Dân chịu thiệt vì... đổi đất với xã

29/10/2022 10:13

27 năm đã qua kể từ ngày đổi đất cho chính quyền xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) làm trụ sở Ban Quản lý cảnh quan Đảo Cò, đến nay ông Nguyễn Đăng Thục vẫn không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất mới.


Ông Nguyễn Đăng Thục chỉ phần đất cũ của ông trước khi đổi đất vào tháng 12.1995

Năm 1995, chính quyền xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đổi đất với một hộ dân để làm trụ sở Ban Quản lý cảnh quan Đảo Cò nhưng nhiều năm sau không quan tâm đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho gia đình này. Vụ việc kéo dài, chưa được giải quyết thấu đáo.

Bức xúc

Chiều 19.10, gió mùa đông bắc tràn về, trời đột ngột mưa rét. Tôi tới nhà ông Nguyễn Đăng Thục ở xóm 1, thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam để phản ánh một vụ việc hiếm thấy. Đó là một hộ dân vì lợi ích chung đã đổi đất ở để góp phần xây dựng khu du lịch nổi tiếng Đảo Cò, song đến nay phải chịu nhiều ấm ức, thiệt thòi.

Đón tôi ở cổng nằm ven đường tỉnh 396, gần di tích Đảo Cò, là một ông già hom hem, râu ria xồm xoàm, lưng còng, bước đi nặng nề. Tay run run, ông Thục cầm một xấp đơn kiến nghị khẩn cấp đã gửi nhiều lần, gửi từ nhiều năm nay tới nhiều cơ quan chức năng từ xã đến tỉnh. Nhưng rồi ông lại thở dài vì nguyện vọng của mình tới nay chưa được giải quyết.

Ông Thục buồn bã kể, gia đình có một thửa đất rộng 304 m2 do bố mẹ để lại, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1994. Năm 1995, lãnh đạo UBND xã Chi Lăng Nam và Ban Quản lý cảnh quan Đảo Cò của xã gặp gia đình ông đề nghị đổi thửa đất này với một thửa đất ao diện tích khoảng 300 m2 do UBND xã quản lý (thửa đất mới cách thửa đất cũ khoảng 6 m). Khi đó, thửa đất ao do UBND xã giao thầu khoán cho gia đình ông Thục. Việc đổi đất để chính quyền xã thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái Đảo Cò. Sau nhiều lần được cán bộ xã động viên, vì sự phát triển du lịch địa phương, gia đình ông Thục đồng ý đổi đất. Ngày 9.12.1995, giao dịch đổi đất được xác lập bằng biên bản giữa Ban Quản lý cảnh quan Đảo Cò, đại diện thôn An Dương và ông Thục, có xác nhận của UBND xã. UBND xã cam kết sẽ thực hiện thủ tục đề nghị UBND huyện cấp "sổ đỏ" với thửa đất đã đổi vì thửa đất cũ của nhà ông Thục đã được cấp "sổ đỏ" (ông Thục vẫn đang giữ "sổ đỏ" này). Sau khi đổi đất, gia đình ông Thục san lấp ao, xây dựng nhà ở, công trình phụ, đưa vào sử dụng từ tháng 2.1996.

Đôi mắt nhăn nheo, buồn bã, ông Thục kể lại những tháng ngày gian khổ vì phải chuyển sang nơi ở mới: “Là người nông dân thật thà, yêu quê hương nên khi được chính quyền địa phương kêu gọi, gia đình tôi hết lòng ủng hộ vì mục tiêu phát triển quê hương nói chung, của tỉnh Hải Dương nói riêng. Gia đình tôi đang có đất đai, nhà cửa đề huề, sinh sống ổn định nhưng đã chấp nhận rời khỏi mảnh đất cha ông bao đời gắn bó để đến một thửa đất không có nhà cửa, chỉ là mặt nước ao. Gia đình tôi phải xây dựng lại từ đầu, phải đi lặn mò dưới ao, sông để lấy thêm đất san lấp, vay mượn thêm mới đủ tiền lấp ao tạo dựng nơi ở mới”.

