Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 sẽ chính thức diễn ra từ 12 - 14.5 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam).
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ Vesak 2019. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Đây là lần thứ 3 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức đại lễ Vesak - một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc.
Vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Vesak là tên gọi tháng thứ 4 trong năm theo lịch cổ của Ấn Độ. Theo người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo, tháng Vesak là tháng linh thiêng bởi vào ngày trăng tròn của tháng này (tương đương với ngày rằm tháng 4 âm lịch, thường vào tháng 5 dương lịch) diễn ra ba sự kiện trùng lặp gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Đức Phật: Phật đản (ngày sinh của Đức Phật), Phật thành đạo (Đức Phật tu hành đắc đạo) và Phật Niết bàn (ngày Đức Phật qua đời).
Từ xa xưa, Đại lễ Vesak - đại lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trên, hay còn gọi là lễ Tam hợp Đức Phật, đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo, bắt đầu từ Sri Lanka, Ấn Độ, sau đó truyền sang Myanmar, Thái Lan...
Ðể tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Ðức Phật, ngày 15.12.1999, theo đề nghị của 34 nước thành viên Liên hợp quốc, Ðại Hội đồng Liên hợp quốc đã công nhận Ðại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc, những hoạt động của Ðại lễ được tổ chức hằng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên hợp quốc trên thế giới.
Năm 2001, Ðại lễ Vesak được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) với sự tham gia của đại biểu đến từ 34 nước. Kể từ đó đến nay Đại lễ Vesak đã được tổ chức nhiều năm liền ở trụ sở Liên hợp quốc và ở các nước có Phật giáo đăng cai. Đại lễ Vesak được tổ chức hằng năm với quy mô quốc tế là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên hợp quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Ở Việt Nam, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, bởi vậy đất nước Việt Nam tôn trọng các giá trị nhân bản, nhân văn của Phật giáo. Ngày 17.5.2007, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi Công hàm tới Chính phủ Hoàng gia Thái Lan (nước đăng cai tổ chức Ðại lễ Ðại lễ Vesak 2007) và Ban tổ chức, bày tỏ sự hưởng ứng về việc tổ chức Ðại lễ Ðại lễ Vesak 2008 của Chính phủ Việt Nam. Ngày 23.5.2007, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi điện chúc mừng Ðại lễ Vesak 2007, nêu rõ: Chính phủ Việt Nam hoan nghênh quyết định của Liên hợp quốc công nhận tính quốc tế và cơ chế tam hợp của ngày Ðại lễ Vesak.
Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức Ðại lễ Vesak 2008 tại Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ cao đối với quyết định nói trên của Liên hợp quốc vì hòa bình, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội.
Việt Nam lần thứ ba đăng cai Đại lễ Vesak 2019
Đây là lần thứ 3 Đại lễ Vesak tổ chức tại Việt Nam, sau hai lần đăng cai vào năm 2008 và 2014. Việc đăng cai tổ chức Ðại lễ Vesak thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam quyết tâm ủng hộ chủ trương của Liên hợp quốc nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
- Đại lễ Vesak 2019
Với chủ đề “Cách tiếp cận của Giáo hội về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Đại lễ Vesak 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14.5 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đại lễ Vesak 2019 sẽ là dịp gặp gỡ và giao lưu trao đổi giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo, cơ hội truyền bá thông điệp của đức Phật cho nhân loại về hòa bình, hòa hợp, tiến bộ và phát triển. Hiện đã có 1.650 đại biểu thuộc 570 phái đoàn quốc tế và cá nhân thuộc 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia Đại lễ, trong đó có các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Myanmar; Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan… và hàng chục nghìn chức sắc Phật giáo, tăng ni, Phật tử trong nước tham dự sự kiện này.
Sẽ có 398 bài tham luận bằng tiếng Anh của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận bằng tiếng Việt của các học giả trong nước được trình bày tại các diễn đàn của Đại lễ.
Đại lễ Vesak 2019 tập trung thảo luận về các chủ đề: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và cách mạng 4.0; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm... Ngoài ra, tại Đại lễ Vesak 2019 còn có các hoạt động văn hóa tâm linh: lễ tắm Phật truyền thống; đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; các triển lãm ảnh về các chùa di sản thế giới của Việt Nam…
- Đại lễ Vesak 2014
Đại lễ Vesak 2014 được tổ chức từ ngày 8 - 10.5.2014 tại khu du lịch văn hóa tâm linh Bái Đính, Ninh Bình có chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” với sự tham dự của hơn 1.150 đại biểu ưu tú của Phật giáo đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với sự tham gia của hàng vạn tăng, ni, phật tử trong nước.
Điểm nổi bật là Đại lễ Vesak 2014 đã thông qua Tuyên bố Ninh Bình với nhiều nội dung quan trọng.
Đại lễ Vesak 2014 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế, trách nhiệm của Phật giáo Việt Nam đối với Liên hợp quốc; đồng thời, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam, một đất nước tự do về tôn giáo, đề cao giá trị nhân bản của Phật giáo; khẳng định sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam tới tự do tôn giáo.
- Đại lễ Vesak 2008
Đại lễ Vesak 2008 được tổ chức từ ngày 13 - 17.5.2008 tại thủ đô Hà Nội có chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo về việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” với sự tham dự của 3.500 đại biểu chính thức đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thành công của Đại lễ Vesak 2008 tại Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, được đánh giá là Đại lễ Vesak thành công và có quy mô lớn nhất trong tất cả các kỳ đại lễ đã được tổ chức (tính tới thời điểm đó) với 12 kỷ lục Phật giáo Việt Nam được xác lập tại Đại lễ. Qua đó tạo nên hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam và nâng cao vị thế Phật giáo Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời khẳng định truyền thống văn hóa Phật giáo lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Ðại lễ Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo tâm linh, trao đổi học thuật, mà còn có ý nghĩa về văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo. Ðây là cơ duyên tốt để tăng ni, phật tử thế giới chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp độ sinh thúc đẩy bảo vệ hòa bình. Ðồng thời, thông qua các hoạt động nghi lễ, tham quan, biểu diễn văn hóa-nghệ thuật, cộng đồng Phật giáo quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam xưa và nay, trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo TTXVN