Những năm qua, Dân Chủ chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm mới cho người dân địa phương với thu nhập ổn định...
Xưởng thêu của Công ty TNHH Babenni thu hút nhiều lao động nữ lớn tuổi
Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Chủ (Tứ Kỳ), chúng tôi tìm đến xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Nho ở thôn An Lại. Anh Nho cho biết: “Gia đình tôi đã 5 đời làm nghề mộc. Sau khi học xong THPT, tôi ở nhà tiếp tục làm nghề truyền thống của gia đình. Hiện nay, nghề đơn giản hơn nhiều so với trước kia. Hầu hết các công đoạn đều được làm bằng máy móc. Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng mua máy cắt, máy xẻ, máy đánh bóng, phun sơn… Với việc thay thế này, không chỉ tăng năng suất lao động mà sản phẩm làm ra còn đẹp hơn. Xưởng của gia đình tôi hiện tạo việc làm cho 4 lao động chính với mức thu nhập bình quân 150 nghìn đồng/người/ngày và một số lao động phụ 100-120 nghìn đồng/ người/ngày. Các sản phẩm chính của cơ sở là tủ bếp, cửa, cầu thang, làm theo đơn đặt hàng của khách”.
Ông Nguyễn Đình Lũy, Trưởng thôn An Lại cho biết, thôn có diện tích đất tự nhiên 211 ha, trong đó có 157 ha đất canh tác với gần 500 hộ, trên 1.800 nhân khẩu. Do đất chật, người đông nên ngoài làm nông nghiệp, người dân An Lại còn phát triển thêm nghề mộc truyền thống. Đến nay, có 139 hộ trong làng làm nghề, thường xuyên tạo việc làm cho gần 250 lao động. Trong đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn mang nghề đến mọi miền của đất nước. Tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng… có khoảng 20 xưởng mộc của người thôn An Lại. Để thuận tiện cho việc trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau phát triển nghề, người làng nghề đã thành lập Hiệp hội Nghề mộc An Lại, thu hút 140 người tham gia.
Rời làng An Lại, chúng tôi đến xưởng may, thêu ren của Công ty TNHH Babenni (Hà Nội) nằm ở thôn La Xá, xã Dân Chủ. Chị Nguyễn Thị Cúc năm nay ngoài 40 tuổi, là công nhân cho biết: “Trước đây ngoài cấy 8 sào ruộng, tôi còn làm thêm nghề thêu, ren. Tuy nhiên, công việc lúc có, lúc không nên nguồn thu nhập không ổn định. Từ khi vào làm việc tại xưởng này, mỗi ngày làm 8 tiếng, mỗi tháng tôi có nguồn thu từ 2,2 - 2,5 triệu đồng”. Ông Nguyễn Đức Tĩnh, Trưởng thôn La Xá cho biết, để người dân có thêm nghề phụ, thôn đã mời một số người ở làng Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo) sang dạy nghề thêu, ren. Đã có lúc, nghề này phát triển rộng khắp toàn xã. Sau đó, nghề mai một dần, chỉ còn làng La Xá duy trì được đến ngày nay. Nhận thấy hầu hết người dân ở đây đã có kỹ năng căn bản về nghề thêu, ren, không phải đào tạo nên năm 2000, Công ty TNHH Babenni đã mở chi nhánh tại đây, chuyên làm thêu, ren, đính hạt cườm để xuất sang các nước Đông Âu, Anh… Hiện tại, xưởng giải quyết việc làm cho trên 50 lao động của thôn với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Cả thôn có 110 người làm nghề thêu, ren, chiếm gần 27% số lao động trong thôn.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Chủ cho biết, những năm qua, xã Dân Chủ rất chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm mới cho người dân. Hằng năm, xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... tổ chức các lớp dạy các nghề làm vườn, nuôi trồng thủy sản, đan, móc, thêu, ren... cho nông dân. Xã luôn có chủ trương khuyến khích nhân dân phát triển các nghề truyền thống của xã và mở rộng thêm các nghề mới. Đến nay, xã Dân Chủ có 3 trong 4 thôn được công nhận làng nghề: Các làng Đông Bình, La Xá được công nhận làng nghề thêu ren năm 2010; làng An Lại được công nhận làng nghề mộc năm 2011. Các làng nghề giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động của địa phương. Xã Dân Chủ còn phát triển nghề khác như hàn xì, xây dựng, làm bánh đa, mở cửa hàng ăn uống, dịch vụ tạp hóa… tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Năm 2011, doanh thu từ tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ của địa phương đạt 32,7 tỷ đồng, chiếm gần 46% tổng thu nhập toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người đạt 11,3 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hiện nay, 100% số hộ được sử dụng điện, 85% số dân được sử dụng nguồn nước sạch và nước hợp vệ sinh, 80% số dân được chăm sóc sức khỏe. Đường giao thông, kênh mương… được kiên cố hóa đạt tỷ lệ cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hiện còn 16%. Các thôn đều xây dựng được nhà văn hóa khang trang, là nơi sinh hoạt văn hóa, văn ghệ của đông đảo nhân dân trong thôn.
Năm 2012, xã Dân Chủ phấn đấu doanh thu từ tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ đạt 46,7 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 250 lao động. Để đạt được mục tiêu trên, xã tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và huyện đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thuê đất mở rộng sản xuất.
THANH HÀ