“Đắm bầy virus” - tự test lòng mình

13/03/2022 07:38

Những năm gần đây, nhà văn Nguyễn Văn Học - một cộng tác viên quen thuộc của báo Hải Dương cuối tuần, liên tục xuất bản nhiều tập sách đủ các thể loại, truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết.


Tiểu thuyết “Đắm bầy virus” ra mắt đầu năm 2022

Những năm gần đây, nhà văn Nguyễn Văn Học - một cộng tác viên quen thuộc của báo Hải Dương cuối tuần, liên tục xuất bản nhiều tập sách đủ các thể loại, truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết như “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé” (2018), “Nhạc cây” (2019), “Hà Nội thênh thang kí ức” (2020), “Hà Nội rong ruổi thanh xuân” (2021), “Miền thánh đợi” (2021). Và anh cũng tái bản nhiều tập tiểu thuyết đã viết từ nhiều năm trước như: “Hỗn danh” (xuất bản năm 2014, tái bản 2020), “Vết thương hoa hồng” (xuất bản 2016, tái bản 2020), hoặc vừa xuất bản đã tái bản hàng vạn quyển như tiểu thuyết “Linh điểu” (xuất bản và tái bản trong cùng năm 2020). Kể thế đủ biết sức viết và sức hấp dẫn bạn đọc từ những trang văn của Nguyễn Văn Học.

Tiếp tục mảng đề tài về thế sự và sinh thái, đầu năm 2022, nhà văn ra mắt tiểu thuyết “Đắm bầy virus” (Nhà xuất bản Dân trí). “Đắm bầy virus” lấy bối cảnh ở nông thôn Bắc Bộ, làng xóm trong xã Tiến Thắng, một xã thuần nông trước kia vốn êm đềm thanh bình với những bờ đê cỏ mướt, những đàn trâu thong thả gặm cỏ, những cánh diều chao liệng không trung, những đôi trai gái hẹn hò tình tứ nhưng nay đã không thoát khỏi vòng xoáy của cơ chế thị trường, thời đại công nghiệp hóa, đô thị hóa. Từ cảnh vật, thiên nhiên, con người đã bị vòng xoáy đó cuốn vào làm cho biến dạng, méo mó, tơi tả. Dưới mạch kể chuyện xưng tôi, là nhà báo Hảo, một người từ quê trưởng thành ra phố mà vẫn một lòng hướng về làng quê, chứng kiến câu chuyện xảy ra ở gia đình mình, anh em mình, làng quê mình khiến cho ông đau đớn, giằng xé.

Chuyện người quê bán đất để phô giàu, chuyện người phố về quê thuê đất trồng rau sạch để kéo dài sự sống. Chuyện những gã thanh niên như Tân, Kiên, Tỏ bất chấp mọi thủ đoạn kể cả lừa những người thân sinh ra mình để kiếm tiền. Sẵn sàng đánh đổi danh dự, đánh đổi mạng sống người thân, thậm chí đánh đổi mạng sống của bản thân. Họ đi bán thận dễ như bán mớ rau, bao thóc, để có tiền chạy theo thói ăn chơi đua đòi mới nổi, mua ô tô để chứng tỏ nhà giàu, để được coi tay chơi thời đại. Cứ tưởng chuyện bán thận còn ở đâu xa xôi nhưng nó đã rất sôi động chẳng khác gì một cái chợ, chợ chuyên bán thận ở Tiến Thắng.

Hình ảnh đường làng đỗ đầy xe ô tô đủ mẫu mã, chủng loại nhưng con người thì bấy bớt, quặt quẹo, khiếm khuyết khiến người đọc cũng rùng mình. Cái bầy virus gặm nhấm vào nhân cách, đạo đức ấy còn nguy hiểm gấp nhiều lần loài virus gây ra dịch Covid-19 mà tác giả chọn thời điểm đưa vào phần sau của cuốn tiểu thuyết. Nếu con người cứ mãi đắm chìm mù quáng làm nô lệ vật chất thì chẳng mấy chốc sẽ bị hủy diệt trong bầy virus của chính mình.

Cùng với nhân vật “người”, nhà báo Hảo kể, để làm chậm lại, mềm đi, sâu sắc, khắc khoải hơn và cũng dữ dội, công phá hơn, nhà văn dùng thủ pháp nhân hóa qua mạch kể chuyện thứ hai, cây sưa cổ, “cụ sưa” xưng “ta” song hành kể chuyện. “Cây” và “người” cùng kể chuyện vốn là cách mà Nguyễn Văn Học đã thường dụng công trong một số truyện ngắn. Cây sưa như một cụ già trầm tĩnh, bao dung, luyến tiếc những ngày xưa con người hồn hậu với cây, với thiên nhiên. Những Tân, Kiên còn là cậu bé chiều chiều ra vườn chơi dưới gốc sưa, bao nhiêu đàn chim chóc khắp nơi bay về trên tán lá. Tất cả đã không còn. Tất cả hiện tại chỉ nhìn thấy "cụ sưa" là nhìn thấy tiền, thấy vàng, thấy xe ô tô, nhà lầu, nên dù có cố giữ gìn, chằng níu bảo vệ thì những Muối, Hảo cũng không giữ được cây sưa cổ, báu vật của gia đình, dòng họ, một khi trộm ở ngay trong nhà mình. Mỗi lần một cành sưa bị chặt trộm là một lần Muối như chết đi. Cho đến lúc chính những đứa con trai đứt ruột sinh ra, nuôi nấng chặt đến cành cuối cùng thì đức tin đã bị hủy diệt, Muối đã đi theo "cụ sưa" đến một miền xanh thẳm, không phải vướng bận gì chuyện trần gian.

Những va đập dữ dội của cuộc sống đổi mới tác động đến nhân cách con người gợi lên sự ám ảnh và dự báo cao trong tác phẩm. “Đắm bầy virus” một lần nữa cho thấy khi lòng tham vô độ, đề cao vật chất hơn tình nghĩa, khi nhân cách, danh dự, lòng yêu thương con người và thiên nhiên không còn thì suy đồi, tha hóa đạo đức, dịch bệnh, thiên tai sẽ đến. Hai ngôi kể đan xen, bổ sung cho nhau, cùng vận động theo mạch chuyện khiến người đọc như bị hút vào, đắm đuối và để rồi cuối cùng cảm nhận và tự test lòng mình xem đã nhiễm bầy virus ấy chưa?

NGUYỄN THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Đắm bầy virus” - tự test lòng mình