Đại hội XIII: Giải quyết “nút thắt” đổi mới toàn diện giáo dục

27/01/2021 16:01

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục giai đoạn 2021-2025.


Học sinh lớp 1 trong giờ học môn Tiếng Việt, Chương trình giáo dục phổ thông mới

Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27.1, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày tham luận “Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025".

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực còn hạn hẹp, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Với hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cơ bản được hoàn thiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách khắc phục hạn chế, bất cập tồn tại từ nhiều năm trước.

Lần đầu tiên trong 2 năm liên tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục (sửa đổi, ban hành mới) năm 2019, giải quyết những “nút thắt” và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

“Đến nay, về cơ bản, các chủ trương của Nghị quyết 29 đã được thể chế hóa và cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách được tăng cường, xử lý nhiều bất cập, vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết các vấn đề giáo dục, đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc trước đây” - Bộ trưởng Giáo dục cho biết.

Cùng với đó, ngành giáo dục đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%.

Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3 (năm 2016 mới có 12/63 tỉnh); đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3.

Dai hoi Dang XIII: Giai quyet “nut that” doi moi toan dien giao duc hinh anh 2
Giám thị phổ biến quy chế thi cho thí sinh trước giờ làm bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ trên máy tính tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Chỉ số về tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, được đánh giá cao trong khu vực, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore. Đây cũng là điểm sáng trong đổi mới giáo dục của nước ta và được các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, được xây dựng bài bản, tiếp cận quốc tế, theo quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các môn học ở các cấp học, lớp học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành cuối năm 2018 được kỳ vọng giải quyết căn bản những hạn chế của chương trình hiện hành, trong đó, cách tiếp cận chuyển từ phương thức truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học”.

Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương chuẩn bị điều kiện như tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng phương án dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.

Cùng với đó, chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của giáo viên đã có thành công bước đầu, đáng khích lệ, phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

"Đây là bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Cùng với đó, công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả. Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học.

Công tác đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; khắc phục tình trạng học lệch, học tủ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên; được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở top đầu của khối ASEAN.

Đáng chú ý, chất lượng giáo dục mũi nhọn được thế giới đánh giá cao trên đấu trường quốc tế. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương vàng, so với 27 huy chương Vàng giai đoạn 2011-2015.

Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó, phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể; qua đó, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực. Đào tạo đại học đã gắn kết hơn với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; quan tâm, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á.

Cùng với chuyển biến trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành Giáo dục đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.

Lần đầu tiên, toàn ngành Giáo dục xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, được triển khai tại 63/63 cơ sở giáo dục đào tạo, 710 phòng giáo dục đào tạo, thu thập được 22 triệu hồ sơ học sinh và 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý, từ 53.000 trường học.

Hệ thống thống kê về giáo dục đại học được triển khai đến nay đã thu thập được khoảng 1,3 triệu hồ sơ sinh viên, 94.000 hồ sơ giảng viên từ 247 trường đại học, học viên, cao đẳng, trung cấp sư phạm - là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành trong thời gian tiếp theo.

Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường

Đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cơ bản.

Dai hoi Dang XIII: Giai quyet “nut that” doi moi toan dien giao duc hinh anh 3
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tham luận tại Đại hội

Với giải pháp đột phá “đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ từ việc hoàn thành nhiệm vụ đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong thời gian qua, giai đoạn 2021-2025, ngành giáo dục tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội; qua đó, tháo gỡ những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục - nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành giáo dục; rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục…

Cùng với nhiệm vụ rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục. Những năm qua, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành giáo dục xác định “sứ mệnh tiên phong” nhằm góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa; qua đó, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương, chủ động tuyên truyền, đổi mới phương thức và nội dung để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân về đổi mới giáo dục, đặc biệt việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và tự chủ đại học.

“Kịp thời truyền thông kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để tạo niềm tin vào đổi mới; những yêu cầu mới đặt ra đối với đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, làm rõ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện; đồng thời có các biện pháp kiểm soát kịp thời các thông tin sai lệch, có tác động tiêu cực đến ngành,” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Đại hội XIII: Giải quyết “nút thắt” đổi mới toàn diện giáo dục