Cảnh người người, nhà nhà đốt vàng mã đã giảm mạnh, việc tập trung ăn uống linh đình hay hàng nghìn người tham gia các khóa lễ tại chùa không diễn ra. Mùa lễ Vu Lan năm nay thật đặc biệt.
Chùa Đống Cao tổ chức các khóa lễ nội bộ vào 4 khung giờ trong ngày
Với tinh thần báo ân, báo hiếu, lễ Vu Lan vào tháng 7 âm lịch hằng năm có ý nghĩa đặc biệt, hướng mọi người trở về với nguồn cội. Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tinh thần hiếu đạo vẫn luôn trọn vẹn.
Đốt vàng mã, ăn cỗ linh đình giảm mạnh
Ở giữa tâm dịch Đà Nẵng, dịp rằm tháng bảy này chị Trần Thị Tú (Đà Nẵng) không thể về Hải Dương để làm lễ tưởng nhớ người mẹ mới mất. Chị đành nhờ một người bạn liên lạc với nhà sư trụ trì chùa Ngọc Châu (TP Hải Dương) để gửi tâm về thắp hương mẹ. Dù không thể làm mâm cao cỗ đầy để tưởng nhớ mẹ, nhưng chị Tú thấy an tâm vì không ít gia đình khác cũng làm như chị.
Thông thường, năm nào gia đình ông Nguyễn Hữu Dược ở xã Tân Hương (Ninh Giang) cũng đón hơn chục con, cháu về cúng rằm tháng bảy. Ông thường sửa soạn lễ cúng nặng về vật phẩm cúng tế, hóa nhiều vàng mã để tưởng nhớ người đã khuất. Năm nay, chỉ có duy nhất một người con trai về phụ ông sửa soạn mâm cỗ cúng vì hầu hết con, cháu ông đang ở khu vực phải cách ly y tế. Lễ cúng đơn giản, gọn nhẹ hơn. Ông cũng không hóa nhiều tiền vàng, không mua đồ mã như trước. Các con, cháu chỉ gọi điện, cùng dõi theo ông cúng lễ qua ứng dụng cuộc gọi Face time.
Cũng do dịch Covid-19, gia đình bà Phạm Thị Châu, ở khu 18, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) không thể về quê ở Thái Bình để làm lễ cúng rằm tháng bảy như mọi năm. Bà sửa soạn một mâm lễ gọn gàng, thắp hương bằng lòng thành để hướng về tổ tiên, quê hương. Bà Châu cho biết mọi năm bà thường sắm rất nhiều tiền vàng, quần áo, mũ mã cho người đã khuất. Thông thường, mỗi dịp về quê cúng rằm tháng bảy, gia đình bà đều chở đầy một thùng xe ô tô con đồ vàng mã, nhưng năm nay bà đã tiết giảm mọi thứ. Cũng khác với mọi năm, con cháu bà không quây quần, tập trung làm lễ và ăn uống trong dịp này.
Nhà chùa tổ chức lễ trực tuyến
Những năm trước, lễ Vu Lan được chùa Đống Cao, phường Tân Hưng (TP Hải Dương) tổ chức với nhiều nghi thức ý nghĩa thu hút hàng nghìn người tham dự. Năm nay, nhà chùa chỉ tổ chức các khóa lễ nội bộ, theo 4 khung giờ. Phật tử không trực tiếp đến chùa nhưng có thể theo dõi các khóa lễ qua hình ảnh được phát trực tiếp (livestream) trên trang Facebook Phật giáo Hải Dương để hướng tâm tới ngày đại lễ. Nhà chùa tiếp nhận các bản đăng ký của phật tử qua điện thoại, tin nhắn, email để làm danh sách cầu nguyện. Các nghi thức nội bộ được duy trì, cắt giảm phần lễ nhạc.
Chùa Vĩnh Bảo, xã Long Xuyên (Bình Giang) cũng không tổ chức lễ Vu Lan. Sư thầy Thích Diệu Hiền, trụ trì chùa Vĩnh Bảo cho biết trước tình hình dịch Covid-19, nhà chùa thực hiện nghiêm việc tránh tập trung đông người, nhà chùa chỉ tụng kinh, lễ bái hằng ngày, tịnh tu, hướng về tam bảo tụng kinh, hồi hướng cho quốc thái dân an.
Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: "Căn cứ tình hình dịch Covid-19, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện tránh tập trung đông người, khuyến khích các chùa, cơ sở tự viện tổ chức lễ Vu Lan trực tuyến. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh kêu gọi tăng ni, phật tử thể hiện tinh thần tri ân, báo hiếu trong mùa Vu Lan bằng việc ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19".
Theo thượng tọa Thích Thanh Vân, lời đức Phật dạy "Tâm hiếu là tâm phật, hạnh hiếu là hạnh phật, bách hạnh hiếu vi tiên", đại lễ Vu Lan nhắc nhở những người con phật xuất gia, tại gia phải luôn luôn nhớ đến ân đức sinh thành, ông bà tổ tiên, tu thân hành thiện, làm tròn bổn phận, trách nhiệm của người con đối với cha mẹ... Dù là tham dự lễ Vu Lan bằng hình thức nào thì điều quan trọng là cái tâm của con cháu hướng tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
THU NGA