Đại thắng mùa xuân 1975 -Bản hùng ca bất diệt

30/04/2021 18:06

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, âm hưởng của bản hùng ca Đại thắng mùa xuân 1975 luôn vọng về âm vang náo nức lòng người.


Chiến sĩ Bùi Quang Thận (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sĩ của Quân đoàn 2-Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Sài Gòn lúc 11 giờ 30 ngày 30.4.1975

Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi to lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để và trọn vẹn nhất.

Những trang sử vàng đã từng ghi đậm nét những thời khắc lịch sử của dân tộc. Đó là lúc bài thơ “Nam quốc sơn hà” vang lên khi cuộc kháng chiến chống quân Tống (1075-1077) đến hồi quyết liệt, là khi các bô lão cùng thét vang hai chữ “Sát Thát” tại hội nghị Diên Hồng (năm 1284) để đáp lại lời vua Trần Nhân Tông hỏi về việc ứng phó với giặc Nguyên Mông, là lúc toàn dân ta đồng loạt vùng lên đập tan gông xiềng nô lệ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” theo lời hiệu triệu của Đảng và Bác Hồ kính yêu trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Hào khí của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Tinh thần Chiến thắng 30.4.1975 luôn tỏa sáng trong thời đại ngày nay đúng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12.1976) đã nhận định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Bản hùng ca bất diệt của Đại thắng mùa xuân 1975 cũng là bản hùng ca khát vọng thống nhất Tổ quốc trọn vẹn một dải non sông từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, một dải đất nước hình chữ S thân yêu không còn giới tuyến chia cắt. “Nam Bắc sum họp một nhà”, đó là ước vọng lớn lao nhất của Bác Hồ. “Miền Nam đi trước về sau” và miền Nam "Thành đồng Tổ quốc”. Miền Nam nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng. Và hôm nay, trong ngày vui đại thắng, Bác đã trở về với đoàn quân “Bộ đội Cụ Hồ”. Chiến dịch Đại thắng mùa xuân lịch sử được mang tên người: Chiến dịch Hồ Chí Minh. TP Sài Gòn giải phóng được mang tên Người: TP Hồ Chí Minh. 

Bản hùng ca bất diệt Đại thắng mùa xuân 1975 là một hành trình, là đỉnh cao của cả một chặng đường đấu tranh lâu dài của lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc ta. Đó là trữ lượng của truyền thống đánh giặc, là cội nguồn của lòng yêu nước nồng nàn của khối đoàn kết đồng bào chung một bọc trứng Âu Cơ, chung con Lạc cháu Hồng. Ta cứ ngỡ như những cỗ xe tăng thiết giáp cài lá ngụy trang sạm đen khói súng vào giải phóng Sài Gòn còn mang âm hưởng hình bóng của những con voi chiến ngày xưa của cuộc hành binh thần tốc vua Quang Trung vào thành Thăng Long. Trận thắng ngày 30.4 tô thêm lịch sử còn ghi lại những cột mốc: trận Bạch Đằng (1288) chống quân Nguyên Mông, trận Chi Lăng (1427) chống quân giặc Minh, trận Đống Đa (1789) chống quân Thanh với khí thế: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu” trong thơ tướng quân Trần Quang Khải đời nhà Trần. Dù lịch sử đã đi qua nghìn năm, qua bao chiến trận, đánh thắng bao quân thù thì vẫn vẹn nguyên hình ảnh người nghĩa quân năm xưa, anh Giải phóng quân ngày nay.

Bản hùng ca bất diệt Đại thắng mùa xuân 1975 là cuộc hành quân trường kỳ kháng chiến của cả dân tộc Việt Nam. Miền Bắc hậu phương lớn đã “chia lửa” với miền Nam ruột thịt, chi viện bao sức người, sức của. Đó là những phong trào “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng” và “Xe chưa qua nhà không tiếc” để thông tuyến thông đường cho những đoàn xe ra mặt trận qua những trọng điểm ác liệt ngã ba Đồng Lộc, ngã ba Truông Bồn... Đế quốc Mỹ với chiến dịch dùng pháo đài bay B-52 đánh phá Hà Nội hòng đưa nước ta trở về thời kỳ đồ đá không ngờ bị những con rồng lửa Thăng Long thiêu cháy trên bầu trời thủ đô. Sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh của lương tri nhân loại đã góp thêm vào sức mạnh nội lực của dân tộc ta đi đến ngày chiến thắng huy hoàng dù phải trải qua bao mất mát hy sinh. Những hàng bia liệt sĩ không tên, những nghĩa trang trải dài đất nước, vẫn ngời lên những ngôi sao cháy sáng trong đêm, những cuộc đời dừng lại ở tuổi 20. 

Bản hùng ca bất diệt Đại thắng mùa xuân 1975 là khúc ca quân hành, khúc ca chiến đấu thì sau ngày toàn thắng dân tộc ta lại bắt đầu bài ca lao động để “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trên những công trường, xưởng máy lấp lánh ánh lửa hàn - hàn lại vết thương chiến tranh, hàn gắn những mất mát đau thương chia cách, hàn nối những cấu kiện sắt thép, nối những nhịp cầu thân thương của những công trình mới. Từ những giàn khoan thắp lửa ngoài biển khơi đến những cánh đồng mênh mông ấm no màu vàng của lúa. Từ những giảng đường đại học đến những lớp học tình thương trên các bản làng vùng cao hẻo lánh. Từ đây vị thế của con người Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới. Lịch sử phát triển của dân tộc ta luôn gắn liền với lịch sử giữ nước, bảo vệ vẹn tròn vững chắc Tổ quốc thân yêu. Màu áo xanh quân phục của người lính lại có mặt trên biên giới, hải đảo súng chắc trong tay như những cột mốc sống. Thành trì vững chắc của trận chiến này đã được đổ móng xây nên từ trầm tích và trữ lượng truyền thống lịch sử muôn đời bất diệt. Đặc biệt hào khí của Đại thắng mùa xuân 1975 đã được phát huy cao độ trong những ngày cả nước chung tay chống “giặc” Covid-19 và chúng ta đã chiến thắng! 

NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Đại thắng mùa xuân 1975 -Bản hùng ca bất diệt
ss