"Được ở cạnh Đại tướng giúp tôi thêm sáng mắt, sáng lòng. Tôi không bao giờ quên hình ảnh, những kỷ niệm và đặc biệt là nhân cách vĩ đại của bác".
Thượng tá Phạm Việt Hùng còn lưu giữ nhiều hình ảnh, kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đó là chia sẻ của thượng tá Phạm Việt Hùng (62 tuổi), người từng là vệ sĩ tiếp cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hơn một thập kỷ.
Giản dị mà vĩ đại
Nhà thượng tá Phạm Việt Hùng nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ). Vào phòng khách của gia đình ông, tôi thực sự choáng ngợp bởi những hình ảnh, kỷ vật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo khắp 4 bức tường và trưng bày kín tủ kính. Tôi còn chưa hết ngơ ngác, ông Hùng đã khoe: "Tôi còn có album lưu hàng trăm bức ảnh liên quan đến Đại tướng, lát sẽ cho anh xem".
Ông Hùng là vệ sĩ tiếp cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giai đoạn 2001-2012. Ông nói đó là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời mình. Năm 2001, ông Hùng từ một cán bộ điều tra, trinh sát thuộc Cục Bảo vệ an ninh Quân đội được cử về làm vệ sĩ tiếp cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cùng gần chục người gồm lái xe, thư ký, nhân viên văn phòng, bác sĩ có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, phục vụ Đại tướng 24/24 giờ. Suốt 11 năm ấy, ông Hùng vinh dự được gần gũi, hiểu sâu hơn về nhân cách giản dị nhưng vĩ đại của một trong những vị tướng tài bậc nhất thế giới.
Ông Hùng kể: Năm 2001, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy 90 tuổi nhưng vẫn giữ nền nếp sinh hoạt như một quân nhân. Hằng ngày, Đại tướng dậy rất sớm, tự vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng, đọc sách, nghiên cứu tài liệu và chơi đàn piano. Đại tướng không quên gọi mọi người cùng dậy tập thể dục để duy trì sức khỏe. Ngày nào Đại tướng cũng dành thời gian xuống dãy nhà nơi ông Hùng và các bộ phận phục vụ ở để trò chuyện, hỏi han. Có đêm trời oi nóng, Đại tướng xuống gõ cửa từng phòng hỏi anh em có ngủ được không. Đại tướng luôn tạo không khí thân mật, gần gũi với những người xung quanh mình và không quên tặng quà, gửi lời thăm hỏi gia đình của những người phục vụ khi họ có dịp nghỉ phép về thăm nhà.
Giao tiếp với các đoàn khách đến thăm, kể cả với những cựu chiến binh Pháp vốn đối đầu nơi chiến tuyến xưa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện là một người đức độ, nhân từ và giàu lòng vị tha. Trò chuyện với người đối diện, Đại tướng thường hỏi thăm về gia đình, công việc, cuộc sống... của họ với cử chỉ ân cần, niềm nở. Đôi khi với một số vị khách đặc biệt, đại tướng Võ Nguyên Giáp nói ít nhưng từng lời thấm thía, sâu sắc. Ngày nào Đại tướng cũng bảo ông Hùng hoặc các thành viên khác trong bộ phận phục vụ đọc báo để nắm tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Cứ nghe đồng bào phải chịu cảnh lũ lụt, bệnh tật hay rơi vào hoàn cảnh khó khăn... là Đại tướng lại buồn và suy tư.
Ông Hùng từng theo bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hàng trăm sự kiện. Nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất là lần tháp tùng Đại tướng về thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 2004). Hôm đó, Đại tướng muốn lên thăm lại hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm dưới chân núi Pú Đồn, xã Mường Phăng. Đây là nơi có địa hình hiểm trở, dốc cao, khó đi. Lo Đại tướng tuổi cao đi lại vất vả nên cán bộ và người dân bản địa nhanh ý làm hẳn chiếc kiệu để đưa bác lên. Nhưng bác xua tay từ chối và nói với mọi người rằng: "Đồng bào đi được, tôi cũng đi được. Đi được bao nhiêu thì đi, mệt sẽ nghỉ rồi bước tiếp"...
Ông Hùng cho biết người dân khắp cả nước liên tục gửi thư cho Đại tướng để phản ánh những tiêu cực trong xã hội hoặc giãi bày những khuất tất của cuộc sống. Dù công việc bận rộn nhưng Đại tướng vẫn dành thời gian đọc hết thư, bút phê rồi yêu cầu bộ phận văn phòng chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho người dân.
Năm 2012, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải nhập viện vì sức khỏe yếu, ông Hùng cũng nghỉ hưu từ đó. Trở về quê nhà, ông vẫn dõi theo tình hình sức khỏe Đại tướng. Hôm nghe đơn vị báo tin Đại tướng qua đời, lòng ông đau quặn, nước mắt đầm đìa. Giờ đây, cứ có dịp lên Hà Nội, ông Hùng lại qua thắp hương, thăm hỏi gia đình bác Giáp. "Với tôi, Đại tướng là một người cha, một vĩ nhân đức độ, giản dị mà cao quý", ông Hùng nói.
Sống tốt
Ông Hùng thi thoảng mang những bức ảnh, kỷ vật liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lau chùi, sắp xếp lại ngay ngắn. Dưới mỗi bức ảnh, ông đều chú thích rõ nội dung, thời gian. Ông chia sẻ: "Những bức ảnh, kỷ vật này nhắc nhớ tôi về những kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời. Nhìn vào đó, bản thân tôi tự dặn lòng phải tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo nhân cách cao đẹp của Đại tướng".
11 năm được ở bên cạnh Đại tướng, điều ông Hùng thấy tâm đắc nhất là đã học được đức tính nhẫn nhịn, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt chữ tâm, chữ đức lên hàng đầu. Ông sống đoàn kết, chan hòa, tích cực giúp đỡ người dân địa phương. Hưởng lương hưu hơn 11 triệu đồng mỗi tháng nhưng ông Hùng vẫn đi đánh dậm, chi tiêu tiết kiệm để dành tiền tham gia đóng góp xây dựng quê hương, ủng hộ các phong trào, hoạt động của các đoàn thể và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhà không có ruộng, ông Hùng sẵn sàng đi gặt, đào đắp bờ vùng giúp anh em, hàng xóm. 62 tuổi nhưng ông vẫn duy trì tập thể lực, đẩy tạ, đi bộ, hằng ngày tham gia câu lạc bộ cầu lông. Ông từng giành giải nhì cá nhân giải cầu lông do Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức.
Trong cuộc sống hằng ngày, ông Hùng luôn dạy các con, các cháu phải sống tốt, nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Hai con trai của ông đều cùng công tác trong ngành công an. Nhận xét về ông Hùng, Bí thư Chi bộ thôn An Định Phạm Đình Giang cho biết: "Ông Hùng sống rất ngay thẳng, tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, có ích với địa phương. Ông sống gương mẫu, được dân làng tin tưởng, quý mến".
TIẾN MẠNH