Mỹ và Triều Tiên vừa tiến hành cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên chính thức đầu tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.
Nhà đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil trên đường trở về Bình Nhưỡng sau cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa cấp chuyên viên với Mỹ ngày 5.10. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tuy nhiên, trái với những gì dư luận thế giới kỳ vọng, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên lần này đã bị đổ vỡ ngay khi nó vừa mới bắt đầu. Việc hai bên đưa ra những tuyên bố trái ngược về kết quả cuộc đàm phán đã làm dấy lên những ngờ vực về triển vọng cải thiện những bế tắc giữa hai nước.
Những tuyên bố trái chiều
Cuộc gặp tại Stockholm (Thụy Điển) lần này đánh dấu sự nối lại các nỗ lực đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sau nhiều tháng bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2.2019. Kể từ sau hội nghị tại Hà Nội, hai nước vẫn bất đồng xung quanh yêu cầu của Mỹ muốn một lộ trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng đối với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng thì yêu cầu phải nới lỏng trừng phạt và bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng trước khi có bất cứ cuộc thảo luận nào về phi hạt nhân hóa. Nhưng dù còn bất đồng, vào cuối tháng 6.2019, sau cuộc gặp chớp nhoáng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ), hai bên đều nhất trí sẽ nối lại các cuộc họp cấp chuyên viên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Sau nhiều tháng bế tắc, cuộc gặp cấp chuyên viên giữa hai nước tại Villa Elfvik Strand, một trung tâm tổ chức hội nghị ở Lidingo, phía đông bắc thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào ngày 5.10 được kỳ vọng sẽ là những bước đi quan trọng để có thể giúp hai bên tìm ra hướng đi mới.
Cuộc đàm phán lần này này tập trung vào cách thức để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6.2018 tại Singapore. Theo thỏa thuận này, hai bên cam kết xây dựng mối quan hệ song phương mới, cùng nỗ lực thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Theo dự tính, những tiến bộ đạt được từ vòng đàm phán cấp chuyên viên lần này sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, ngay sau cuộc gặp giữa trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil và Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun ngày 5.10, hai bên đã đưa ra những tuyên bố trái chiều.
Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã đổ vỡ và cáo buộc Washington đã khiến cuộc đàm phán “kết thúc trong vô nghĩa”. Theo ông Kim Myong-gil, cuộc đàm phán lần này không đáp ứng được mong đợi của Bình Nhưỡng. Nguyên nhân hoàn toàn là do phía Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và quan điểm cũ, mặc dù đến nay Washington đã gợi ý về một cách tiếp cận linh hoạt và sáng tạo, khiến dư luận kỳ vọng về khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường và khẳng định các cuộc thương lượng sẽ không được nối lại ít nhất là trước cuối năm nay. Mặc dù vậy, ông Kim Myong-gil cũng cho biết Triều Tiên có thể tham gia thảo luận về “giai đoạn tiếp theo” của các biện pháp phi hạt nhân hóa, nếu Washington hồi đáp một cách “chân thành” những biện pháp mà Bình Nhưỡng đã chủ động thực hiện như ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ngày 7.10, nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên Kim Myong-gil khẳng định việc nước này và Mỹ có tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán phi hạt nhân hay không là phụ thuộc vào Washington. Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 7.10 cũng ra tuyên bố cho rằng nếu Mỹ không thoát khỏi "chính sách thù địch" và không đề xuất giải pháp thực sự để phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng sẽ không tiếp tục đàm phán.
Trong khi đó, trái ngược với phản ứng của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tuyên bố rằng nước này đã có "các cuộc thảo luận tốt đẹp" với Triều Tiên tại cuộc đàm phán cấp chuyên viên ở Thụy Điển. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ: "Những bình luận sớm từ phái đoàn Triều Tiên không phản ánh nội dung hoặc tinh thần của cuộc thảo luận kéo dài 8 tiếng rưỡi trong ngày hôm nay". Theo bà Ortagus, Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và có những cuộc thảo luận tốt với các đối tác Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển về việc tiếp tục đàm phán với Triều Tiên trong 2 tuần nữa.
Cần xây dựng niềm tin
Kết quả của cuộc gặp cấp chuyên viên lần này đã cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa thể vượt qua “di sản” của chiến tranh và thù địch. Theo các nhà nghiên cứu, việc hai bên không đạt được thỏa thuận ngày 5.10 và các tuyên bố mâu thuẫn sau đó là không quá ngạc nhiên.
Cuộc đàm phán diễn ra trong một ngày nên khó có thể mang đến nhiều tiến triển tích cực khi mà các bên đang theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Hiện tại, Bình Nhưỡng được cho là muốn kéo dài các cuộc đàm phán cấp chuyên viên để đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump vào một hội nghị thượng đỉnh khác. Ở đó, Triều Tiên hy vọng cuộc đàm phán sẽ diễn ra theo cách họ muốn. Không những vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa thời gian gần đây cũng được cho là một trong những “quân bài” mà nước này sử dụng nhằm làm rõ về vị thế của mình trước khi các cuộc đàm phán mới bắt đầu.
Trong khi đó, về phía Mỹ, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sắp tới gần (vào năm 2020), nếu có một giải pháp "tích cực" cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì đây sẽ được coi là thắng lợi về uy tín cho chính quyền của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, mong muốn là vậy song việc thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân song phương thời gian tới cũng được nhận định là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn duy trì lập trường phải nới lỏng trừng phạt và bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng trước khi có bất cứ cuộc thảo luận nào về phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, theo quan điểm của Washington, việc Triều Tiên dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon là điều kiện tiên quyết để đưa ra những thỏa hiệp tiếp theo.
Có thể thấy rõ, nối lại đàm phán là một chuyện, còn đàm phán có tiến triển và đạt được kết quả tích cực hay không lại là một chuyện khác. Các nhà phân tích cho rằng, cũng phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trải qua nhiều thập kỷ đối nghịch với nhiều nghi kỵ, cả hai bên cần có thời gian xác nhận sự minh bạch để xây dựng niềm tin. Chỉ khi có được lòng tin, các bên mới có thể cùng nhau hành động và thúc đẩy các nỗ lực để đến đích cuối cùng. Thực tế cho thấy, giữa Mỹ và Triều Tiên đã trải qua nhiều cách tiếp cận, nhiều cơ chế đàm phán từ diện hẹp cho tới đa phương, nhưng cuối cùng vẫn lâm vào bế tắc. Nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn và theo đuổi toan tính lợi ích riêng cũng như sự nghi kỵ lẫn nhau thì con đường dẫn đến hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sẽ vẫn còn nhiều trắc trở.
Mặc dù vậy, đánh giá về việc Mỹ và Triều Tiên chịu ngồi vào bàn đàm phán lần này, các nhà phân tích vẫn nhìn nhận đây là tín hiệu tích cực cho sự ổn định của khu vực và thế giới. Những tuyên bố của hai nước sau cuộc gặp cấp chuyên viên ngày 5.10, theo đó để ngỏ cơ hội cho các cuộc gặp tiếp theo, được cho là không đóng sập hoàn toàn cánh cửa đàm phán.
Theo TTXVN