên để sử dụng.
Hầu hết các hộ ở thôn Lấu Khê đều có 2 bể nước, 1 bể chứa nước mưa và 1 bể chứa nước giếng khoan. Sử dụng nước giếng khoan hằng ngày không chỉ khiến người dân lo lắng cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Nhiều hộ có bình nóng lạnh và máy giặt cũng không dám sử dụng thường xuyên vì sợ nước bẩn, lắng cặn sẽ nhanh bị hỏng. Nước mưa thì không phải lúc nào cũng đủ dùng. Vài năm gần đây, nhiều gia đình có công việc đều phải mua nước sạch với giá 100.000 đồng/m3 về sử dụng. "Chúng tôi mong mỏi nước sạch về thôn. Lần nào họp dân, tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đều đề đạt nguyện vọng này nhưng 4 năm nay vẫn chưa được giải quyết", bà The bức xúc nói.
Trước đây, nhiều người trong thôn còn sử dụng nước ở sông Kinh Thầy để tắm giặt nhưng 2 năm trở lại đây không ai dám dùng vì lo sợ nước bị ô nhiễm. Thôn Lấu Khê hiện có 70 lồng cá được nuôi dọc tuyến sông, 80% số hộ trong thôn nuôi lợn, trong đó có nhiều hộ nuôi với quy mô lớn. Ông Đặng Đức Đoàn, Trưởng thôn Lấu Khê cho biết: "5 thôn khác của xã đều đã được lắp đặt hệ thống nước sạch từ năm 2013, còn thôn tôi vẫn chưa có nước sạch. Trong các buổi làm việc, giao ban, tôi đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo huyện và xã về nguyện vọng muốn sử dụng nước sạch của người dân. Lãnh đạo xã nói đến cuối năm 2016 sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp lắp đặt nước sạch cho thôn nhưng sắp hết quý I năm 2017 rồi vẫn chưa thấy gì".
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát cho biết xã cũng đã nhiều lần làm việc với Công ty Cung cấp nước sạch Lam Sơn về vấn đề này. Tuy nhiên, phía công ty còn do dự, lo lắng việc đầu tư hạ tầng sẽ không thu hồi được vốn khi người dân di dời vào khu vực tái định cư. Thôn Lấu Khê nằm trong danh mục các dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ổn định dân di cư tự do của Chính phủ. Dự án này sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24.8.2006 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đã được triển khai nhiều năm nay nhưng mới xong giai đoạn 1. Việc di dân chưa thực hiện được, doanh nghiệp e ngại đầu tư nên đã dẫn tới sự chậm trễ trong quá trình cấp nước sạch cho thôn.
PHAN ANH