Phát triển kinh tế vừa là mục tiêu, vừa là động lực để các xã xây dựng nông thôn mới (NTM). Những năm qua, các địa phương đã có định hướng và nhiều chính sách để hỗ trợ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghề mộc truyền thống ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân làm nghề nơi đây
Phát triển kinh tế
Những ngôi nhà cao tầng san sát, đường làng phong quang, sạch đẹp, dịch vụ, thương mại phát triển nhanh chóng… là diện mạo mới của những làng quê ở xã Nam Tân (Nam Sách). Phong trào xây dựng NTM cùng với những định hướng đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền xã đã giúp người dân phát huy thế mạnh trong phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông.
Nghề nuôi cá lồng ở xã Nam Tân xuất hiện từ năm 2009 và phát triển mạnh từ năm 2014. Với định hướng đúng đắn, xã đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình này. Đến nay, Nam Tân có khoảng 1.100 lồng nuôi cá của 60 hộ dân. Đây cũng là địa phương có số lồng nuôi cá lớn nhất miền Bắc. Hiện xã định hướng người dân phát triển các giống cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao như trắm giòn, chép giòn… và xây dựng thương hiệu tập thể cho cá lồng Nam Sách.
Anh Trần Huy Hưng ở thôn Trung Hà là một trong những hộ nuôi cá lồng với quy mô lớn của xã. Hiện anh Hưng có 35 lồng nuôi cá đặc sản và 15 lồng nuôi cá giống trên sông Kinh Thầy. Ngoài ra, anh còn có 10 ha đất ven đê để chăn nuôi trâu bò. Mỗi năm, chỉ tính riêng cá lồng, anh thu lãi khoảng 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục quốc lộ 5, xã Cổ Dũng (Kim Thành) có tiềm năng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với nghề mộc truyền thống. Với lịch sử hơn 100 năm phát triển, làng nghề đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Năm 2008, làng nghề mộc thôn Bắc được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Hiện thôn Bắc có hơn 40 hộ làm nghề mộc, tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Nguyễn Danh Mậu, Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng, mỗi năm làng nghề đạt doanh thu 100-120 tỷ đồng. Ngoài nghề mộc, xã còn có lợi thế phát triển các loại hình dịch vụ giao thông vận tải… Hiện xã có nhiều đội vận tải chuyên nghiệp chạy các tuyến. Mỗi năm, ngành nghề dịch vụ này cũng đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho người dân. Kinh tế phát triển là điều kiện thuận lợi để người dân đóng góp xây dựng NTM.
Xã Nam Tân (Nam Sách) đã vận động người dân hiến 4.000 m2 đất và hơn 7 tỷ đồng để mở rộng các tuyến đường
Góp sức cho phong trào
Nam Tân và Cổ Dũng chỉ là 2 trong số rất nhiều xã trong tỉnh đã khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đây cũng là những địa phương dẫn đầu phong trào xây dựng NTM trong tỉnh. Hiện cả 2 địa phương này đã được công nhận NTM nâng cao và đang tiếp tục chặng đường lên NTM kiểu mẫu.
Không chỉ là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Trần Huy Hưng còn hỗ trợ các hộ khác phát triển kinh tế bằng việc hướng dẫn kỹ thuật, cho mượn lồng bè để nuôi cá… “Người dân là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ phong trào xây dựng NTM. Do vậy, việc đóng góp công sức, tiền của để xây dựng NTM là việc nên làm”, anh Hưng chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: “Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập liên tục tăng, hiện đã đạt 78,5 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển nên việc huy động sức dân để xây dựng NTM cũng dễ dàng và thuận lợi hơn các địa phương khác. Trong hơn 10 năm xây dựng NTM, xã đã huy động nhân dân đóng góp gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra còn vận động 350 hộ hiến hơn 4.000 m2 đất, đóng góp hơn 7 tỷ đồng, tháo dỡ nhiều công trình để mở rộng đường giao thông, đường nội đồng… Giai đoạn tới, xã xác định sức dân là nguồn lực chính để địa phương tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu”.
Cùng việc xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế khu vực nông thôn có bước tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp thay đổi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển như quy vùng sản xuất lúa, rau màu tập trung cho giá trị kinh tế cao; mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt để nâng cao chất lượng sản phẩm. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ khác được đầu tư hạ tầng theo hướng tập trung, tạo môi trường bình đẳng để phát triển... Nhiều ngành nghề dịch vụ ở nông thôn phát triển tạo việc làm cho người dân. Năm 2020, có tới 98% số người trong độ tuổi lao động ở nông thôn có việc làm thường xuyên; tổng sản phẩm bình quân đầu người của tỉnh đạt 69,8 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Giai đoạn 2011-2021, toàn tỉnh đã huy động hơn 58.383 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó nhân dân đóng góp hơn 5.461,3 tỷ đồng, chiếm 9,35%. Các mô hình trong xây dựng NTM xác định rõ vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của nhân dân.
TRẦN HIỀN