Nghe chuyện cũ, bà Lê Thị Phắc (sinh năm 1958, vợ ông Thục) ngồi bên chồng sụt sịt khóc, mắt đẫm lệ khi nhớ lại những tháng ngày chuyển nơi ở. “Một số nhà hàng xóm ra ở sau thì có sổ đỏ lâu rồi mà đến nay gia đình tôi ra trước lại chưa có. Nhiều năm trước, gia đình tôi ở trong Nam với con. Từ năm 2020 đến nay, cán bộ xã gọi ra để giải quyết việc này nhiều lần, đi lại tốn kém mà vẫn không xong. Con tôi muốn làm nhà khang trang nhưng không có sổ đỏ, một phần đất lại thuộc hành lang giao thông nên đành chịu để nhà cũ, xuống cấp. Chính quyền xã trước đây thiếu trách nhiệm, lẽ ra cần làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ cho mảnh đất này nhưng lại không làm”, bà Phắc bức xúc.

Từ khi ra nơi ở mới đến nay, nhà ông Thục sử dụng mảnh đất này ổn định, không có tranh chấp. Với mảnh đất cũ, UBND xã đã sử dụng 3 gian nhà cũ của gia đình ông Thục làm trụ sở Ban Quản lý cảnh quan Đảo Cò. Đến năm 2001-2002, UBND xã xây dựng nhà cảnh quan hiện nay, giao lại trụ sở cũ cho nhân dân thôn An Dương làm nhà thờ Mẫu. Đến năm 2014, nhân dân thôn An Dương tháo dỡ nhà cũ để xây dựng chùa Nam như hiện nay.


Biên bản đổi đất giữa Ban Quản lý cảnh quan Đảo Cò, đại diện thôn An Dương và ông Thục, có xác nhận của UBND xã năm 1995

“... lỗi do chính quyền địa phương”

Rời nhà ông Thục, tôi tìm gặp ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam. Ông Minh cho biết trước đây một thời gian dài xã không để ý giải quyết nguyện vọng của ông Thục. Trường hợp của gia đình ông Thục “tội quá, lỗi không phải của người ta, mà lỗi do chính quyền địa phương”, “rõ ràng có đất mà không có quyền lợi, có đất ở mà không có sổ đỏ, rất bất cập”. Xã đã có tờ trình, kiến nghị nhiều lần với huyện để mong giải quyết sự việc. Quan điểm của xã là tạo điều kiện tối đa cho ông Thục trong thẩm quyền cho phép nhưng vấn đề giờ đây lại ngoài thẩm quyền của địa phương.

Nêu một giải pháp giải quyết vụ việc, ông Minh cho biết UBND xã đề xuất mở rộng khu điều hành của Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đảo Cò. Trong đó, trước mắt lấy đất ông Thục đang ở làm bãi đỗ xe, rồi cấp đổi đất cho ông Thục ở khu tái định cư và khu dân cư mới ở trung tâm xã (hiện ở khu này vẫn còn một số lô đất dự phòng).

Xung quanh vụ việc, phóng viên đã trao đổi với ông Bùi Hữu Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Miện. Ông Tiếp chia sẻ rằng cũng rất sốt ruột, mong giải quyết dứt điểm vụ việc này. Huyện nhiều lần xin ý kiến tỉnh để tháo gỡ nhưng chưa được. Đây là tồn tại cũ để lại.

Chúng tôi được cung cấp nhiều văn bản của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh về vụ việc. Huyện xác định việc đổi đất giữa chính quyền xã Chi Lăng Nam và ông Thục vào năm 1995 là không đúng quy định của pháp luật đất đai. Cơ quan có thẩm quyền không cấp "sổ đỏ" cho mảnh đất của ông Thục vì nhiều diện tích đất nằm trong hành lang giao thông và quy hoạch xây dựng Đảo Cò.

