Đài Loan dự kiến sẽ phối hợp với nhà chức trách Việt Nam để dỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động vào cuối tháng này.
Đào tạo công nhân đi xuất khẩu lao động. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Theo CNA, Bộ Lao động Đài Loan ngày 7-3 cho biết, hòn đảo này có thể dỡ bỏ một lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam kéo dài một thập kỷ qua như là một phương án để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động sau khi Indonesia thông báo có thể sẽ ngừng xuất khẩu lao động không có chuyên môn.Do tình trạng lao động bỏ trốn nghiêm trọng, Đài Loan đã áp đặt lệnh cấm tiếp nhận lao động là ngư dân Việt Nam vào tháng 5-2004 và ngừng nhận người giúp việc Việt Nam từ tháng 1-2005.
Bộ trưởng Lao động Đài Loan Trần Hùng Văn cho biết: “Dỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động Việt Nam là một trong những phương án của Đài Loan và chúng tôi cũng đang đàm phán với những nước khác (về việc tiếp nhận lao động của họ)”.
Ông Trần Hùng Văn nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, sau khi Việt Nam bắt đầu xử phạt nghiêm khắc lao động bỏ trốn, tình hình đã được cải thiện”.
Theo Bộ trưởng Trần Hùng Văn, Đài Loan dự kiến sẽ phối hợp với nhà chức trách Việt Nam để dỡ bỏ lệnh cấm tiếp nhận lao động vào cuối tháng này, trong bối cảnh hai bên sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 4 tới.
Nếu đàm phán suôn sẻ, lệnh cấm có khả năng được dỡ bỏ sớm nhất là trong vòng 6 tháng tới.
Theo số liệu của Bộ Lao động Đài Loan, tính đến cuối tháng 1-2015, Indonesia là nước xuất khẩu nhiều lao động nhất sang Đài Loan, chiếm 41,6% trong tổng số 556.412 người lao động nước ngoài tại hòn đảo này (231.489 người).
Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, Indonesia tuyên bố sẽ giảm dần số lượng lao động là người giúp việc xuất khẩu sang Đài Loan, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Macau cũng như các nước và vùng lãnh thổ khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu từ năm 2017.
Biện pháp này chắc chắn sẽ tác động tới Đài Loan, bởi vùng lãnh thổ này phụ thuộc nặng nề vào nguồn lao động từ Indonesia.
Vietnam+