Đài phát thanh và truyền hình Nhật Bản NHK sẽ phát chương trình giới thiệu tiếng Việt, Tết Việt, văn hóa Việt Nam và V-pop, trong đó có cả ca khúc của Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP và Hoàng Thùy Linh.
Chương trình có tên Tiếng Việt trong cuộc sống và công việc, sẽ lên sóng đài NHK lúc 13 giờ 30 - 13 giờ 45 trong các ngày từ 26 tới 29/12.
Diễn viên hài Nhật Bản Uechan dẫn chương trình với sự tham gia của hai khách mời là Phạm Hải Triều, ca sĩ người Việt hoạt động âm nhạc ở Nhật và Cao Thị Minh Châu, phát thanh viên đài NHK.
Đặc biệt, chương trình còn có GS Shimizu Masaaki, Trường Đại học Osaka (Nhật Bản) - người lên đề cương cho bài giảng ngữ pháp môn tiếng Việt. Ông là người "hiểu tiếng Việt" còn hơn nhiều người Việt.
GS Shimizu Masaaki nói đây là chương trình được phát vào cuối và đầu năm, nên đài NHK đã lấy văn hóa Tết làm chủ đề, gồm bốn số xoay quanh chủ đề về tiếng Việt, Tết Việt và văn hóa Việt Nam.
"Họ muốn thính giả Nhật Bản biết đến văn hóa Tết Việt Nam và món bánh chưng", GS cho biết.
Chương trình cũng có phần nói về văn hóa âm nhạc V-pop cũng như giới thiệu một số ca khúc Việt Nam.
GS Shimizu Masaaki cho rằng văn hóa âm nhạc là một chủ đề chung được thính giả cả thế giới quan tâm.
Để có mối quan hệ Việt - Nhật mang tính xây dựng trong tương lai và đặc biệt để thu hút sự quan tâm của giới trẻ, NHK đã quyết định giới thiệu V-pop.
Trong đó, ca khúc Lý do tôi sinh ra (nhạc: Sadamasashi, lời Việt: Hải Triều) được chọn để mở đầu vì nó mang thông điệp chúng ta sinh ra là để gặp nhau, để hạnh phúc…
Ca sĩ Hải Triều là người thể hiện ca khúc, đồng thời là người giới thiệu về V-pop trong chương trình này.
Anh tiết lộ thêm, các số tiếp theo sẽ giới thiệu ca khúc Muộn rồi mà sao còn của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh và Nhé anh của Mỹ Tâm.
GS Shimizu Masaaki nói điều hấp dẫn nhất với ông vẫn là văn hóa yêu quý gia đình của người Việt Nam.
Ngày Tết là một dịp quan trọng nhất cho cả gia đình tập hợp lại và chia sẻ mọi chuyện trong năm cũ.
"Trong kho tàng V-pop, có rất nhiều bài hát về tình yêu. Nhiều khi tôi cảm thấy ở Việt Nam, tình yêu nam nữ cũng như tình yêu cha mẹ con và tình yêu anh chị em đều xuất phát từ tình yêu gia đình", ông nói.
Trong chương trình, có phần giáo sư giới thiệu cách xưng hô trong tiếng Việt.
Theo ông, cách xưng hô tiếng Việt cũng thể hiện mối quan hệ thân mật trong gia đình được mở rộng và áp dụng vào ngoài xã hội. Điều đó là một trong những động cơ để ông tiếp tục học và nghiên cứu tiếng Việt.
Ca sĩ Hải Triều Hiện thông tin thêm, hiện ở Nhật có khoảng 500.000 người Việt sinh sống và làm việc.
Trong bối cảnh đó, những chương trình thế này là cần thiết. Mục đích của chương trình là để cho người Nhật giao lưu nhiều hơn qua ngôn ngữ, âm nhạc và văn hóa Việt Nam.
Trước Tiếng Việt trong cuộc sống và công việc, đài NHK đã từng sản xuất một chương trình mang tên Du lịch ngôn ngữ châu Á vào năm 2005, trong đó có tiếng Việt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của GS Shimizu Masaaki, đây là lần đầu tiên NHK sản xuất một chương trình giảng dạy ngôn ngữ Việt Nam một cách toàn diện.
Ca sĩ Hải Triều nói chương trình này đặc biệt vì có cả người Việt và người Nhật cùng tham gia, mang lại sự ấm cúng, giao lưu thân thiết.
"Đây có thể là cơ duyên để nhiều người Nhật quan tâm Việt Nam hơn, có thể sẽ thành chương trình định kỳ sau này nếu được đón nhận", anh nói.
Theo Tuổi trẻ