Ngày 28.7.2022, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời đơn của ông Thục. Theo đó, sở này đã nhận được văn bản của UBND huyện Thanh Miện xin ý kiến tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp "sổ đỏ" cho ông Thục. Sở đã giao các phòng chuyên môn nghiên cứu, trao đổi, hướng dẫn Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để tham mưu UBND huyện Thanh Miện giải quyết đề nghị cấp "sổ đỏ" cho ông Thục. Đề nghị cấp "sổ đỏ" của ông Thục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện.

Xử lý đơn và các tài liệu gửi kèm của ông Thục, trong Công văn số 216-CV/BNCTU ngày 16.3.2022 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Nội chính Tỉnh ủy nhận thấy kiến nghị, nguyện vọng của ông là chính đáng.

Khi phóng viên hỏi sao không cấp đổi đất cho ông Thục ra khu tái định cư của xã thì ông Bùi Hữu Tiếp cho biết vấn đề này huyện đã có văn bản đề nghị, xin ý kiến của tỉnh và nhận câu trả lời là không được vì việc giao đất tái định cư chỉ cho các hộ có đất bị thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng của Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái Đảo Cò (dự án này được thực hiện năm 2019). Trường hợp hộ ông Thục không được xem xét, giải quyết theo hướng này.

Đổ cát vào đất cũ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, đến nay dù các cơ quan chức năng từ xã, huyện, tỉnh có nhiều văn bản trả lời đơn của công dân, xin ý kiến xử lý vụ việc song nguyện vọng chính đáng của ông Thục vẫn chưa được giải quyết trên thực tế. 27 năm kể từ ngày đổi đất, ông Thục đã làm nhiều đơn kiến nghị, đi lại nhiều lần đến các cơ quan công quyền song vụ việc vẫn bế tắc. Năm ngoái, ông Thục đã có hành động tiêu cực khi đổ cát trên diện tích đất ở cũ, làm cản trở đi lại vào Đảo Cò. Làm việc với chúng tôi, ông Thục nói thẳng ý định nếu kiến nghị của ông không được giải quyết, ông sẽ tiếp tục đổ cát vào diện tích đất ở cũ.

 Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Thục trình bày sự việc với phóng viên Báo Hải Dương

Vì cái sai của Ban Quản lý cảnh quan Đảo Cò, chính quyền xã Chi Lăng Nam vào năm 1995 mà đến nay hộ ông Thục vẫn chịu thiệt. Khi được hỏi, một số lãnh đạo xã, huyện đều nêu quan điểm ủng hộ nguyện vọng của ông Thục nhưng không hiểu sao đến giờ sự việc vẫn ách tắc?

Chia tay hai vợ chồng già, trên đường về, trong đầu tôi cứ đau đáu mãi câu nói của ông Thục: “Nhiều năm ròng tôi đi đấu tranh đòi quyền lợi, tốn biết bao thời gian, công sức, tiền bạc. Năm nay, tôi đã gần 70 tuổi, sức khỏe rất yếu, không còn sống được bao lâu nữa. Thế mà, chỉ vì cống hiến cho địa phương, cho quê hương xây dựng khu du lịch sinh thái Đảo Cò mà suốt 30 năm qua tôi phải ở nhờ trên mảnh đất của mình. Thử hỏi nếu không có sự hy sinh, đóng góp, phối hợp của những người dân Chi Lăng Nam như chúng tôi, liệu tỉnh nhà có thể có một khu du lịch sinh thái Đảo Cò đẹp đẽ như hôm nay không? Nếu không thể cấp sổ đỏ trên mảnh đất này thì cần cấp đổi cho tôi một mảnh đất khác để tôi sinh sống yên ổn”.

Câu hỏi và nguyện vọng chính đáng của ông Thục nhói buốt trong lòng bao người, rất cần UBND huyện Thanh Miện, xã Chi Lăng Nam giải quyết thỏa đáng, thực chất.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân chịu thiệt vì... đổi đất với xã