Các ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội chính là sự kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, mong muốn đất nước phồn vinh.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Với tinh thần "Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển", phát huy trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, xác định mục tiêu phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới, mà còn hướng tới năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại hội XIII ghi một dấu mốc quan trọng trên con đường đi tới của dân tộc Việt Nam, thể hiện tầm nhìn, khát vọng và niềm tin của toàn Đảng, toàn dân.
Công tác văn kiện là linh hồn của mỗi kỳ Đại hội Đảng, quyết định thành công của Đại hội, định hướng tương lai của cả dân tộc.
Công tác xây dựng văn kiện Đại hội lần này được tiến hành rất công phu, bài bản, với hơn 2 năm chuẩn bị, qua nhiều vòng, có đổi mới về tư duy, phương pháp, áp dụng cả lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi. Văn kiện Đại hội XIII thật sự đã kết tinh trí tuệ, niềm tin và ý chí vươn lên của toàn Đảng, toàn dân.
Công phu, bài bản
Nói về quá trình chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII cho biết công tác này đã được chủ động chuẩn bị từ rất sớm.
Ngay từ Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII (tháng 10.2018) đã quyết định thành lập các Tiểu ban chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự.
Trong đó có 3 Tiểu ban liên quan đến việc chuẩn bị các văn kiện: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế-Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các Tiểu ban đã tích cực, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc; tiến hành tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và khảo sát thực tế.
Trong hơn 2 năm qua, Tiểu ban Văn kiện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức gần 60 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thành lập 50 đoàn đi khảo sát thực tế, làm việc, xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, tham vấn ý kiến các chuyên gia; tổ chức tọa đàm với một số tổ chức quốc tế, khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài.
Các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học đã gửi khoảng 80 báo cáo tư vấn, kiến nghị cho các Tiểu ban.
Các Tiểu ban đã tiến hành 20 phiên họp để thảo luận, thông qua Đề cương và các dự thảo văn kiện. Bộ Chính trị đã họp nhiều lần để cho ý kiến hoàn thiện Đề cương và các dự thảo văn kiện trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương tại các Hội nghị Trung ương 10, 11, 14 và 15.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương ương Nguyễn Xuân Thắng, ba nguyên tắc gồm kế thừa và phát triển; ổn định và đổi mới; thực tiễn và lý luận đã trở thành những nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn kiện.
Báo cáo trước toàn thể Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng Dân", quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chính vì vậy, thảo luận về văn kiện tại Đại hội, các đại biểu đồng thuận rất cao và nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội, xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Cùng với việc xác định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, 3 đột phá chiến lược được Đại hội xác định để thực hiện thành công mục tiêu là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Lắng nghe tiếng nói của dân
Các dự thảo văn kiện đã được chỉnh lý, sửa chữa nhiều lần và được gửi xin ý kiến rộng rãi của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể... ; được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp thu ý kiến đóng góp của toàn dân, nhằm phát huy dân chủ, trách nhiệm, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân vào công việc hệ trọng của đất nước.
Ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân rất đa dạng, đề cập các nội dung quan trọng về định hướng phát triển đất nước trong nhiều năm tới trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ... đặc biệt khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh bài học xây dựng Đảng là nhân tố quyết định thành công trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời gian tới.
“Việc kiện toàn, xây dựng Đảng là điều kiện tiên quyết để vượt qua khó khăn, thử thách, đưa đất nước phát triển bền vững, phồn vinh, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, đại biểu Đặng Ngọc Sơn nêu rõ.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhận được sự quan tâm rộng rãi từ người dân. Cùng với việc tiếp tục triển khai công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng.
Đi sâu phân tích nguồn gốc của tham nhũng, lãng phí - đó chính là chủ nghĩa cá nhân, nhiều ý kiến đề nghị cùng với kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn, không được xem nhẹ chống "tham nhũng vặt" - vấn đề gây nhức nhối đối với cuộc sống hằng ngày của người dân, gây giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Điểm nhấn là dự thảo văn kiện lần này nhiều lần nhắc đến "khát vọng phát triển đất nước".
Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá: "Đây là một yếu tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta".
Các điểm mới lần này xuất phát từ bối cảnh, tình hình hiện nay xuất hiện nhiều cái mới mà chúng ta phải vươn lên để tiếp cận. Chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm, bài học sau 35 năm đổi mới; tiếp cận được xu thế phát triển của thế giới và tư duy hiện đại, kinh nghiệm thành công của các quốc gia.
"Cái mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này không phải mới về câu chữ mà mới từ cách tiếp cận, từ tầm bao quát", Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.
Một điểm mới nữa là phát huy tư tưởng lấy dân làm gốc, được thể hiện rõ nét trong văn kiện. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá, lấy dân làm gốc tức là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng lần này Trung ương phát triển tiếp về mặt tư duy, tức là dân giám sát, dân thụ hưởng và dân phản biện.
“Trong một văn kiện, tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân được hòa quyện trên một nguyên lý hết sức khoa học của Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì không lý gì chính Đảng dẫn dắt dân tộc không thể vượt qua được thách thức”, đại biểu chỉ rõ.
Đặc biệt, “hạnh phúc của nhân dân” được nhấn mạnh trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, làm sâu sắc hơn giá trị lớn lao của 6 chữ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”, là khát vọng cháy bỏng cả dân tộc luôn hướng đến và cũng là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng nỗ lực để đạt được, để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân.
Các ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội chính là sự kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, nhân dân và đất nước, mong muốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc; dân tộc ta ngày càng cường thịnh, trường tồn.
Hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện, được tổng hợp lại thành 1.410 trang, gửi về Trung ương. Đây chính là tâm huyết, là trách nhiệm, là sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Chỉ khi người dân tin Đảng, yêu Đảng, một lòng hướng về Đảng thì mới có những đóng góp tâm huyết, cụ thể, để Đảng ta ngày càng vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc; dân tộc ta ngày càng cường thịnh, trường tồn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Theo TTXVN