Dân khổ vì mất điện kéo dài

05/01/2013 20:41

Từ ngày 31-12-2012 đến nay, người dân ở 2 thôn Minh Thành và Hợp Nhất, xã Lai Vu (Kim Thành) chỉ biết kêu trời vì mất điện.



Anh Bùi Hồng Quân, thôn Minh Thành lo lắng cho đàn lợn con của gia đình


Điện mất khiến mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trong thôn bị đảo lộn.

Sáng 5-1, chúng tôi về thôn Minh Thành để tìm hiểu sự việc theo thông tin phản ánh của người dân. Trên đường vào thôn, tiếng máy phát điện nổ rộn rã như một công trường. Người dân ở đây cho biết gần một tuần nay họ đã quen với tiếng nổ của mấy chục chiếc máy phát điện. Ngay ở trụ sở UBND xã Lai Vu, một chiếc máy phát điện cũng đang chạy để phục vụ hoạt động của UBND xã.

Anh Tăng Tiến Đươm ở thôn Minh Thành cho biết, khoảng 18 giờ 30 ngày 31-12, trạm biến áp 180 KVA cấp điện cho thôn Minh Thành và một phần thôn Hợp Nhất phát nổ. Đây là lần thứ hai trạm biến áp này bị nổ trong năm 2012. Ngay sau khi xảy ra sự cố, trạm chuyển tiếp Lai Khê đã cho người sang kiểm tra. Đến sáng 1-1-2013, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cử cán bộ kỹ thuật mang theo 1 máy biến áp 180 KVA xuống thay thế. Tuy nhiên, người dân trong thôn không đồng ý do lo ngại máy biến áp 180 KVA sẽ không cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phía ngành điện qua kiểm tra khẳng định máy biến áp 180 KVA bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại đây, vì thế nên khi dân không đồng ý cho lắp, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã chuyển máy biến áp đi nơi khác. Từ đó đến ngày 5-1, người dân thôn Minh Thành và một phần thôn Hợp Nhất phải sống trong cảnh không điện.

Anh Lê Văn Út, Trưởng thôn Minh Thành cho biết, thôn có trên 500 hộ dân với khoảng 1.700 nhân khẩu. Do đã bàn giao đất ruộng làm khu công nghiệp, nên trên 50% số hộ trong thôn chuyển sang chăn nuôi. Ngoài ra, trong thôn còn gần chục hộ mở xưởng hàn, xưởng may gia công quần áo. Mất điện kéo dài ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Hợp Nhất rất bức xúc trước những thiệt hại do mất điện. Nhà chị Xuân xây dựng chuồng trại nuôi chim cút đẻ và chim giống. Hiện tại, trang trại đang nuôi 7.000 con chim đẻ và trên 5.000 chim giống. Từ khi mất điện đến nay, ngày nào chị cũng phải đốt bếp than để sưởi ấm cho chim. Ngày 5-1, nhiệt độ xuống thấp khiến tình hình càng trở nên căng thẳng. Số chim giống chết đã lên tới trên 1.000 con. Số còn lại đang nhiễm lạnh có thể chết bất cứ lúc nào. Do không có điện sưởi ấm và thắp sáng, chim ăn ít và đẻ kém. "Mỗi ngày, gia đình tôi mất tới 1.500 quả trứng, trị giá khoảng 500 nghìn đồng, chưa kể gần chục triệu đồng tiền chim giống. Nếu tình trạng này kéo dài, có lẽ số chim trong chuồng sẽ hỏng hết", chị Xuân bức xúc.

Anh Bùi Hồng Quân ở thôn Minh Thành cũng đang lo lắng vì đàn lợn nái sắp đẻ. Hiện tại, anh đang nuôi khoảng 150 con lợn và 200 gà con, trong đó có 70 con lợn mới đẻ và 14 con lợn nái sắp sinh. Từ hôm mất điện đến nay, đã có 11 con lợn con bị chết. Anh chạy máy phát cả ngày, nhưng do điện không ổn định nên không thể cấp điện cho toàn bộ trang trại. Anh Quân cho biết: "Riêng tiền dầu chạy máy phát suốt ngày đã tốn một khoản lớn. Nhưng quan trọng nhất là máy phát điện không đủ cấp cho cả trang trại, nên tôi ưu tiên điện cho lợn mới sinh, còn lợn nái và lợn thịt đành bỏ không. Chắc chắn chất lượng đàn lợn sắp sinh sẽ bị ảnh hưởng".

Không chỉ gia đình anh Quân, chị Xuân bị thiệt hại, hàng trăm gia đình chăn nuôi khác trong các thôn Minh Thành và Hợp Nhất cũng chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều xưởng may chấp nhận lỗ vốn để chạy máy phát nhằm hoàn thành kịp thời đơn hàng cho khách hàng. Nhiều gia đình phải đem chôn hàng chục con lợn. Có những gia đình vừa nhập gà con về đành ngậm ngùi nhìn đàn gà chết dần, chết mòn.

Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, 2 trường học đóng trên địa bàn thôn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo phản ánh của người dân, những ngày qua, mặc dù trời rét đậm, nhưng các lớp học vẫn phải mở cửa mới có đủ ánh sáng cho các cháu học tập. Thời gian học cũng ảnh hưởng, bởi từ 13 - 15 giờ chiều là nhà trường phải cho các em học sinh nghỉ do không bảo đảm ánh sáng. Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, sức khỏe của các em sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Bùi Duy Hường, Chủ tịch UBND xã Lai Vu cho biết, ngay khi xảy ra mất điện, UBND xã đã báo cáo lên các phòng chức năng của huyện và đề nghị Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương có kế hoạch thay thế, sửa chữa. Tuy nhiên, khi công ty mang máy biến áp 180 KVA về để thay thế thì người dân không đồng ý, vì vậy, tình trạng mất điện mới trở nên nghiêm trọng như vậy. Hiện tại, UBND xã đã đề nghị Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương lắp đặt máy biến áp 180 KVA để cấp điện tạm thời cho người dân. Đồng thời, HTX Dịch vụ điện phải có kế hoạch san tải để bảo đảm chất lượng điện cho thôn Minh Thành. Hầu hết người dân trong thôn Minh Thành đều đề nghị được thay máy biến áp có công suất lớn hơn nhằm bảo đảm chất lượng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất.    

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân khổ vì mất điện kéo dài